Ngày 23-7-1959, trong chuyến thăm để cảm ơn các quốc gia đã giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Khu công nghiệp dầu mỏ Bacu của nước Cộng hòa Azerbaijan. Tại đây, Bác Hồ đã nói: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu”… Lời của Bác cũng chính là những dòng chữ vàng đầu tiên của lịch sử ngành Dầu khí nước nhà, là niềm tin, ước vọng của đất nước, cũng là mục tiêu hành động, “kim chỉ nam” trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí (Petrovietnam) trong 65 năm qua.

Người lao động dầu khí báo công dâng Bác

Những thành công vang dội

Suốt 65 năm thực hiện ý nguyện lớn lao của Bác Hồ, tập thể người lao động dầu khí (Petrovietnam) qua các thời kỳ đã lao động, nỗ lực không mệt mỏi, trải qua vô vàn chông gai, khó khăn, nhưng không sờn lòng, vượt qua mọi thử thách, gian lao. Biết bao con người đã hy sinh thầm lặng, cả những mất mát, chia ly trên “hành trình đi tìm lửa”. Nhưng tất cả đều không ngăn được nhiệt huyết rực cháy trong tim những người dầu khí, luôn giữ vững niềm tin tiến về phía trước, tạo nên những dấu ấn, thành tích vang dội trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, xây dựng nên một ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy, từ những năm 90 của thế kỷ XX khi đất nước đang trong tình trạng hết sức khó khăn, bị cấm vận, kinh tế gần như kiệt quệ, việc tìm ra dầu và khai thác những tấn dầu thô đầu tiên của đất nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Giai đoạn này, có những năm, dầu khí đóng góp đến 30% ngân sách; góp phần cùng Đảng, Nhà nước vực dậy kinh tế và bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia.

Từ đó đến nay, đã trải qua không ít những thăng trầm, khủng hoảng của nền kinh tế, cũng như của ngành Dầu khí, ngành năng lượng. Cùng với những giai đoạn phát triển rực rỡ, Petrovietnam cũng có giai đoạn do sự phát triển nóng vội, xa rời cốt lõi, bị khủng hoảng niềm tin, tổn thương văn hóa, cộng với tác động từ môi trường kinh doanh như giá dầu giảm sâu, nhiều cơ chế chính sách cho sự hoạt động của ngành không còn phù hợp trong tình hình mới… đã dẫn đến khó khăn, khủng hoảng kéo dài. Năm 2017, Petrovietnam đã từng báo cáo Thủ tướng Chính phủ bức tranh tài chính, dự báo đến năm 2019, Tập đoàn sẽ bị mất cân đối dòng tiền, lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn; tiếp theo đó là các cuộc khủng hoảng kép về giá dầu, đại dịch Covid-19; ảnh hưởng xung đột địa chính trị, kinh tế toàn cầu suy giảm, biến động bất thường…

Theo chia sẻ của đồng chí Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, trong hoàn cảnh khó khăn bủa vây đó, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, chấn chỉnh và giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là công tác cán bộ, Petrovietnam đã thực hiện công cuộc cải tổ toàn diện. Trước hết đó là “Tái tạo văn hóa Petrovietnam” với mục tiêu tái tạo văn hóa đi trước để củng cố và tạo đà cho tái tạo kinh doanh. Thứ hai là đổi mới công tác quản trị, đặc biệt là quản trị biến động, nâng cao hiệu quả hoạt động và dịch chuyển mô hình kinh doanh. Tập đoàn đã thành công thực hiện mở rộng quy mô kinh doanh trong hệ sinh thái Petrovietnam; hoàn thành nhiều dự án trọng điểm (trong lĩnh vực điện, khí) đưa vào hoạt động thương mại; thực hiện tốt công tác tiêu thụ theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn… Nhờ đó, giai đoạn năm 2020 đến nay, Petrovietnam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để phát triển ổn định hướng tới phát triển bền vững, thực hiện tốt vai trò là một trong những trụ cột kinh tế của đất nước.

Petrovietnam thực hiện hoạt động khai thác dầu khí của

Hoạt động khai thác dầu khí của Petrovietnam

Trong 5 năm gần đây, Petrovietnam luôn có tăng trưởng cao về quy mô; trong đó: Tổng tài sản năm 2023 tăng 19% so với năm 2020; tổng doanh thu năm 2023 tăng 81% so năm 2020 và bình quân hằng năm bằng 9-10% GDP của cả nước; nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 tăng 83% so với năm 2020, bình quân hằng năm đạt 9-9,5% tổng thu ngân sách của cả nước. Từ năm 2020 đến hết tháng 6-2024, tổng doanh thu toàn Petrovietnam đạt 3,6 triệu tỉ đồng; nộp NSNN toàn Tập đoàn đạt gần 600 nghìn tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất đạt 230 nghìn tỉ đồng.

Tính đến hết năm 2023, Petrovietnam đã hoàn thành xuất sắc trước 2 năm kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ giao, đó là: nộp NSNN và LNTT hợp nhất. Ước đến hết năm 2024, Petrovietnam sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm về tổng doanh thu. Như vậy, sau 3 năm (2021-2024) Petrovietnam đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu tài chính theo kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Hiện tại, sản lượng khai thác dầu thô ở trong nước trung bình đạt 7,5-8,5 triệu tấn/năm; sản lượng khí đạt 6-8 tỉ m3/năm. Hằng năm Petrovietnam cung cấp trên 13,5 triệu tấn xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước; cung cấp 1,8 triệu sản phẩm hóa dầu; và cung cấp 1,6-1,7 triệu tấn phân đạm, đáp ứng 70-80% nhu cầu phân đạm trong nước (khoảng 2 triệu tấn/năm). Petrovietnam đang đang vận hành thương mại 9 nhà máy điện với tổng công suất 6.600 MW tương đương 8,5% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện quốc gia. Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… đã tham gia vào mọi hoạt động đời sống của đất nước với tỷ trọng lớn; góp phần quan trọng cho ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc phòng, an ninh trên biển.

Hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi với dải sản phẩm chủ lực, trọng yếu của nền kinh tế, vị thế về tiềm lực tài chính tốt, được sự tin tưởng cao, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, Petrovietnam không ngừng phát triển lớn mạnh, hiện là doanh nghiệp có quy mô hàng đầu của đất nước: Tổng tài sản hợp nhất đạt trên 1 triệu tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 532 nghìn tỉ đồng.

Từ “bàn tay trắng”, đến nay “những người đi tìm lửa” đã xây dựng nên một cơ sở hạ tầng công nghiệp dầu khí lớn mạnh, đồng bộ chuỗi khép kín với 5 lĩnh vực chính gồm: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Chế biến dầu khí; Công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao; Hình thành nên đội ngũ gần 60.000 người lao động có năng lực chuyên môn cao, cùng tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp, sáng tạo, thật sự làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, phức tạp của ngành và vươn ra thế giới.

Lãnh đạo Petrovietnam báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về hoạt động sản xuất kinh doanh

Lãnh đạo Petrovietnam báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về hoạt động sản xuất kinh doanh

Song hành với hoạt động sản xuất kinh doanh, Petrovietnam luôn chú trọng, tích cực thực hiện an sinh xã hội, thống kê trong giai đoạn năm 2006-2023, tổng số tiền thực hiện công tác an sinh xã hội của Petrovietnam đạt trên 7,82 nghìn tỉ đồng, trung bình đạt trên 430 tỉ đồng/năm.

Còn rất nhiều những cột mốc, những dấu ấn, những thành công vang dội đạt được trong chặng đường 65 năm qua, thật không thể nào kể xiết; nhưng kèm theo đó cũng là một khối lượng công việc khổng lồ và muôn vàn khó khăn, gian khổ mà những người lao động dầu khí đã đảm đương và trải qua. Có thể khẳng định rằng, đằng sau những thành quả ấy chính là sức mạnh phi thường của tinh thần đại đoàn kết dân tộc với niềm tin mãnh liệt vào con đường Bác Hồ đã vạch ra lúc sinh thời. Vì thế, ngành Dầu khí luôn có được sự ủng hộ, quan tâm đặc biệt, tạo mọi điều kiện phát triển…; để từ đó, lớp lớp thế hệ “những người đi tìm lửa” đã luôn giữ được lòng nhiệt huyết, nỗ lực lao động quên mình, vượt qua mọi thử thách, gian lao để xây dựng nên một ngành Dầu khí lớn mạnh như ngày hôm nay. Thành công của ngành Dầu khí Việt Nam đã hiện thực hóa và là minh chứng cho tầm nhìn thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tự hào và tự tin tiếp bước

Đến nay, Petrovietnam đã phát triển thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, hoàn chỉnh và đồng

 

 

 

bộ; giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế khi thường xuyên gia tăng mức đóng góp cho nền kinh tế, đóng vai trò bệ đỡ, tạo lập cơ sở cho các thành phần kinh tế khác tham gia và phát triển; là công cụ quan trọng để triển khai các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trong giai đoạn mới hiện nay và tầm nhìn tương lai, trước những thay đổi có tính chất bước ngoặt của ngành năng lượng, đặt ra yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, phát triển nhanh, bền vững ngành Dầu khí để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước; cùng với đó là tận dụng cơ hội, thích ứng với chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải, phát triển kinh tế xanh trên toàn cầu… Để định hướng cho sự phát triển của ngành, ngày 24-4-2024, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận 76-KL/TW, tiếp tục thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự quan tâm của Bộ Chính trị đến Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và Petrovietnam nói riêng.

Việc triển khai thực hiện Kết luận 76 và Nghị quyết 41-NQ/TW về chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, tiếp tục mở ra con đường lớn cho Petrovietnam phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để Petrovietnam đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước với mục tiêu tổng quát: “Phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia gắn với phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng truyền thống; tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi, điện gió ven biển, hydrogen, amoniac, chuỗi cung ứng nhập khẩu, kinh doanh LNG, sản xuất thiết bị năng lượng... theo hướng tập trung những dự án lớn, chiến lược, tác động lan tỏa, hiệu quả cao; giữ vai trò chủ trì trong thực hiện công tác đo gió, khảo sát địa chất, thủy văn tại các khu vực tiềm năng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Với những định hướng, chỉ đạo vô cùng đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước cho tương lai của ngành, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Petrovietnam vô cùng phấn khởi và tin tưởng vào con đường phía trước. Trên nền tảng thế và lực đã tạo dựng được, Petrovietnam sẽ luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực hết mình, “quản trị biến động”, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng sáng tạo, “bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ”, để tăng trưởng, phát triển bền vững; hiện thực hóa mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu quốc gia, tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của nền kinh tế, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh biển đảo và an toàn môi trường sinh thái.Petrovietnam sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp dầu khí lớn mạnh, đồng bộ với tổng tài sản hợp nhất đạt trên 1 triệu tỉ đồng

Petrovietnam sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp dầu khí lớn mạnh, đồng bộ với tổng tài sản hợp nhất đạt trên 1 triệu tỉ đồng

Đồng chí Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong suốt 65 năm qua, ngành Dầu khí Việt Nam, Petrovietnam đã thực hiện tốt mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, vượt khó vươn lên trở thành tập đoàn có vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Để đạt được những thành tựu đó, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, người lao động dầu khí, Petrovietnam luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, sự bao dung, chia sẻ, ủng hộ của nhân dân cả nước. Thời gian tới, toàn Petrovietnam sẽ quyết tâm, nỗ lực hoàn thành thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia, giữ vai trò trụ cột trong bảo đảm an ninh năng lượng và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lập nhiều thành tựu mới, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường. Petrovietnam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng hành và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.

Đứng trước một di sản to lớn đã tạo dựng được của ngành, những người dầu khí thực sự tự hào và cũng ý thức được trách nhiệm phải giữ gìn, phát huy những thành quả ấy. Dù những thách thức phía trước không hề nhỏ, nhưng tin rằng, tập thể người lao động dầu khí với bề dày truyền thống, nền tảng giá trị văn hóa “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”, tinh thần “Một đội ngũ - Một mục tiêu” sẽ tiếp tục vượt qua chính mình, “chinh phục những đỉnh cao mới”; viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành, xứng đáng với niềm tin và ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong suốt 65 năm qua, ngành Dầu khí Việt Nam, Petrovietnam đã thực hiện tốt mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, vượt khó vươn lên trở thành tập đoàn có vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Để đạt được những thành tựu đó, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, người lao động dầu khí, Petrovietnam luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, sự bao dung, chia sẻ, ủng hộ của nhân dân cả nước.

https://pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/83d06a47-8265-4b7b-9a75-c88bb8b3a312

PV / Cổng thông tin điện tử PVN