Trong cuộc họp chính sách diễn ra ngày 5-10 tại Vienna (Áo), các Bộ trưởng Năng lượng thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới. Quyết định này được đánh giá như một động thái "tăng áp" cho giá dầu có thể trở về mức ba con số, song không được Mỹ mong đợi trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu đang nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng do giá năng lượng tăng cao.

Đại diện các nước thành viên OPEC+ tham dự cuộc họp báo tại Vienna (Áo), ngày 5-10.

Cuộc họp trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 của các Bộ trưởng Năng lượng thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) diễn ra vào thời điểm phần lớn thế giới đang phải đối mặt với chi phí năng lượng tăng cao. Động thái cắt giảm sâu sản lượng dầu thể hiện sự đảo ngược lớn trong chính sách sản xuất của liên minh này, vốn đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2020 khi nhu cầu giảm mạnh do đại dịch Covid-19. Từ năm 2021, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bắt đầu tăng sản lượng sau khi thị trường phục hồi. Sản lượng trở về mức trước đại dịch Covid-19 trong năm 2022 nhưng chỉ trên văn bản vì một số thành viên phải chật vật để đạt chỉ tiêu tăng sản lượng.

Tháng 9 vừa qua, sau hơn 1 năm, lần đầu tiên OPEC+ lại quyết định cắt giảm sản lượng nhưng chỉ là một động thái tượng trưng với mức cắt giảm là 100.000 thùng/ngày... Giá dầu giảm xuống khoảng 80 USD/ thùng từ hơn 120 USD vào đầu tháng 6-2022, khi các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19 nghiêm ngặt tại Trung Quốc ảnh hưởng tới nhu cầu của thị trường tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Cùng với đó, lãi suất tăng và đồng USD mạnh lên cũng đè nặng lên thị trường tài chính toàn cầu. Một số thành viên OPEC+ cho rằng, giá dầu thấp như hiện nay là điều không thể chấp nhận. Quyết định giảm sản lượng được đánh giá như một động thái "tăng áp" cho giá dầu có thể trở về mức ba con số, tiếp tục đẩy lạm phát lên cao... Trước đó, tin tức về đề xuất cắt giảm của OPEC+ đã khiến giá dầu tăng hơn 3 USD/thùng vào ngày 4-10. Giá dầu Brent giao tháng 12-2022 tăng 3,72 USD (4,4%) lên 88,86 USD/thùng.

Việc cắt giảm đáng kể sản lượng dầu của OPEC+ sẽ khiến mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia gia tăng căng thẳng. Hồi tháng 7-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm Saudi Arabia và kêu gọi quốc gia này tăng sản lượng để kiềm chế giá dầu. Những ngày qua, các quan chức cấp cao Mỹ đã phải ra sức vận động những người đồng cấp tại các nước đồng minh Trung Đông, bao gồm Kuwait, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bỏ phiếu chống lại việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu...

Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn giữ thành tựu “giá dầu giảm” nhằm hạn chế tối đa những tác động đến tâm lý người dân trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Ông Joe Biden vẫn luôn hối thúc các công ty dầu mỏ Mỹ phải nhanh chóng hạ giá tại các điểm bán khi giá xăng dầu đang đà giảm. Do đó, phản ứng trước động thái của OPEC+, CNBC dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden "thất vọng trước quyết định của OPEC+”, đồng thời nhà lãnh đạo Mỹ đã chỉ đạo Bộ Năng lượng giải phóng thêm 10 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu chiến lược Mỹ (SPR) vào tháng tới.

Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) đánh giá, một số yếu tố có thể khiến giá dầu thô tăng cao hơn vào cuối năm nay là nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc phục hồi, OPEC+ cắt giảm nguồn cung, chương trình bơm dầu từ SPR của Mỹ chấm dứt và các lệnh trừng phạt bổ sung của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga. Đặc biệt, lệnh trừng phạt này có thể làm trầm trọng thêm những lo lắng về một thị trường năng lượng vốn đã eo hẹp lại càng thiếu thốn khi nhu cầu gia tăng từ các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1044048/opec-cat-giam-sau-san-luong-tang-ap-cho-gia-dau

THÙY DƯƠNG / HNM.com.vn