Ngay giữa Thủ đô, một xóm trọ có đủ tiện nghi: điều hòa, tivi, nơi nấu ăn, wifi… mà chỉ cho thuê 15.000 đồng/ ngày, nên mọi người đặt cho ông chủ xóm trọ biệt danh là ông Hiệp “khùng”.

ông Hiệp

"Hiếm có ai tốt với người thuê trọ như bác Hiệp"

Chúng tôi đến xóm trọ của ông Nguyễn Thế Hiệp ở ngõ 879 Đê La Thành, quận Đống Đa (Hà Nội) vào một buổi chiều muộn. Điều khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ là ngay ở cổng ra vào, bàn ghế được kê ngay ngắn, mọi người trong xóm đang cùng ngồi trò chuyện, xem tivi một cách vui vẻ như những người trong gia đình. Hỏi về ông Hiệp, ai nấy đều cười và nói: “Ông ấy như người thân trong gia đình vậy, hiếm có ai mà tốt với người thuê trọ như ông ấy.”

Người đến thuê trọ ở đây phần lớn là người nhà bệnh nhân, vì thế cuộc sống của họ rất khó khăn. Ông Hiệp không chỉ lấy tiền trọ giá rẻ mà còn cung cấp cho họ đủ đồ dùng sinh hoạt và không thu phí như mắc áo, nồi cơm điện, nồi niêu nấu ăn…

Những người đến đây ở trọ chỉ cần mang theo quần áo. Không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất, ông còn giúp đỡ người nhà bệnh nhân làm giấy tờ, thủ tục nhập viện. Ai khó khăn gì ông giúp nấy, có những trường hợp nằm ngoài khả năng, ông tìm kiếm, kêu gọi các nhà hảo tâm. Đối với những người trong xóm trọ, ông như một người thân. Với ông việc giúp đỡ những người thuê trọ chính là niềm vui giản dị của ông trong cuộc sống.

Chị Lò Thị Hà (21 tuổi) nghẹn ngào chia sẻ về người đã cưu mang gia đình mình. Chị kể, hai vợ chồng chị cùng mẹ từ Điện Biên lên đây để chữa bệnh cho con bị viêm não. Do chi phí chữa bệnh quá lớn mà hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, số tiền dành dụm được chỉ đủ trả viện phí, vì vậy hai vợ chồng và mẹ chị chỉ có thể ngủ ở hành lang bệnh viện, bữa ăn bữa không.

Ông Hiệp được một người trong xóm chia sẻ về hoàn cảnh của chị, nên đã ra bệnh viện mời ba mẹ con chị vào ở miễn phí. Ngoài ra, ông còn kêu gọi các nhà hảo tâm được số tiền 1,3 triệu để giúp chị có thêm tiền chữa bệnh cho con. “Nhờ sự giúp đỡ của bác, gia đình tôi đỡ chật vật hơn rất nhiều, nếu không có bác Hiệp, gia đình tôi không biết phải làm sao”, chị Hà nói.

Chị Bùi Thị Yến, người thuê trọ ở đây đã được 3 năm cho biết, dù con chị được chuyển viện khác để chạy thận, nhưng chị vẫn ở trọ đây. “Hiếm có ai mà tốt với người thuê trọ như bác Hiệp. Bác còn sẵn sàng bỏ công việc để đưa các cháu đi chơi công viên hay lăng Bác, ai đã đến đây ở trọ đều cảm thấy gắn bó và không muốn rời đi”, chị Yến nói

“MÌNH VẪN CÓ CUỘC SỐNG TỐT HƠN HỌ”

Xóm trọ giá rẻ được ông Hiệp mở rộng từ năm 2008, đến nay. Trong khi, giá của một phòng trọ bình dân từ 120 - 150 nghìn đồng/ngày, thì ông Hiệp chỉ cho thuê 15.000 đồng/ ngày; với những người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, ông chỉ lấy 10.000 đồng hoặc cho ở miễn phí.

Cả khu trọ với 44 buồng, nhưng ông Hiệp chỉ dành 2 phòng cho gia đình mình. Bản thân ông chỉ sinh hoạt trong căn phòng vẻn vẹn 6m2 ở trên tầng 3 cùng với những người thuê trọ khác. Ông chia sẻ: “Mình nhường cho họ ở tầng dưới vì họ hay phải thấp thỏm đợi tin tức ở viện, có việc gì sẽ đi nhanh hơn. Mình ở đâu đáng mấy, 6m2 cũng đủ dùng rồi. Nhiều khi vào giai đoạn cao điểm nhiều người đến thuê trọ, tôi sẵn sàng nhường phòng của mình cho họ rồi lên kho chứa đồ ngủ tạm, có lẽ người ta gọi tôi khùng cũng vì thế đấy”.

Không chỉ mở khu trọ giá rẻ cho người nhà bệnh nhân, ông Hiệp còn tham gia nhiều hoạt động xã hội. Từ năm 2014, ông ký cam kết 10 năm liền tạo quỹ khuyến học ở xã Xuân An, H.Yên Lộc tỉnh Phú Thọ để động viên các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi… Thỉnh thoảng ông còn đứng phân luồng giao thông ở cổng Bệnh viện Nhi T.Ư, khu vực thường xuyên xảy ra ùn ứ để tránh tắc nghẽn giao thông.

Ông chia sẻ: “Tôi luôn nói với con cháu phải biết nhìn xuống dưới vì còn rất nhiều người khó khăn, vất vả hơn mình. Mình không giàu có, nhưng vẫn còn có cuộc sống tốt hơn họ, vì thế phải biết giúp đỡ và sẻ chia với họ”.

Ông Hiệp cho biết, nhờ các phương tiện thông tin mà mọi người biết đến xóm trọ giá rẻ của ông ngày một nhiều hơn. Ông kể, có nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến để giúp đỡ những gia đình ở đây, có người đến cho gạo hay các vật dụng gia đình… Tất cả những điều đó khiến ông cảm động và thấy việc mình làm có ý nghĩa hơn rất nhiều. “Dẫn các cháu đi chơi công viên, mấy chị trông cổng cũng không lấy tiền vì biết khách bác Hiệp”, ông kể.

Hằng ngày đều đặn 5 giờ sáng, ông vẫn lặng lẽ đi khắp Bệnh viện Nhi T.Ư để giới giới thiệu về xóm trọ của mình và giúp đỡ người nhà bệnh nhân. Khi được hỏi về ý định trong tương lai, ông Hiệp cười và nói: "Tôi sẽ tiếp tục "khùng" như người ta nói để có thể giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn."

Ông Hiệp xuất thân chỉ là một công nhân nghèo có quê gốc ở Hà Nam. Ông có vợ và một con gái duy nhất. Hiện ông sống một mình ở khu nhà trọ; vợ ông ở cùng cô con gái đã lập gia đình.

“Vợ và con rất ủng hộ việc làm của tôi và luôn làm hậu phương vững chắc. Nhưng đôi khi tôi ít dành thời gian cho gia đình, vợ trách: Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", ông Hiệp kể.

ong hiep khung va xom tro 15 nghin Lắng nghe \'chú chim tâm hồn\'

Câu thơ cuối của cuốn sách như lời thầm thì trước buổi ban mai: “Khi xung quang đều vắng lặng, ta nên lắng nghe chú ...

ong hiep khung va xom tro 15 nghin Chất \'bao đồng\', nghĩa khí người Sài Gòn trong biển nước triều cường

Thấy bà con dẫn xe chết máy vượt đường ngập nước đi sửa với giá quá mắc, một thanh niên ở xã Nhơn Đức (H.Nhà ...

/ https://thanhnien.vn