Đối đầu với những người Palestine khát khao có độc lập nhưng tay không tấc sắt là đội quân Israel cực kỳ tinh nhuệ, thiện chiến. Nhưng hình như họ - người Palestine và người Do Thái, vừa là thù và cũng vừa là… bạn?

Kỳ lạ Palestine

Đến Palestine tôi được chứng kiến nhiều chuyện, nhiều cảnh thật kỳ lạ.

Đối đầu với những người Palestine khát khao có độc lập nhưng tay không tấc sắt là đội quân Israel cực kỳ tinh nhuệ, thiện chiến. Nhưng hình như họ - người Palestine và người Do Thái, vừa là thù và cũng vừa là… bạn? Trong hơn 100 ngàn người Palestine hàng ngày vào làm ở các nhà máy, các nông trường, các khu định cư của người Do Thái thì cũng không ít người thành đạt và có cuộc sống khá giả, thậm chí họ còn trở thành bạn bè của nhau. Đi trên các nẻo đường Palestine, chỗ nào cũng thấy những tốp lính Israel trang bị súng ống đầy đủ và sẵn sàng xả đạn vào bất cứ ai nếu như họ cảm thấy đối tượng đó có hành vi “khác thường”. Chúng tôi còn được khuyến cáo là chớ có chụp ảnh lén lính Israel vì họ luôn cảnh giác cao độ. Giơ máy lên mà họ tưởng giơ súng là… xong đời đấy!

Bao lâu nay, xem tivi, đọc sách báo, tôi cứ tưởng đa phần người Palestine sắp chết đói đến nơi và đất nước này điêu tàn trong máu lửa… Nhưng hoàn toàn khác với sự tưởng tượng của người mới tới.

Đúng là có chết chóc, có chiến tranh - một cuộc chiến tranh không tuyên bố kéo dài triền miên với đủ loại thủ đoạn nhưng bên cạnh đó lại là khung cảnh bình yên đến… hiếm có. Đường phố Ramallah và các thành phố khác đều sạch sẽ, thưa thớt người qua lại. Các khu du lịch nổi tiếng ở Bethlehem, Jericho; Jerusalem… luôn đầy ắp người từ nước ngoài đến hành hương, thăm viếng nơi Chúa Jesu ra đời hoặc đến nghỉ ngơi chữa bệnh. Theo bà Tiến sĩ Abu Dayyeh, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Khảo cổ học Palestine thì hàng năm, có khoảng 2 triệu người đến du lịch và trung bình mỗi người tiêu 900 đôla. Doanh thu của ngành du lịch góp 15% cho ngân sách nhà nước. (Palestine có diện tích hơn 11.000km2 và hơn 3 triệu dân). Không hiểu rồi sau này khi có Nhà nước Palestine độc lập, không bị Israel hành hạ thì khách du lịch sẽ tới đây đông như thế nào? Trong những ngày ở đây, gặp ai, dù là quan chức hay dân thường, dù là ông già hay trẻ em, câu đầu tiên tôi được nghe là "ua căm pa lét tin na" (Welcome Palestine) - Chào mừng đến Palestine! Giơ máy ảnh lên chụp ai cũng được, họ tươi cười, thậm chí sẵn sàng “làm diễn viên” cho chúng tôi. Điều này khác hẳn với Jordan. Ở Jordan, câu nói chúng tôi hay gặp tại khu du lịch là "oăn đôla" (one dollar) - Một đôla. Nghĩa là giơ máy ảnh lên chụp bất cứ ai, đều bị họ đòi “oăn đôla”. Cái kiểu đòi tiền này tôi cũng thấy nhiều ở khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ở Palestine có một nơi chữa bệnh tuyệt vời và nghe nói chữa được cả bệnh… vô sinh của nam giới. Đó là thành phố Jericho, nơi được gọi “cái rốn của trái đất”. Số là thành phố này ở bên bờ biển Chết, nằm sâu dưới mực nước biển 400m. Hôm chúng tôi tới Tòa thị chính, Thị trưởng thành phố, ông Majed Al Fytyani tự hào chỉ xuống chân với chúng tôi mà rằng: “Các bạn đang đứng ở độ sâu 327m dưới mực nước biển”. Rồi ông cho chúng tôi hay là do ở độ sâu như vậy nên hình như khí ôxy… “của cả… thế giới dồn vào cái rốn của trái đất”, cho nên lượng ôxy ở đây cao hơn bình thường là 7%. Hoa quả, rau củ nơi đây cũng ngon hơn nơi khác, đặc biệt là quả chà là. Rồi do lượng ôxy cao mà người dân ít ốm đau, bệnh tật, tuổi thọ bình quân của người dân nơi đây cao hơn đến chục năm so với các nơi khác. Đặc biệt là đàn ông nơi đây có khả năng “giường chiếu” rất tiềm tàng. Họ không có khái niệm về căn bệnh vô sinh, chính vì thế mà tỉ lệ sinh đẻ vùng này lên ngót… 4%. Ra đường mà thấy con gái vẫn mặt hoa da phấn nhưng dắt díu theo 3-4 đứa con lít nhít thì đó là hình ảnh thường thấy. Nghe chuyện này tôi thầm nghĩ tới cái thảm họa đàn ông Việt Nam sắp không… biết đẻ. Ồ, nếu Palestine mà yên ổn, không biết chừng, đàn ông Việt Nam kéo nhau sang đây chạy chữa cũng nên. Năm rồi, vào ngày 10-10-2010, Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng chính vào ngay đó, Jericho cũng tưng bừng mở hội mừng thành phố… 10.000 năm tuổi! (chả hiểu sao họ lại có ngày tháng ấy).

Một cô gái Palestin
Một cô gái Palestine

Ngay tại Tòa Thị chính, ông Majed đưa chúng tôi sang thăm phòng mà ngày trước Chủ tịch Y.Arafah đã từng có thời gian dài ở đây. Trong phòng chẳng có vật dụng gì đắt tiền mà chỉ có những tủ sách cùng ảnh các cộng sự của ông. Trong số này, nhiều người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc. Ở Ramallah, mộ của Chủ tịch Y.Arafah cũng rất giản dị và ngày nào cũng có người đến đặt hoa viếng. Ngay ngoài cổng vào, có một tấm biển đề Jerusalem - 14,63km. Ước mơ của Chủ tịch Y.Arafah là ngôi đền ấy sẽ phải thuộc về người Palestine và mục tiêu của mọi người dân Palestine là phải chiến đấu để lấy lại ngôi đền. Nhưng không chỉ có nơi này mới có tấm biển đề như vậy, mà rất nhiều nơi trong thành phố, kể cả ở trại tị nạn cũng có những tấm biển tương tự với các khoảng cách khác nhau.

Nói về Jerusalem, tôi nhớ đến một đoạn viết trong tác phẩm “Cuộc chiến không kết thúc” của nhà báo Anton La Guarian viết về Israel và Palestine, khi đề cập đến ngôi đền Jerusalem: “Các nhà hiền triết Do Thái đã nói rằng: thiên hạ có mười phần đẹp thì Jerusalem vinh dự có được chín, có mười phần khổ đau thì Jerusalem phải chịu chín, có mười phần thông thái thì Jerusalem giành lấy chín và mười phần ác độc thì Jerusalem vô phúc có đến chín”.

Càng ngẫm càng thấy đúng về người Do Thái!

Ở Palestine (và nhiều nơi khác ở vùng Bắc Phi, Trung Đông), những thành phố có tuổi thọ từ… ba ngàn năm trước Công nguyên nhiều vô thiên và người dân giữ gìn vốn cổ cực kỳ tốt. Tại Bethlehem, chúng tôi tới thăm  nhà thờ Chúa Giáng sinh, nơi có máng cỏ mà Chúa Jesu đã được sinh ra. Tôi thực sự kinh ngạc, không hiểu là từ hơn 2.000 năm trước, người ta dùng công nghệ gì để sản xuất những viên gạch men lát nền với màu sắc hoa văn như thật và đến giờ vẫn còn nét tươi mới. Ngày nào cũng có từng đoàn người xếp hàng vào để được chui xuống hầm sâu, sờ vào nơi Chúa Jesu đã được nằm khi mới sinh.

Các thành phố ở Palestine khá hiện đại và đan xen mới - cũ khá hài hòa. Mạng di động ở Palestine cực tốt. Đi đến bất cứ chỗ nào, dù đó là giữa sa mạc mênh mông hay đồi núi heo hút, đều có sóng di động đầy ăm ắp. Người Palestine rất có ý thức trong việc sử dụng thiết bị tiết kiệm điện. Hầu như nhà nào cũng có bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, tất cả các thùng chứa nước đặt trên nóc nhà đều là nhựa màu đen để hấp thụ nhiệt. Nước ở Palestine quý hơn tất cả. Bây giờ ở các nông trại, người ta tưới nước theo công nghệ mới của các nhà nông học Israel, nghĩa là nhỏ từng giọt vào gốc cây theo từng thời gian nhất định và được điều khiển bằng máy tính. Trong những ngày ở Palestine, có một thứ mà tôi không hề nhìn thấy, đó là tuyệt nhiên không thấy một con sông, dòng suối, một mảnh ao hồ nào cả. Có những khu vực mà đứng trên cao nhìn xuống, ngàn dặm không một ngọn cỏ. Tất cả chỉ là một màu vàng ệch khô cằn của núi và cát.

Nhưng có chuyện này mới thật đáng nói.

Những bức tranh thế này có khắp nơi ở Palestin
Những bức tranh thế này có khắp nơi ở Palestine

Ấy là hiện nay, tại một số vùng nông thôn của Palestine và Israel đang có phong trào làm nhà… sinh thái. Và một tiêu chuẩn sinh thái đó là dùng hố xí… hai ngăn (?!). Họ tự hào khoe rằng, đây là sáng kiến của các nhà môi trường Bồ Đào Nha đang được áp dụng tại nơi này. Và họ vui mừng khi thấy cây cối cho hoa quả bội thu nếu được bón phân đã ủ sau 6 tháng. Họ cũng vui mừng khi thấy nếu sử dụng loại hố xí này, nguồn nước ngầm ít có nguy cơ ô nhiễm…

Nếu đúng, thì đích thị các nhà môi trường Bồ Đào Nha đã “ăn cắp” bản quyền hố xí hai ngăn của Việt Nam ta.

Thế hệ trẻ bây giờ, chắc chắn chẳng mấy ai biết, từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam đã nghĩ ra hố xí hai ngăn và áp dụng trên toàn vùng nông thôn miền Bắc. Nguyên tắc cực kỳ đơn giản: Xây hai ngăn. Một ngăn vệ sinh vào đó rồi thêm ít tro bếp… Khi nào đầy thì bịt kín, ủ lại và lại sử dụng ngăn bên cạnh. Khi ngăn bên đầy thì cũng là lúc phân ở ngăn trước đã hoại, mục và không còn mùi nữa. Thứ “phân bắc” này đem bón ruộng thì… thôi rồi… lúa ơi”. Phong trào xây dựng hố xí hai ngăn phát triển đến mức đã trở thành cảm hứng cho nhà thơ vùng quê. Họ đã có câu thơ “mộc mạc” đến thế này: "Chẳng tham lắm bạc lắm vàng. Chỉ tham hố xí nhà nàng… lắm phân!". Nhưng cũng thật bi kịch cho nhà nông Việt Nam là bây giờ.Nhà nhà đua nhau xây hố xí tự hoại, thế là ô nhiễm nguồn nước, còn cây trái, lúa má thì cứ xơi phân đạm… Thậm chí nhà tái định cư cho người dân tộc ở vùng Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… ở chênh vênh sườn dốc, nước ăn phải cõng từng ống bương leo núi tức ngực mới mang về được, cũng “bị” các nhà kiến trúc sư dưới xuôi thiết kế cho… hố xí tự hoại! Khổ cho bà con thế chứ.

DSC_0696
Mộ của Chủ tịch Araphat

Palestine có trình độ dân trí khá cao. Cả nước có hơn ba triệu dân sống ở 16 tỉnh, thành phố nhưng có 18 trường đại học và trường nổi tiếng nhất là Trường đại học Bizeit, nằm ở ngoại ô Ramallah. Chưa biết chất lượng dạy và học ở đây ra sao nhưng cơ ngơi của nhà trường với hàng chục tòa nhà riêng biệt thì tôi dám chắc rằng không có một trường đại học nào hiện có ở Việt Nam có thể bằng. Nhìn bãi xe ôtô có tới hàng trăm chiếc, tôi hỏi cô gái ở khoa Truyền thông đưa chúng tôi đi và sững sờ khi cô cho biết hầu hết là xe của… sinh viên. Học sinh nào không có xe đến trường thì có thể đi xe taxi của nhà trường đưa đón. Khoa Truyền thông ở đây có đủ các bộ môn: Báo viết, Phát thanh, Truyền hình, Quan hệ công chúng được tổ chức, học tập hệt như cách giảng dạy của Trường Báo chí Line của Pháp. Mỗi năm, khoa này cho ra trường…  500 thạc sĩ. Chẳng hiểu với số người ra trường đông như vậy, họ kiếm công ăn việc làm ở đâu? Nhưng có một thực tế là rất nhiều sinh viên Palestine khi tốt nghiệp đã sang các nước phương Tây làm việc. Sinh viên các trường đại học của Palestine, khi tốt nghiệp đều thông thạo chí ít hai ngoại ngữ, trong đó bắt buộc có tiếng Anh.

Các thành phố của Palestine đều đẹp và có duyên như… con gái Palestine. Do đất rộng, người ít nên nhà cửa ở đây rất thoáng, hiếm có chuyện hai nhà xây giáp tường nhau (trừ khu phố buôn bán cổ kiểu Hàng Ngang, Hàng Đào của ta). Chúng tôi đến một làng ven thành phố, nơi người dân sống bằng nghề trồng ôliu và chăn nuôi. Mỗi gia đình trong làng đều ở nhà như kiểu biệt thự xây hai hoặc ba tầng, nom nhang nhác như khu… Ciputra của Hà Nội? Trong hoàn cảnh bị Israel kiềm chế áp bức, tình hình chính trị trong nước luôn có những bất ổn suốt bao nhiêu năm nay, nhưng điều kỳ lạ là các quy định của luật pháp, về kinh tế, về xây dựng và quản lý đô thị được thực hiện rất nghiêm chỉnh. Các thành phố của Palestine được quy hoạch đâu ra đấy, rất hiện đại và mang bản sắc của người Arập rõ ràng. Palestine không có đất nhưng lại thừa đá, vì thế hầu hết nhà được xây bằng đá xẻ, hoặc tường đổ bê tông rồi ốp đá bên ngoài. Ở Palestine, rất hiếm có chuyện trộm cắp, cướp giật, mặc dù tỉ lệ người thất nghiệp khá cao, nạn nghiện hút thì càng không có và cũng chẳng có chuyện nghiện ngập rượu chè cờ bạc. Trong thời gian chúng tôi ở Palestine, duy nhất có một lần chúng tôi được uống nửa lon bia tại nhà một ông nguyên là cố vấn của Chủ tịch Y.Arafah, còn không thể tìm đâu ra rượu, bia. (Siêu thị có bán bia nhưng là bia không độ). Tình trạng gái mại dâm cũng tuyệt nhiên không thấy, kể cả ở các vũ trường. Vào tối thứ Sáu hằng tuần, nam thanh nữ tú kéo đến vũ trường và ai cũng đi với bạn, với người yêu, hoặc cả gia đình tới… Họ uống trà, cà phê, nhảy múa tưng bừng thâu đêm. Không hề có một bóng gái gọi ở các chốn này.

Những ngày ở Palestine, chúng tôi được chứng kiến nhiều chuyện kỳ lạ về con người, về đất đai, phong tục, tập quán, về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Nhưng có lẽ kỳ lạ hơn cả là khi chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu do Israel quản lý…

Vẫn những nụ cười nhã nhặn. Vẫn những thái độ ân cần, chu đáo và cẩn trọng của nhân viên an ninh, nhưng chúng tôi phải trả 50USD để được ra khỏi mảnh đất huyền thoại và quái gở nhất thế giới này!./.

 Trang tin Năng lượng Mới điện tử | Trang tin Năng lượng Mới điện tử (petrotimes.vn)

Nguyễn Như Phong / PetroTimes