Nguyên Thứ trưởng Nội vụ cho rằng, "hệ thống quản lý phải chịu đau" thì mới thực hiện được chủ trương hợp nhất các sở, ngành.

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo tờ trình Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành. Theo đó, cơ quan này đề xuất giao quyền cho cấp tỉnh hợp nhất hàng loạt sở, ngành như: Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn với Sở Công thương; Sở Thông tin Truyền thông với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch...

VnExpress có cuộc trao đổi với ông Thang Văn Phúc - Nguyên thứ trưởng Nội vụ, người nhiều năm làm Tổng thư ký Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, về đề xuất trên.

ong thang van phuc duy tri nhieu so nganh se lam tri tre xa hoi

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc. Ảnh: PV

Một việc có khi bốn cấp cùng làm

- Ông đánh giá như thế nào về đề xuất hợp nhất hàng loạt sở, ngành mà Bộ Nội vụ vừa đưa ra?

- Tinh gọn và tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy là khẩu hiệu từ thời bắt đầu Đổi mới. Từ 72 đầu mối của những năm trước 1986, đến nay cấp tỉnh chỉ còn khoảng 30 đầu mối, như vậy là đã giảm hơn một nửa. Chúng ta phải tiếp tục xu thế thu gọn bộ máy này.

Theo tôi được biết, chủ trương tinh gọn sở, ngành đã nêu ra từ đầu những năm 2000 nhưng không thực hiện được. Như vậy đề xuất trên là tích cực và cần thiết. Nếu Nhà nước vẫn duy trì nhiều cơ quan có nhiệm vụ chồng lấn nhau là tự mình làm khó mình, làm chậm quá trình xử lý công việc của người dân, doanh nghiệp và làm trì trệ xã hội. Đây là lỗi của tổ chức bộ máy. Vì vậy, phải làm và làm kiên quyết.

Khi thực hiện phương án này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều cán bộ, công chức. Tuy nhiên, hệ thống quản lý phải chịu đau thì mới tạo ra bước phát triển mới, phương thức quản lý mới theo hướng hiện đại. Tất nhiên, tinh giản, sắp xếp lại bộ máy thì cũng cần giải quyết đầu ra cho cán bộ, công chức.

- Ủng hộ hợp nhất các sở, ngành có nhiệm vụ tương đồng, vậy theo ông đâu là căn cứ để triển khai đề xuất này?

- Có mấy căn cứ, trước hết bộ máy hành chính các cấp từ Chính phủ cho đến các sở ngành và cơ sở phải tinh giản, gọn nhẹ, làm đúng việc của mình. Chính phủ hiện nay không phải bao cấp, kế hoạch hóa như trước mà là Chính phủ kiến tạo, phục vụ phát triển kinh tế thị trường. Chức năng của Chính phủ, nhà nước là làm chính sách, pháp luật, đó là gốc. Nghĩa là bộ máy hành chính dùng chính sách, pháp luật để hướng dẫn và kiểm soát xã hội. Còn những việc cụ thể là của doanh nghiệp, của dân, của tổ chức xã hội.

Nhà nước chỉ làm những việc mà xã hội, doanh nghiệp tư nhân không làm được. Ví dụ như phát triển hạ tầng vùng sâu vùng xa, xóa đói giảm nghèo, quốc phòng an ninh, quan hệ quốc tế...

Thực trạng hiện nay nhiều khi chỉ một việc nhưng bốn cấp (từ cấp trung ương đến cấp xã) cùng làm. Bây giờ phải xác định lại, trung ương làm việc của trung ương, tỉnh, huyện, xã làm việc của mình. Không thể kéo dài tình trạng người dân tranh chấp 10m2 đất cũng lên đến Thủ tướng, những việc như vậy chỉ đến cấp huyện là xong. Anh nào không đủ năng lực, trình độ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ thì đưa ra khỏi vị trí, để người có hiểu biết vào làm.

Ngoài ra, nhiều tổ chức đang chồng lấn nhiệm vụ, ví dụ như cơ quan kiểm tra của Đảng và thanh tra Chính phủ. Trong bộ máy nhà nước có nhiều đảng viên, không ít nơi tỷ lệ trên 90%, như vậy công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng vừa của Đảng, vừa của Nhà nước. Cứ làm như hiện nay là Đảng kỷ luật rồi mới đến Nhà nước kỷ luật hành chính thì mất thì giờ, quy trình phức tạp.

Tinh gọn bộ máy sẽ có tiền tăng lương

- Thực hiện phương án hợp nhất các sở ngành, người dân, xã hội sẽ được hưởng lợi như thế nào?

- Các cơ quan chồng lấn chức năng, nhiệm vụ được quy về một mối thì sẽ triệt tiêu được nhiều thủ tục, trình tự; thời gian xử lý công việc cũng được rút ngắn. Từ đó, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, chỉ tính riêng giấy tờ, công văn từ cơ quan nọ sang cơ quan kia cũng giảm được một khoản đáng kể.

Nếu cứ duy trì bộ máy cồng kềnh thì cơ sở vật chất, chỗ ngồi làm việc, biên chế công chức,... đều từ tiền ngân sách. Chỉ tính riêng việc giảm một nửa số đầu mối cơ quan chuyên môn cấp tỉnh hiện có thì cũng đã có thể tăng lương gấp đôi cho công chức.

Đặc biệt, tổ chức bộ máy càng đơn giản thì càng rõ cơ quan chịu trách nhiệm; tổ chức, cá nhân không hoàn thành công vụ hoặc vi phạm sẽ được phát hiện nhanh chóng. Anh nào có lỗi sẽ được uốn nắn, xử lý kịp thời, giúp tổ chức khỏi mất người và mất của.

- Bộ Nội vụ đề xuất theo hướng giao cho cấp tỉnh quyền quyết định giữ nguyên hoặc hợp nhất các sở ngành, như vậy phụ thuộc vào tỉnh, nếu tỉnh không quyết liệt thì chủ trương này có thể chỉ nằm trên giấy. Ông nghĩ sao?

- Bộ đề xuất như vậy có tính hai mặt, một mặt đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng và chủ trương của Nhà nước. Đồng thời, để cấp tỉnh quyết định nhằm đảm bảo phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Tuy nhiên, cũng có thể một số tỉnh không muốn làm. Vì vậy, đợt cải cách này phải có bộ phận theo dõi suốt quá trình, anh nào không thực hiện thì cho ra ngoài vị trí đó. Tổng bí thư cũng tuyên bố rồi, anh nào không làm thì dẹp ra cho người khác làm. Chúng ta phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân người đứng đầu.

Thời cơ làm việc này đã chín muồi, nếu chậm nữa thì rất nhiều vấn đề có thể xảy ra.

- Hợp nhất tổ chức sẽ đụng đến cán bộ. Vậy theo ông làm sao để chọn được người đứng đầu sở ngành mới có đủ năng lực và phẩm chất tốt?

- Lúc này phải xem xét quy định của Luật cán bộ, công chức để thay đổi thể chế công vụ sang vị trí việc làm.

Vị trí việc làm là xác định chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí, sau đó so sánh, đối chiếu xem ai là người đảm bảo được đầy đủ các yếu tố để đảm nhiệm vị trí đó. Anh nào không đảm bảo thì loại, đưa ra khỏi biên chế, cho đi đào tạo hoặc chuyển việc khác.

Cùng với đó, thông qua thi tuyển sẽ góp phần chọn được người có năng lực tốt nhất. Trước đây Đà Nẵng, Long An và một số địa phương đã thí điểm thi tuyển lãnh đạo. Gần đây, Bộ Giao thông, Tư pháp, Nội vụ, tỉnh Quảng Ninh... cũng đã thực hiện việc thi tuyển lãnh đạo cấp vụ. Qua đó cán bộ được lựa chọn vào vị trí một cách công khai, cạnh tranh trên cơ sở những tiêu chuẩn đã được xác lập.

Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, 4 sở được giữ nguyên gồm Tư pháp; Tài nguyên Môi trường; Lao động - Thương binh Xã hội; Y tế.

10 sở, ngành giao cấp tỉnh quyết định hợp nhất là: Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài chính thành Sở Tài chính - Kế hoạch; Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - xây dựng; Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Sở Công thương thành Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại; Sở Thông tin Truyền thông và Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch thành Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Giáo dục Đào tạo thành Sở Giáo dục và Khoa học, Công nghệ.

Ba sở, ngành được đề xuất hợp nhất vào cơ quan đảng (giao cấp tỉnh quyết định) là Sở nội vụ vào Ban tổ chức, Thanh tra tỉnh vào Ủy ban kiểm tra, Văn phòng UBND tỉnh vào Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc thuộc UBND TP Hà Nội và TP HCM, còn ba sở khác do Chính phủ quy định tiêu chí, tỉnh quyết định thành lập là Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch.

ong thang van phuc duy tri nhieu so nganh se lam tri tre xa hoi Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập, giảm tối thiểu 46 - 88 sở trên cả nước

Theo các phương án mà Bộ Nội vụ đưa ra thì có thể giảm tối thiểu từ 46 đến 88 sở, chưa bao gồm các ...

ong thang van phuc duy tri nhieu so nganh se lam tri tre xa hoi Gần 10 năm sau sáp nhập, Hà Nội chưa sắp xếp xong số cán bộ dôi dư

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng công tác tinh giản biên chế cần phải công khai, minh bạch để cán ...

/ https://vnexpress.net