Để tái cơ cấu và giữ cho Sacombank ổn định cần nhiều giải pháp, một mình Dương Công Minh không thể làm được...

Liên quan tới việc đại gia Dương Công Minh liên tục đổ tiền mua cổ phiếu Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (mã chứng khoán: STB). TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc một công dân, một doanh nhân có tiền họ phải tính toán đầu tư, kinh doanh thế nào với đồng tiền đó của mình là nguyên lý rất bình thường.

Đại gia Dương Công Minh

Nhưng nó được xem là bất bình thường vì vị đại gia này đã chấp nhận tiếp quản Sacombank dù trong bối cảnh ngân hàng này đang rơi vào tình cảnh khốn khó.

Theo tính toán, đến cuối quý I/2017, tổng các khoản nợ xấu tại ngân hàng này lên đến 10.083 tỉ đồng, chiếm 4,9% tổng dư nợ. Còn nếu tính luôn khoản nợ đã bán cho VAMC và khoản mục lãi dự thu thì tổng nợ xấu tiềm tàng của Sacombank lên đến 72.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 35% tổng dư nợ tín dụng. Cùng với Ngân hàng BIDV, Sacombank đang là tổ chức tín dụng có quy mô nợ xấu lớn nhất trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay.

Nếu theo chiều thuận, việc tiếp quản một ngân hàng yếu kém, thua lỗ, đứng trên bờ vực nguy hiểm đã là rất mạo hiểm. Tiếp tục đổ tiền mua lại cổ phần cũng có thể coi là một cách đầu tư mạo hiểm nữa.

Với những thông số trên, Sacombank đã được Ngân hàng Nhà nước xếp vào diện phải cơ cấu lại. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý theo TS Cao Sỹ Kiêm là, trong đề án tái cơ cấu các ngân hàng có điều khoản cho phép các ngân hàng được vời gọi vốn đầu tư từ các cổ đông nước ngoài.

Do đó, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh mua bán, sáp nhập (M&A), “làm sạch” sổ sách để có thể kêu gọi được cổ đông ngoại tham gia trong các đợt tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, đẩy mạnh tái cấu trúc. Động thái của ông Dương Công Minh tại Sacombank có thể cũng nằm trong tính toán đó.

Điều này đã lý giải vì sao ông Minh liên tiếp rót tiền gom mua cổ phiếu Sacombank sau khi tiếp quản ngân hàng này. Cụ thể, ông Minh đã 2 lần gom thành công và đang sở hữu hơn 60,5 triệu cổ phiếu STB. Vị đại gia này vẫn đang tiếp tục đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu STB từ ngày 10/11 đến ngày 10/12 bằng phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

Nếu giao dịch thành công, ông Minh sẽ nắm giữ tổng cộng hơn 62,5 triệu cổ phiếu, chiếm 3,32% vốn điều lệ ngân hàng và 3,47% vốn cổ phần có quyền biểu quyết.

Vị chuyên gia cho biết, khi đã có chủ trương như vậy, việc ông Minh hay bất kỳ cổ đông nào có nhu cầu tham gia mua cổ phần của Sacombank đều là quyền lựa chọn của các cá nhân đó.

Tái cơ cấu, một cá nhân không làm được

TS Kiêm cũng cho rằng, việc ông Minh dám đứng ra tiếp quản và chịu đầu tư vào Sacombank cũng được xem là một cơ sở, tạo ra niềm tin rằng ông Minh sẽ có quyết tâm vực dậy, giữ ổn định cho Sacombank.

Tuy nhiên, mong muốn tái cơ cấu và ổn định được Sacombank không chỉ dựa vào nỗ lực của một mình ông Minh mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác do Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Những điều kiện đó phải đảm bảo cho ngân hàng an toàn phát triển sau tái cơ cấu. Đặc biệt, cũng phải đảm bảo an toàn cho cả các khoản gửi của người dân.

Đầu tiên phải là sự tái cơ cấu lại đội ngũ nhân sự của Sacombank. Năng lực của cán bộ, nhân viên cũng như sự đoàn kết của đội ngũ cán bộ góp phần không nhỏ trong việc tạo ra bước đột phá cho ngân hàng này.

Điều kiện thứ hai là chiến lược kinh doanh của Sacombank được xây dựng thế nào? Có phù hợp không? Có phát huy được năng lực, hiệu quả, có theo được nhịp độ của thị trường hay không?

Điều kiện tiếp theo là công nghệ, kỹ thuật của ngân hàng được thay đổi, cải thiện như thế nào? Có đảm bảo theo kịp được với những yêu cầu trong hoạt động ngân hàng hiện nay không?

Điều kiện nữa là yêu cầu xử lý, giải quyết dứt điểm những tồn tại, yếu kém của ngân hàng này. Cụ thể là những tồn tại trong việc xử lý các khoản nợ xấu, xử lý các khoản tài sản bảo đảm... việc này vốn rất phức tạp và đòi hỏi có một chủ trương, chính sách phù hợp mới giải quyết được.

Một điều kiện không thể thiếu đó là sự hỗ trợ trong công tác quản lý, điều hành từ cơ chế, chính sách của nhà nước.

"Để tái cơ cấu và giữ được Sacombank hoạt động ổn định cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, một mình Dương Công Minh không thể làm được", ông Kiêm khẳng định.

Mặc dù vậy, TS Cao Sỹ Kiêm cũng thừa nhận sự ra mặt của Dương Công Minh là rất có bản lĩnh.

"Một đại gia dám tiếp quản, đổ tiền đầu tư vào một ngân hàng có quá nhiều vấn đề như Sacombank là rất bản lĩnh. Tất nhiên, tôi cũng cho rằng ông Minh phải nhìn thấy lợi thế gì hoặc phải nắm bắt được cơ hội kiếm lợi từ Sacombank thì mới mạnh dạn đầu tư như vậy. Với những nhà kinh doanh lớn, bao giờ cũng có những ý tưởng lớn. Điều này là dễ hiểu, không ai bỏ tiền đầu tư nếu biết chắc sẽ thua lỗ", TS Cao Sỹ Kiêm nhận định.

Sacombank tăng giá bán USD lên 22.800 đồng/USD

Mở đầu tuần giao dịch mới, sáng nay (30/10), NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm thêm 3 đồng lên 22.477 đồng/USD. Còn tại ...

Dương Công Minh đặt cược vào cuộc chơi lớn

Ông Dương Công Minh tiếp tục đặt cược vào một cuộc chơi lớn mà tất cả mới chỉ bắt đầu. Tiền là quan trọng nhưng ...

Ba \'nữ tướng\' của ngân hàng Việt

Việt Nam có 34 ngân hàng thương mại nhưng hiện chỉ có ba "bóng hồng" đang đảm trách ghế nóng CEO.

(http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ong-duong-cong-minh-rot-tien-tai-co-cau-sacombank-ban-linh-3346649/)

/ Theo Hoài An/Đất Việt