Nhiều ngày qua, chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội đều ở mức tiệm cận nguy hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trước đó Hà Nội đã từng thực hiện đồng loạt các giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, nhưng mỗi khi thời tiết chuyển biến xấu thì mức độ ô nhiễm lại nghiêm trọng hơn.
Giao thông là một trong 12 nguồn phát thải ô nhiễm của Hà Nội |
Cả tuần đều xấu
Những ngày giữa tháng 11-2021, các trạm quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội luôn ghi nhận những chỉ số xấu. Cụ thể, kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Nội) lúc 9h ngày 17-11 cho thấy, tất cả khu vực nội thành đều ở mức xấu. Trong đó, khu vực có mật độ chất ô nhiễm cao là: đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) có chỉ số AQI ở mức 197 đơn vị; khu vực Thành Công (Ba Đình) chỉ số AQI ở mức 190 đơn vị; khu vực Kim Liên (Đống Đa) chỉ số AQI là 187 đơn vị…
Kết quả quan trắc trong tuần (từ ngày 15 đến 19-11) cho thấy, chất lượng không khí ở mức xấu so với một tuần trước đó. Cụ thể trong tuần này xuất hiện chỉ số AQI ở mức “Xấu” và “Kém”, AQI ở mức “Tốt” và “Trung bình” giảm. Chỉ số AQI tại các trạm quan trắc dao động từ 21-168. Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Chi cục Bảo vệ môi trường, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần này chất lượng không khí giảm hơn so với tuần trước; xuất hiện chỉ số AQI ở mức “Xấu” và “Kém”, AQI ở mức “Tốt” và “Trung bình” giảm.
Cụ thể, trạm Kim Liên có 1 ngày trong tuần chất lượng không khí ở mức “Tốt” và “Kém” chiếm 14,29%, 2 ngày ở mức “Trung bình” chiếm 28,57%; còn lại ở mức “Xấu”… Tuy vậy, tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại Minh Khai, Phạm Văn Đồng, trong tuần này chất lượng không khí cải thiện hơn so với tuần trước. Cụ thể, trạm Minh Khai đang bảo trì, bảo dưỡng và hiệu chuẩn nên hiện tại chưa có số liệu. Trạm Phạm Văn Đồng có 1 ngày chất lượng không khí ở mức “Tốt” chiếm 14,29%, còn lại 2 ngày đều ở mức “Trung bình”, “Kém” và “Xấu”. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại trạm Phạm Văn Đồng trong tuần này là 168.
Hà Nội đang nỗ lực nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp căn cơ là tiến tới hạn chế sự hoạt động của phương tiện cá nhân và xe máy tại một số khu vực. Tuy nhiên, giải pháp này tác động đến nhiều đối tượng nên Hà Nội đã giao Sở GTVT và các sở, ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động rõ ràng và xây dựng đề án cụ thể để có thể triển khai thực hiện trong giai đoạn tới. |
Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công thì chất lượng không khí trong tuần này cũng tăng so với tuần trước. Cụ thể, trạm Hoàn Kiếm có 1 ngày chất lượng không khí ở mức “Tốt” và “Kém” chiếm 14,29%; còn lại tất cả các ngày chất lượng không khí đều ở mức “Trung bình”. Theo nhận định của Chi cục Bảo vệ môi trường, trong tuần vừa qua vẫn là khí tượng tác động chủ yếu tới chất lượng không khí trên địa bàn thành phố. Bây giờ đang là khoảng thời gian chuyển mùa, lượng sương mù lớn và dày nằm trên cao khiến các chất ô nhiễm đọng lại ở tầng dưới không khuếch tán lên được. Chỉ duy nhất vào ngày 18-11 có mưa nhỏ rải rác trên khắp thành phố nên chất lượng không khí cải thiện được đôi chút.
Thông qua Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội mức chỉ số trung bình đạt ngưỡng đỏ |
Phương tiện giao thông, xây dựng là nguyên nhân chính
Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khuyến cáo, để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống. Đặc biệt, đang vào vụ thu hoạch lúa tại các khu vực ngoại thành, người dân cần tuyệt đối không đốt rơm rạ. Ngoài ra, để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố chất lượng không khí của cơ quan Nhà nước để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Lý giải tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tái diễn tại Hà Nội những ngày qua, quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Đào Thị Anh Điệp cho biết, do không khí lạnh suy yếu trong khi mật độ các chất gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông và công trình xây dựng không giảm khiến bụi bẩn và các chất ô nhiễm không thể khuếch tán. Bên cạnh đó, độ ẩm và nền nhiệt tăng cao khiến sương mù xuất hiện dày đặc làm mức độ ô nhiễm không khí nặng nề hơn. Tình trạng này có thể còn kéo dài thêm vài ngày nữa. Sang đầu tuần, khi không khí lạnh tràn về, trời sẽ quang trở lại, bụi bẩn được khuếch tán và ô nhiễm không khí sẽ giảm.
Sương mù và bụi dày đặc trên đường Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) |
Tuy nhiên, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, thời tiết chỉ là một trong những tác nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng. Nguyên nhân chính vẫn đến từ các hoạt động phát thải của con người, trong đó có phương tiện giao thông, các hoạt động xây dựng…
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình, thành phố đã xóa được hơn 98% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày đạt 99-100% ở tất cả khu vực trên địa bàn Thủ đô. Hơn nữa, thành phố vừa mới triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Ngoài ra, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải... nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm.
“Để cải thiện chất lượng môi trường không khí thì một mình Hà Nội không thể làm được mà cần phải có sự chung sức từ các bộ, ngành, địa phương khác trong triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hạn chế phát sinh nguồn gây ô nhiễm ra môi trường” - Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Mai Trọng Thái nhấn mạnh.
Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về khí thải ô tô
Hiện, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cũng đang xây dựng Thông tư Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành để góp phần cải thiện chất lượng không khí từ các phương tiện tham gia giao thông.
Trong đó, quy định mức khí thải đối với phương tiện ô tô đang lưu hành: khí thải phương tiện ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén sản xuất trước năm 1999, đang lưu hành phải đáp ứng mức 1; Khí thải phương tiện ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén sản xuất từ năm 1999 đến ngày 1-1-2017, đang lưu hành phải đáp ứng mức 2; Khí thải phương tiện ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén sản xuất sau ngày 1-1-2017 và phương tiện ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén đã qua sử dụng nhập khẩu phải thực hiện theo lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Kết quả quan trắc các thông số khí thải ô tô đang lưu hành tại Việt Nam phục vụ chứng nhận kiểm định, kiểm tra phải được thực hiện bởi đơn vị được chứng nhận đủ điều kiện kiểm định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (thuộc Bộ GTVT). Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng phải đáp ứng điều kiện năng lực hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường đối với lĩnh vực quan trắc khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hà Nội cũng đang nỗ lực nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp căn cơ là tiến tới hạn chế sự hoạt động của phương tiện cá nhân và xe máy tại một số khu vực. Tuy nhiên, giải pháp này tác động đến nhiều đối tượng nên Hà Nội đã giao Sở GTVT và các sở, ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động rõ ràng và xây dựng đề án cụ thể để có thể triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.
Chất lượng không khí của Hà Nội đang ở mức báo động? Những ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp xuất hiện sương mùa bao phủ tới trưa. Nhiều trường hợp cảm nhận rõ hơi sương cuộn ... |