Hôm qua, ngày 16-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, với 474/475 đại biểu Quốc hội tham gia tán thành (đạt tỷ lệ 95,18%). Việc Quốc hội thông qua nghị quyết này với tỷ lệ tán thành rất cao không chỉ là sự thống nhất mà còn cho thấy trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội với sự phát triển của Thủ đô, Vùng Thủ đô nói riêng, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước nói chung.

Theo nghị quyết, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8km, với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, chia thành 7 dự án thành phần. Sơ bộ, nhu cầu sử dụng đất của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội khoảng 1.341ha, trong đó đất dân cư khoảng 58ha, đất trồng lúa khoảng 816ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258ha…

Về tiến độ, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được chuẩn bị đầu tư, thực hiện ngay từ năm 2022, cơ bản hoàn thành trong năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Để bảo đảm tính tổng thể và đầu tư đồng bộ, thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án và được áp dụng một số chính sách, cơ chế đặc thù.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi ngay từ khi hình thành ý tưởng từ hơn 20 năm trước, dự án đã được xác định là tuyến giao thông kết nối quan trọng, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của Vùng Thủ đô. Lúc này là thời điểm chín muồi ở mọi khía cạnh để Hà Nội và các địa phương liên quan hiện thực hóa, hình thành cho được tuyến đường quan trọng này.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với tỷ lệ tán thành rất cao đã khẳng định, Hà Nội, các bộ, ngành, địa phương đã có sự chuẩn bị chu đáo cho dự án này. Đó là sự chủ động phối hợp, đề xuất đầu tư khép kín, đồng bộ toàn tuyến; nghiên cứu các cơ chế đặc thù; chủ động bố trí nguồn vốn, kêu gọi đầu tư…

Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa trách nhiệm của Hà Nội và các địa phương với dự án này là rất lớn. Với tiến độ đề ra, ngay sau khi được Quốc hội thông qua, thành phố Hà Nội và các địa phương phải bắt tay ngay vào hoàn thiện thủ tục đầu tư, tổ chức giải phóng mặt bằng, thi công ngay khi có mặt bằng.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án lớn nên chắc chắn sẽ phát sinh không ít vấn đề khi triển khai. Vì thế, có cơ chế, chính sách đặc thù mới là điều kiện cần; điều kiện đủ là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành với Hà Nội và các địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ ngay mọi khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đi cùng với cơ chế, chính sách đặc thù, phân cấp, phân quyền là trách nhiệm giám sát, kiểm tra bảo đảm đúng quy định và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả.

Cử tri cả nước, cử tri Hà Nội và các địa phương trong Vùng Thủ đô, thông qua đại biểu Quốc hội gửi gắm niềm tin và cả kỳ vọng với Hà Nội, với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Vì thế, Hà Nội, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực, đồng lòng và quyết tâm rất cao triển khai dự án đúng tiến độ, đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng của đại biểu Quốc hội và cử tri.

Với tỷ lệ cao đồng thuận cao, với sự chuẩn bị chu đáo và trách nhiệm, với sự đồng lòng và quyết tâm, chúng ta có quyền tin tưởng dự án sớm thành hình, trở thành động lực cho Thủ đô, Vùng Thủ đô và Vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/1034749/niem-tin-va-ky-vong

Gia Khánh / Theo báo Hà Nội mới