Sau khi ChatGPT ra mắt đã tạo nên làn sóng càn quét thế giới, các mô hình AI lớn đã trở thành một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay.
- 'ChatGPT phiên bản Việt' và câu chuyện của người tiên phong
- Có nên dùng ChatGPT để đầu tư chứng khoán ở Việt Nam?
Năm 2023 được xem năm lịch sử với lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Sau khi ChatGPT ra mắt và tạo nên làn sóng càn quét thế giới, các mô hình AI lớn đã trở thành một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay.
Không chỉ dừng lại ở việc tương tác đối thoại bằng văn bản, các mô hình AI lớn đã mang lại những thay đổi lớn cho hoạt động sản xuất và đời sống của nhân loại suốt hơn một năm qua.
AI được dự báo sẽ tiếp tục có tác động mang tính đột phá cả về việc cải thiện năng suất làm việc của con người, cũng như tiềm ẩn những rủi ro rất khó dự đoán.
Sự ra đời của ChatGPT thổi bùng cuộc đua phát triển công nghệ AI. (Ảnh: Sutthiphong)
ChatGPT châm ngòi có sự bùng nổ mô hình AI lớn
Cuối tháng 11/2022, công ty OpenAI của Mỹ phát hành ứng dụng chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn GPT-3.5.
ChatGPT được ra mắt một cách khá im ắng. OpenAI không tổ chức họp báo và không tiến hành bất kỳ hoạt động quảng cáo khởi động nào. Chẳng ai có thể ngờ rằng chỉ trong vòng hai tháng sau khi phát hành, số người dùng hoạt động hàng tháng của ChatGPT đã vượt quá 100 triệu, khiến đây trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.
Với khả năng diễn đạt ngôn ngữ trôi chảy, khả năng giải quyết vấn đề mạnh mẽ cùng cơ sở dữ liệu khổng lồ, bất chấp những sai sót như “vô nghĩa”, ChatGPT vẫn cho phép mọi người tận tay trải nghiệm trí tuệ nhân tạo hiện đại là như thế nào.
Tờ New York Times gọi ChatGPT là “chatbot trí tuệ nhân tạo tốt nhất từng được ra mắt đại chúng”.
Bill Gates đã công khai tuyên bố rằng sự ra đời của ChatGPT có ý nghĩa lịch sử to lớn, không kém gì sự ra đời của Internet hay máy tính cá nhân.
Sự xuất hiện của ChatGPT đã ảnh hưởng sâu sắc tới quỹ đạo phát triển của ngành AI toàn cầu, mô hình AI quy mô lớn đã thu hút một lượng lớn các gã khổng lồ công nghệ, các công ty khởi nghiệp và viện nghiên cứu khoa học.
Thời báo Hoàn Cầu dẫn số liệu thống kê từ "Sách trắng về ứng dụng đổi mới các mô hình lớn trong ngành trí tuệ nhân tạo của Bắc Kinh (2023)" do Ủy ban Khoa học và Công nghệ Thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) công bố gần đây, cho thấy từ góc độ toàn cầu, tất cả các nơi trên thế giới đang tích cực thúc đẩy phát triển và ứng dụng các mô hình AI lớn.
Trong số đó, tổng số lượng mô hình lớn nói chung do Mỹ và Trung Quốc phát hành chiếm 80% số lượng phát hành toàn cầu, là những nước dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ mô hình lớn.
Tại Mỹ, Microsoft đã sử dụng khoản đầu tư và hợp tác của mình vào OpenAI để tích hợp các tính năng GPT vào phần mềm Office và các sản phẩm khác của mình
Trong khi đó, Google vừa ra mắt thế hệ Gemini mô hình lớn đa phương thức mới vào cuối năm nay, được trong ngành coi là phát động cuộc đối đầu trực tiếp với GPT.
Mới nhất, Amazon cũng đang đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn thứ 2. Mô hình này có 2.000 tỷ tham số và có thể trở thành một trong những mô hình lớn nhất đang được đào tạo trên thế giới.
Ngoài ra, hàng loạt startup cũng dồn tâm huyết với các mô hình quy mô lớn, như Anthropic do cựu giám đốc điều hành OpenAI Dario sáng lập và Cohere với một đội ngũ sáng lập hùng mạnh.
Tại Trung Quốc, kể từ khi GPT-4 lên mạng vào tháng 3, các mô hình lớn của các công ty công nghệ nội địa như Baidu, Alibaba, Huawei, JD.com, 360, Tencent... đã liên tiếp xuất hiện.
Ngoài ra, các trường đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng như Đại học Thanh Hoa, Đại học Phúc Đán, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cũng đang triển khai chuyên sâu trong lĩnh vực mô hình lớn.
Tính đến tháng 10, ít nhất 238 mô hình AI lớn đã được ra mắt tại Trung Quốc.
Zhou Hongyi, người sáng lập 360, chia sẻ: "Khách quan mà nói, giữa các mô hình AI lớn của Trung Quốc và GPT-4 vẫn có một khoảng cách nhất định, nhưng khoảng cách này không ngăn cản xây dựng ngành công nghiệp mô hình lớn của riêng mình".
Nhà phân tích Internet Yu Siyuan cho rằng mặc dù Trung Quốc vẫn còn một số thiếu sót trong công nghệ nghiên cứu và phát triển cơ bản, nhưng quy mô thị trường lớn và kịch bản ứng dụng phong phú có thể cung cấp không gian và điều kiện rộng rãi để nước này triển khai các mô hình lớn.
Năm 2023, dù không có khoản đầu tư quy mô lớn như Trung Quốc và Mỹ, nhưng các quốc gia và khu vực khác cũng không bị bỏ xa trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Vào tháng 5, mô hình lớn Falcon của Viện Đổi mới Khoa học và Công nghệ Abu Dhabi ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã được ra mắt.
Tháng 9, chính phủ Nhật Bản đã hợp tác với các công ty công nghệ lớn như NEC, Fujitsu, SoftBank để đầu tư hàng trăm triệu USD phát triển các mô hình tiếng Nhật quy mô lớn.
Công ty Internet Hàn Quốc Naver ra mắt HyperClova X. Trong khi đó, nền tảng Bhashini do chính phủ Ấn Độ đầu tư cũng đã được đưa vào sử dụng.
Trí tuệ nhân tạo mang lại những thay đổi lớn cho hoạt động sản xuất và đời sống của nhân loại suốt hơn một năm qua. (Ảnh: iFactory)
Dựa trên các mô hình lớn, trí tuệ nhân tạo tổng quát (AIGC) cũng đang được phát triển nhanh chóng. Một báo cáo do tổ chức nghiên cứu quốc tế IDC công bố trong tháng này dự đoán rằng, các doanh nghiệp toàn cầu sẽ đầu tư 16 tỷ USD vào các giải pháp trí tuệ nhân tạo tổng hợp trong năm 2023.
Đến năm 2027, chi tiêu dự kiến sẽ vượt 140 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm hơn 70%, gần gấp 13 lần tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của chi tiêu kỹ thuật công nghệ thông tin toàn cầu trong cùng thời kỳ.
Cũng trong năm qua, công cụ AI Midjourney có thể tạo ra hình ảnh từ các mô tả văn bản, hay phần mềm tạo video AI Gen-2 đã khiến người dùng toàn cầu phải kinh ngạc. Cụm từ “AI thay đổi thế giới” đang trở thành hiện thực.
Tiện ích đi kèm những rủi ro
Trong năm qua, việc phát triển và ứng dụng các mô hình AI lớn đã đạt đến tầm cao mới, không chỉ đạt được những tiến bộ đáng kể về công nghệ mà còn cho thấy tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực.
Zhao Zhiyun, Giám đốc Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cho biết bước đột phá lớn nhất của công nghệ mô hình AI lớn nằm ở trong tính linh hoạt của nó. Các mô hình lớn đã nâng cao đáng kể tính linh hoạt và tính khái quát hóa thông qua con đường “dữ liệu lớn, sức mạnh tính toán lớn và thuật toán mạnh”. Thúc đẩy trí tuệ nhân tạo từ “kỷ nguyên thủ công” dựa trên đào tạo tùy chỉnh các mô hình nhỏ chuyên dụng sang “kỷ nguyên công nghiệp hóa” dựa trên đào tạo trước các mô hình lớn, qua đó mở ra một làn sóng phát triển AI mới.
Sự phát triển nhanh chóng của các mô hình AI lớn sẽ mở ra một đợt cách mạng mới về năng suất và tiếp thêm nguồn năng lượng mới cho nền kinh tế toàn cầu đang nỗ lực phục hồi. Tuy nhiên, nó cũng mang đến hàng loạt rắc rối và lo lắng.
Từ việc sinh viên dùng AI để viết luận văn, cho đến việc lợi dùng tính năng hình ảnh của AI để lừa đảo, sau đó là những vấn đề về sở hữu trí tuệ, đạo đức và “cách con người và AI hòa hợp với nhau”, tất cả phải được giải quyết bằng nỗ lực chung của cả thế giới.
Hình ảnh tỷ phú Elon Musk được tạo ra bởi AI của ứng dụng Midjourney. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu)
Tình trạng nội bộ hỗn loạn gần đây trong OpenAI phản ánh sự xung đột và va chạm gay gắt giữa các khái niệm phát triển khác nhau đối với AI. Washington Post khi đó đưa tin "cuộc đấu đá nội bộ" xoay quanh sự khác biệt giữa hai xu hướng, người sáng lập OpenAI Altman muốn thúc đẩy sự phát triển và thương mại hóa nhanh chóng công nghệ AI, trong khi những người khác ngày càng lo ngại về các vấn đề an ninh có thể xảy ra.
Trước đó, ngày 30/5, hơn 350 nhà lãnh đạo và chuyên gia ngành trí tuệ nhân tạo quốc tế, do CEO Tesla Elon Musk đại diện, đã đưa ra tuyên bố chung, nêu rõ cuộc khủng hoảng trí tuệ nhân tạo nên được coi là ưu tiên toàn cầu. Tuyên bố cho biết: "Trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người, nguy hiểm không kém gì dịch bệnh quy mô lớn và chiến tranh hạt nhân".
Vào tháng 11, Hội nghị thượng đỉnh về an ninh trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới đã được tổ chức tại Anh, 28 quốc gia tham gia và EU đã cùng nhau ký "Tuyên bố Bletchley".
Tuyên bố tin rằng các vấn đề liên quan đến việc lạm dụng có chủ ý hoặc kiểm soát vô thức công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến có thể gây ra rủi ro lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như an ninh mạng, công nghệ sinh học và khi tình trạng lan truyền thông tin sai lệch ngày càng gia tăng.
Để đối phó với những thách thức to lớn do AI mang lại, nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đã đưa ra các sáng kiến hoặc quy định, nhất trí yêu cầu tăng cường giám sát an toàn.
Nhà phân tích Yu Siyuan cho rằng xu hướng phát triển của AI là không thể đảo ngược và nên tích cực đón nhận. "Điều cần làm là thế giới cùng chung tay xây dựng một hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm và đáng tin cậy".
https://vtc.vn/noi-lo-mang-ten-ai-ar844037.html