Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao hàng đầu trên thế giới, với dòng vốn tỷ USD đều đặn chảy vào nhờ triển vọng, sự ổn định của các thị trường và chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý.

Môi trường cạnh tranh, đồng tiền ổn định

Đi qua 3/4 thời gian của 2017, nền kinh tế đã chứng kiến dòng vốn tỷ đô dồn dập đổ vào Việt Nam, xuất khẩu tăng mạnh, tiêu dùng nội địa tăng nhanh và thị trường bất động sản sôi động… là những kết quả đáng ghi nhận, đến từ môi trường kinh doanh được cải cách mạnh mẽ và sự ổn định vĩ mô trong đó có chính sách tiền tệ luôn được điều hành một cách ổn định, phản ứng linh hoạt... tạo ra niềm tin lớn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2017, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có bước nhảy vọt tăng 14 bậc so với năm 2016, lên hạng 60/190 các quốc gia trên thế giới. Đây là một bước tiến nổi bật trong hàng thập kỷ qua.

Trong khi đó, giới kinh doanh cũng hết sức tin tưởng khi triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam - huyết mạch của nền kinh tế - vừa được Moody’s nâng từ mức “ổn định” lên “tích cực”. Đây là lần thứ hai nâng hạng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong vòng 6 năm trở lại đây.

Chỉ số CPI tháng 10/2017 tăng khá so với tháng trước nhưng bình quân so với cùng kỳ 2016 vẫn theo xu hướng giảm và thấp hơn mục tiêu 4%. Lạm phát cơ bản tiếp tục ổn định, chỉ tăng 0,08% so với tháng trước, tăng 1,32% so với cùng kỳ và tăng 1,04% so với cuối năm 2016. Lạm phát bình quân trong 10 tháng tiếp tục chậm lại, hiện ở mức 3,71%. Lạm phát cơ bản bình quân ổn định, dao động trong khoảng 1,4-1,5%, cho thấy chính sách tiền tệ (CSTT) đang kiểm soát tốt giá trị đồng tiền. Dự kiến mục tiêu lạm phát 4% là có thể đạt được.

Tỷ giá trong 10 tháng diễn biến ổn định. Tỷ giá thị trường giảm 0,24% so với cuối năm 2016; thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, NHNN mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng vừa lập một kỷ lục mới: 45 tỷ USD sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tung ra một lượng tiền đồng cực lớn để mua thêm 3 tỷ USD. So với cuối 2016, dự trữ ngoại hối đã tăng thêm 6 tỷ USD.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc điều hành các công cụ CSTT, kiểm soát các chỉ tiêu tiền tệ phù hợp với mục tiêu điều hành, giữ thanh khoản VND dư thừa hợp lý để có lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp để hỗ trợ tín dụng tăng trưởng cao ngay từ đầu năm… là những tiền đề quan trọng để hỗ trợ đà tăng trưởng đang phục hồi và mục tiêu 6,7%.

Ngay từ đầu năm, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4%, NHNN xây dựng mục tiêu định hướng tín dụng cả năm tăng khoảng 18%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn thận trọng trước các tác động bất lợi.

Để tăng tín dụng cho sản xuất kinh doanh với lãi suất giảm mạnh, NHNN đã luôn đảm bảo yêu cầu điều hành CSTT đảm bảo thanh khoản cho TCTD và duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp giúp ổn định và giảm mặt bằng lãi suất.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC). lãi suất huy động hiện nay vẫn ổn định so với tháng trước. Tính đến tháng 10, lãi suất huy động bình quân lần lượt là 4,7 - 5,7 - 6,8% tương ứng với kỳ hạn 1 - 6 - 12 tháng. Với các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng, lãi suất huy động bình quân ở mức 7,1%. Lãi suất cho vay giảm nhẹ so với đầu năm. Đặc biệt, động thái giảm lãi suất gần đây của Ngân hàng Vietcombank được các chuyên gia đánh giá là tín hiệu tốt cho cả hệ thống ngân hàng.

Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức: ngắn hạn 6-6,5%/năm, trung và dài hạn 9-10,5%/năm; đối với SXKD thông thường, lãi suất khoảng 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung dài hạn.

Niềm tin kích thích nguồn vốn tỷ USD

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm, tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 28 tỷ USD, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đã cao hơn rất nhiều so với tổng vốn FDI 24,4 tỷ USD trong cả năm 2016.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ qua giới đầu tư chứng kiến một dòng vốn lớn dồn dập đổ vào mạnh mẽ như vậy. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng cả tỷ USD trên sàn chứng khoán, nâng tổng số vốn ngoại trên TTCK lên khoảng 28 tỷ USD. Hàng chục tỷ USD được dự báo sẽ còn đổ vào thị trường nếu tình hình ổn định như hiện tại và TTCK Việt Nam được nâng hạng.

Trong quý 3/2017, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng GDP lên tới 7,46%, cao hơn nhiều so với mức tăng khoảng 6,2% trong năm trước. GDP Việt Nam được dự báo sẽ ở mức cao trong năm 2017 và vẫn sẽ ổn đỉnh trên ngưỡng 6,2% trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.

Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business Report 2018) của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cũng cho thấy, chỉ số Tiếp cận tín dụng (Getting credit) của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100, tăng 5 điểm so với năm 2017 và cao hơn trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (57/100 điểm)... góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

Điểm đáng ghi nhận là từ 10/7/2017, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN, 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Trên cơ sở đó, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm, giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm...

Đánh giá cao động thái này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm lãi suất chính sách sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là nắn dòng tiền ngân hàng vào các lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên phát triển... góp phần vào tăng trưởng GDP, cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, đồng thời nâng triển vọng, uy tín hệ thống ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế.

Chọn trí tuệ thay cho “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, đồ đệ”

Đã có những cử nhân thất nghiệp, chán nản đến mức đốt cả bằng đại học, câu chuyện thời sự này được kể ra tại ...

Mục tiêu 2018 tăng trưởng 6,5% - 6,7%: Các giải pháp lớn đã được hoạch định

Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu được quốc tế và các chuyên gia dự báo năm 2018 là tích cực và tiếp ...

Đồng tiền Việt Nam thuộc nhóm ổn định nhất Châu Á

Thông tin trên là nhận định được hãng tin Bloomberg đưa ra dựa trên những con số so sánh thuyết phục.

(http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/dong-von-ty-usd-thi-truong-bung-no-thap-ky-co-mot-411176.html)

/ Theo M.Hà/VietNamnet.vn