Hậu quả của tình trạng này người sản xuất bị thua thiệt, người tiêu dùng phải ăn giá cao và khuyến khích hàng ngoại ép chết hàng Việt.

Cạnh tranh không công bằng

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội khẳng định, đang tồn tại tình trạng lũng đoạn thị trường bán lẻ ở Việt Nam và ông dẫn ra rất nhiều câu chuyện để chứng minh cho nhận định của mình.

Thứ nhất, vào năm 2017, trong khi giá thịt lợn trên thị trường đã xuống 53% thì ở nhiều siêu thị, giá thịt lợn vẫn ở mức 90.000-100.000 đồng/kg.

Thứ hai, đã 4 năm nay, dưa hấu rơi vào tình trạng được mùa mất giá, chỉ đến khi truyền thông vào cuộc thì một số siêu thị mới hỗ trợ bán hàng cho nông dân, còn lại ngồi máy lạnh chờ người ta mang hàng đến. Nhưng sự hỗ trợ ấy cũng chỉ thoáng qua, nhiều siêu thị và chợ, giá dưa hấu vẫn ở mức 15.000-20.000 đồng/kg.

Thứ ba, câu chuyện ép chiết khấu. Tại hội nghị kết nối cung cầu cuối năm 2017, nhiều nhà cung ứng phản ánh họ bị ép chiết khấu, chi phí đưa vào một số siêu thị, nhất là siêu thị lớn, chiếm khoảng 30% giá thành.

"Siêu thị lớn giống như cô gái đẹp có tới 6 chàng trai muốn làm rể. Họ ép nhà cung ứng, bao gồm nhà nhập khẩu và nhà sản xuất trong nước, bằng chiết khấu, hoa hồng, phí gầm bàn, phí đầu kệ, phí sinh nhật,chiếm dụng vốn...

Chẳng hạn, một gói thạch giá 16.000 đồng nhưng nhà cung ứng muốn gửi hàng vào siêu thị thì phải nộp phí tạo mã 100 USD. Tất cả những điều đó sẽ giết chết hàng Việt.

Nếu vẫn giữ cách làm này, khi thương mại điện tử phát triển, các nhà bán lẻ trực tiếp sẽ bị thua ngay, họ không thể "vênh váo", ngồi máy lạnh ban phát, o ép các nhà cung ứng nữa. Đó là một nền thương mại không công bằng, không công bằng giữa người sản xuất và người bán lẻ, chưa nói khâu trung gian.

Đáng buồn là tình trạng lũng đoạn này tồn tại ở cả một số siêu thị, một số chợ và một số nhóm hàng cụ thể, nhất là nhóm hàng thiết yếu cho nhân dân", ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ.

Hậu quả của tình trạng chi phối, lũng đoạn thị trường bán lẻ này, theo ông Phú, là người sản xuất bị thua thiệt, người tiêu dùng phải ăn giá cao.

ong vu vinh phu co tinh trang lung doan thi truong ban le

Nhiều nhà cung ứng đang phải cắn răng chịu mức chiết khấu cao để đưa hàng vào siêu thị. Ảnh minh họa: LĐ

"Câu chuyện Big C nâng mức chiết khấu lên 25% cách đây 2 năm khiến các nhà bán lẻ và Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) phải lên tiếng phản đối vẫn còn đó. Nhiều siêu thị nội cũng ép nhà bán lẻ như thế.

Nhiều hội nông dân phản ánh hàng vào siêu thị rất khó. Nhiều nơi thống kê số hàng hóa Việt Nam vào siêu thị chỉ được 10%, kể cả khối lượng và đầu nhà sản xuất. Như vậy, siêu thị Việt đang tiếp tay, khuyến khích hàng ngoại, mà siêu thị ngoại thì giành chỗ cho hàng của nước họ là chính.

Thẳng thắn mà nói, một số siêu thị đang ăn cả hai đầu: đầu vào (ép nông dân và nhà cung ứng), đầu ra (trốn thuế).

Cho đến nay, mới chỉ có Metro xuất hóa đơn 100% VAT, còn lại đều là hóa đơn con không có giá trị pháp lý.

Khi tôi mua một chiếc áo sơmi ở Big C, hỏi xin hóa đơn thì người bán hàng từ chối, bảo không có. Như vậy, chiếc áo đó bán ra, người ta đã ăn trọn vẹn.

Trong khi đó, tôi đi Singapore mua 1 chiếc đầu đĩa hay ăn một bát phở ở Moskva (Nga) cách đây 24 năm cũng được viết hóa đơn VAT", ông Phú nhận xét.

Vị chuyên gia cho rằng, đến nay, doanh thu và thuế của các siêu thị, nhà hàng không ai biết được, kể cả cán bộ thuế bởi chúng không hề được công khai. Nhiều đơn vị được tuyên dương về nộp thuế nhưng thực ra doanh nghiệp nộp 10 tỷ đồng tiền thuế chưa chắc đã bằng doanh nghiệp nộp 1 tỷ đồng, bởi thuế phải tính trên doanh thu thì mới rõ lợi nhuận của doanh nghiệp bao nhiêu.

Chính sự mờ mịt này dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng và các nhà bán lẻ nghiêm chỉnh sẽ bị ép chết, bởi "buôn tài không bằng trốn thuế". Ông Vũ Vinh Phú chỉ thẳng, một số siêu thị khuyến thị vô tội vạ vì có nguồn trốn thuế. Ông từng chứng kiến siêu thị L. khuyến mại gói mỳ chính 450gram chỉ với giá 15.000 đồng, một hộp sữa Phương Nam được bán với giá 5.000 đồng.

"Cách làm ấy sẽ giết chết đối thủ", ông cảnh báo.

Lý giải cho tình trạng lũng đoạn trên thị trường bán lẻ, vị chuyên gia cho rằng, hiện nay, siêu thị mới chiếm 20% thị phần bán lẻ, riêng hàng thực phẩm tươi sống chiếm 5-7%, 93% là ở chợ bán lẻ nên họ tự cho mình quyền ép nhà cung ứng.

Trong khi không ít nhà bán lẻ thiếu tử tế, ông Vũ Vinh Phú ấn tượng với cách làm của Vingroup. Theo đó, doanh nghiệp này miễn chiết khấu 1 năm cho những người gửi thực phẩm tươi sống vào hệ thống siêu thị của mình, thậm chí còn đầu tư cho các hợp tác xã vốn, kinh nghiệm và thu mua cho nông dân với giá tương đối hợp lý.

Buông lỏng

Đặt dấu hỏi về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trước sự lũng đoạn trên thị trường bán lẻ, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội chỉ thẳng: Có tình trạng cơ quan thuế buông lỏng quản lý.

"Thuế của Việt Nam có thuế VAT và thuế khoán, trong đó thuế VAT thì viết hóa đơn thông thường mà không viết hóa đơn VAT, coi như Nhà nước đã bị vuột mất khoản thu này. Còn thuế khoán thì có hiện tượng thương lượng, cưa nửa.

Nghiên cứu của Đại học Fulbright cho thấy quy mô nền kinh tế ngầm Việt Nam hiện chiếm 25-30% GDP. Trong đó, đa số là lách thuế, trốn thuế, lũng đoạn thị trường bán lẻ, lũng đoạn sự cạnh tranh lành mạnh, lũng đoạn thương mại công bằng", ông Phú nói.

Bên cạnh đó, ông Phú còn đặt nghi vấn rằng có sự tiếp tay của một số quản lý thị trường, kiểm tra thoáng qua, thậm chí, bảo kê xuống giá, tính thuế...

"Văn bản pháp quy về bán lẻ rất ít. Quy chế quản lý siêu thị, trung tâm thương mại thì ra đời cách đây khoảng 10 năm, trong khi bây giờ đã phát sinh thêm cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini thì không có văn bản nào.

Nhiều quy định còn chung chung. Chẳng hạn, vấn đề o ép, thao túng là vi phạm luật cạnh tranh. Thế nhưng trong luật dù có 1 câu hay song lại không chi tiết: không được từ chối nhận hàng của nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng.

Như vậy liệu có đo được không? Thế nào là lý do không chính đáng? Họ bảo nay chật kệ hàng, không xếp được nữa; chưa có cán bộ nghiệp vụ nhập... thì làm thế nào?", ông Phú dẫn chứng.

Bởi thế, để hạn chế, tiến tới chấm dứt sự lũng đoạn trên thị trường bán lẻ, vị chuyên gia cho rằng phải sửa đổi bổ sung luật Cạnh tranh, trong đó phải làm rõ vấn đề: thế nào là cạnh tranh không bình đẳng.

Phải tổ chức, khuyến khích nhiều tập đoàn bán lẻ tử tế để chống lại thói cửa quyền, độc quyền.

Ngoài ra, sử dụng hóa đơn điện tử và nối mạng các hệ thống bán lẻ với cục thuế.

Phát triển hệ thống phân phối rộng khắp, nâng tỷ trọng siêu thị hiện đại lên. Phải kiểm soát công bằng, kể cả chợ, cửa hàng bán lẻ.

Thành lập hiệp hội các nhà cung ứng hàng hóa để đấu tranh đúng pháp lý, cạnh tranh bình đẳng, đòi quyền lợi chính đáng cho các nhà sản xuất, trong đó có nhà sản xuất hàng Việt.

"Phải từng bước ngăn chặn sự chi phối, độc quyền, để nhà sản xuất có lợi nhuận và người tiêu dùng mua hàng với giá hợp lý", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, Chính phủ giao Bộ Công thương tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ, bảo đảm đồng bộ, lành mạnh, không để xảy ra tình trạng chi phối, lũng đoạn thị trường bán lẻ.

Phối hợp với Bộ NN-PTNT có chương trình, kế hoạch kết nối đưa sản phẩm nông sản Việt Nam tham gia vào các kênh phân phối, bán lẻ.

Thành Luân

ong vu vinh phu co tinh trang lung doan thi truong ban le Chuỗi bán lẻ Hàn Quốc muốn mở 2.500 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam

Vừa khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM ngày 19/1, GS25, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc đã đặt tham vọng mở ...

ong vu vinh phu co tinh trang lung doan thi truong ban le Cuộc chiến thị trường dược phẩm 5,2 tỷ đô ở Việt Nam

Năm 2018, bối cảnh ngành dược được dự đoán thay đổi mạnh mẽ với sự tham gia của những ông lớn trên thị trường bán ...

ong vu vinh phu co tinh trang lung doan thi truong ban le Việt Nam thuộc top 6 thị trường bán lẻ thu hút nhiều vốn đầu tư nhất

Hiện tỷ lệ bán buôn và bán lẻ Việt Nam chiếm tới 14% GDP cả nước. Bán lẻ cũng thuộc 1 trong 6 ngành nghề ...

/ Đất Việt