Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto ngày 24/1 cho rằng, các cuộc biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ ở Thụy Điển đã cản trở tiến trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Stockholm. Tuy nhiên, việc hai nước có thể gia nhập NATO vào cùng thời điểm vẫn là lựa chọn ưu tiên của Helsinki.
- Quốc hội Phần Lan bỏ phiếu về tư cách thành viên NATO
- Hungary bất ngờ "bật đèn xanh" để Phần Lan và Thụy Điển vào NATO
- Hungary phê duyệt Phần Lan, Thụy Điển vào NATO đầu năm sau
Theo Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, chắc chắn sẽ có sự chậm trễ trong việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, ít nhất là kéo dài đến cuộc bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa tháng 5 tới.
"Rõ ràng, các cuộc biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ ở Thụy Điển đã cản trở tiến trình gia nhập NATO của Stockholm. Tuy nhiên, giai đoạn nghỉ là cần thiết trước khi các bên trở lại đối thoại. Chúng ta không nên đưa ra bất kỳ kết luận nào vào lúc này", Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết.
Vị ngoại trưởng này đồng thời khẳng định, việc hai nước có thể gia nhập NATO vào cùng thời điểm vẫn là lựa chọn ưu tiên của Helsinki.
Trước đó, ông Rasmus Paludan - một chính trị gia cực hữu mang hai quốc tịch Đan Mạch-Thụy Điển, hôm 21/1 đã đốt một bản sao của kinh Koran của người Hồi giáo trước đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Thủ đô Stockholm.
Đáp lại, hôm 23/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Thụy Điển đừng nên mong đợi sự hỗ trợ từ nước này về việc gia nhập NATO, bởi hành động đốt bản sao kinh Koran thể hiện sự xúc phạm không tưởng, đặc biệt với người Hồi giáo.
Phần Lan và Thụy Điển hồi tháng 5/2022 đã từ bỏ trung lập sau hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết quân sự để nộp đơn xin gia nhập NATO. Hai nước này cho rằng việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khiến vấn đề an ninh quốc gia của họ bị đe dọa.
Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn là rào cản với Thụy Điển bởi Ankara cho rằng nước Bắc Âu này chưa đáp ứng các yêu cầu của họ, chủ yếu liên quan đến dân quân người Kurd mà Ankara cho là "khủng bố" và liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016.
Trong một diễn biến khác, ngày 24/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu đại sứ Hà Lan tại Ankara liên quan đến cuộc biểu tình hôm 22/1 ở La Haye bao gồm việc xé bản sao kinh Koran.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/phan-lan-se-gia-nhap-nato-truoc-thuy-dien--i681682/