Phim truyền hình Việt có chủ đề về ngoại tình hoặc người thứ ba (tiểu tam) xen vào một mối quan hệ đang tràn ngập màn ảnh. Những yếu tố này thu hút, lôi kéo khán giả nhưng cũng có thể gây ra những hiệu ứng trái chiều.

Ngập tràn "tiểu tam" trên sóng truyền hình

"Trạm cứu hộ trái tim" là bộ phim sẽ lên sóng khung giờ vàng của VTV từ ngày 11/3. Bộ phim được nhà đài quảng bá rộng rãi, hứa hẹn mang đến câu chuyện hấp dẫn, kịch tính và chứa đựng thông điệp ý nghĩa, có tính "chữa lành".

Tuy nhiên, ngay từ những trích đoạn ngắn giới thiệu, hình ảnh chồng ngoại tình với đồng nghiệp của vợ, "tiểu tam" giật chồng vì đố kỵ liên tục được nhắc đến và trở thành điểm nhấn để quảng bá.

Trong bộ phim "Chúng ta của 8 năm sau" vừa phát sóng trên VTV3, tình tiết Tùng (B Trần) lừa dối cô vợ xinh đẹp của mình là Nguyệt (Quỳnh Kool) để vụng trộm với người yêu cũ có vẻ ngoài gợi cảm cũng được khai thác triệt để, kéo dài nhiều tập dây dưa.

Phim truyền hình Việt câu view bằng “tiểu tam”?- Ảnh 1.

Quỳnh Nga trong vai Nhã phim Về nhà đi con.

Có thể thấy, rất nhiều phim truyền hình Việt thời gian qua nếu không có người chồng, người vợ vụng trộm thì cũng có "tiểu tam" trơ trẽn, bám lấy đối phương như: "Hành trình công lý", "Đừng làm mẹ cáu", "Dưới bóng cây hạnh phúc", "Nơi giấc mơ tìm về"…

Đến cả bộ phim truyền hình quốc dân về gia đình như "Về nhà đi con" thì người thứ ba vẫn xuất hiện với câu chuyện là Nhã "tiểu tam" (Quỳnh Nga) hay "Gia đình mình vui bất thình lình" là chi tiết ngoại tình của Công (Quang Sự) với cô thực tập sinh.

Một fanpage chuyên review phim gần đây đăng ảnh tổng hợp các bộ phim có yếu tố ngoại tình trong phim Việt, ngay lập tức đã thu hút hàng nghìn khán giả bình luận, phần lớn nhiều bình luận bày tỏ sự đồng cảm và ngán ngẩm như: "Phim Việt dạo này nhàm quá. Nếu chồng không lăng nhăng thì cũng là "tiểu tam" bất chấp tất cả để chen vào mối quan hệ. Mấy tình tiết thế này xem đi xem lại đến phát chán"; "Hình như phim truyền hình Việt không có ngoại tình, "tiểu tam" thì không chịu được hay sao ấy... Biên kịch lười sáng tạo quá".

Con dao hai lưỡi

Không thể phủ nhận phim có chủ đề về ngoại tình hoặc người thứ ba (tiểu tam) xen vào một mối quan hệ dễ dàng thu hút người xem bởi khán giả có sự đồng cảm, thương cảm.

Nhiều người vừa xem phim vừa tức nhưng vẫn không cưỡng lại được vì muốn biết kết cục của "tiểu tam" ra sao. Điều này cũng xuất phát từ đời sống thực tế xã hội và phim ảnh đương nhiên cũng không thể xa rời thực tế.

Phim truyền hình Việt câu view bằng “tiểu tam”?- Ảnh 2.

Cù Thị Trà trong vai Anh Thu của bộ phim "Chúng ta của 8 năm sau".

Nhân vật thứ ba gây tranh cãi và màn đánh ghen kịch tính cũng được cho là góp vai trò không nhỏ trong việc thu hút sự chú ý và nâng rating của bộ phim "Chúng ta của 8 năm sau".

Trên các diễn đàn, mạng xã hội, những nội dung liên quan đến cảnh nóng giữa diễn viên B Trần và "tiểu tam" Anh Thu (Cù Thị Trà) cùng cảnh đánh ghen "cao tay" của Nguyệt do Quỳnh Kool đóng nhanh chóng gây bão. Cảnh đánh ghen trong "Chúng ta của 8 năm sau" còn tạo được kịch tính đến mức diễn viên B Trần (vai Tùng) phải cảm thán: "Cả nước đang đánh ghen online".

Nhờ sức hút của phim mà các diễn viên thủ vai "tiểu tam" cũng được nhiều người nhớ mặt. Tuy nhiên, việc lạm dụng các chi tiết chắc chắn sẽ là con dao hai lưỡi. Một bộ phim thành công, đậm chất nghệ thuật thì mỗi tình tiết được đưa vào sẽ có sự tính toán, làm sao để làm nổi bật được con người cũng như bản lĩnh của nhân vật.

Vì vậy, các nhà làm phim cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa nội dung liên quan đến người thứ ba bởi nếu không khéo léo, cách giải quyết khiên cưỡng và không chân thật sẽ dễ dàng gây sự phản cảm. Thậm chí, khiến cho nhiều người mất niềm tin vào cuộc sống và hạnh phúc gia đình.

Lo nhận thức lệch lạc

Theo đạo diễn, nhà biên kịch Đặng Thu Trang, nhân vật "tiểu tam" trên phim truyền hình gần đây xuất hiện nhiều bởi nhà đài và đội ngũ sản xuất phim chạy theo thị hiếu của khán giả mà quên mất vai trò của mình cũng là người định hướng thẩm mỹ.

Trên mạng xã hội, những tin tức về sự đổ vỡ trong hôn nhân, câu chuyện có yếu tố người thứ ba xen vào sẽ dễ thu hút nhiều luồng dư luận, được tương tác mạnh. Nhà sản xuất nghiên cứu thị hiếu của khán giả rồi làm phim mà quên đánh giá và chọn lọc thông tin nên phim truyền hình mới ngập tràn "tiểu tam" như vậy.

Cũng theo bà Trang, nguyên nhân khác là biên kịch lười sáng tạo. Họ chỉ mải mê khai thác một đề tài vì thấy "món này ngon, dễ ăn, dễ chế biến, phù hợp với sở thích của số đông" nên khai thác triệt để dẫn đến khán giả bị bội thực.

Mô típ các phim đều có công thức na ná nhau: Gia đình - yếu tố người thứ ba và cuộc đấu tranh giành tình yêu tạo nên biến cố rồi con người từng bước vượt qua. Đề tài không đa dạng, mô típ phim thì quen thuộc.

"Giờ phim nhiều "tiểu tam" xem rồi chỉ thấy lo, nhất là nhận thức xã hội bị lệch lạc, cổ súy cho ngoại tình và bao che cho người thứ ba", bà Trang chia sẻ.

Giải thích kỹ hơn phim truyền hình quanh quẩn đề tài cũ (gia đình, yếu tố "tiểu tam") gần đây lên sóng dồn dập, nhà biên kịch M.A.Đ cho biết, bản thân một số nhà đài không nhận kịch bản nếu có chi tiết ngoài thành phố. Bởi như vậy sẽ đội thêm chi phí sản xuất. Họ chỉ đồng ý kịch bản ở trong thành phố, bối cảnh dễ, chi phí đi, lại, ăn ở, quay đều rẻ hơn ra tỉnh ngoài.

"Phim mà quanh quẩn trong thành phố, người viết kịch bản cũng sẽ tù túng, mòn ý tưởng. Kịch bản 10 năm trước có giá 7 - 8 triệu đồng/ tập, hiện tại giá 1 tập đã xuống 6 triệu đồng. Đến kịch bản là xương sống của phim còn hạ, thì nhiều thứ xung quanh cũng sẽ hạ xuống nữa, hỏi làm sao có phim hay.

Đề tài thành thị hot nhất hiện nay vẫn là gia đình, xung quanh có mẹ chồng - con dâu - "tiểu tam". Muốn tiết kiệm tiền thì kéo dài tập, muốn rating cao thì phải có "tiểu tam" thôi. Kịch bản phim truyền hình hay giờ rất hiếm, kiếm một kịch bản hay không dễ. Còn nhiều phim chiếu truyền hình đã đi vào lối mòn, quen, cũ, sẽ khiến khán giả quay lưng với phim", nhà biên kịch M.A.Đ cho hay.

Phim truyền hình về đề tài gia đình ở nhiều nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc gần đây đã có nhiều tác phẩm nhẹ nhàng, tươi sáng giúp con người có thêm niềm tin vào cuộc sống và động lực để vượt qua những khó khăn, mệt mỏi như: "Đi đến nơi có gió", "Dưa hấu lấp lánh", "Chút nắng ấm mỗi ngày"...

Các nhà làm phim cũng không còn tập trung khai thác hình tượng những con người nhu nhược, đau khổ và bế tắc vì bị phản bội, mà xây dựng nhiều nhân vật vượt qua được định kiến, nghịch cảnh để vươn lên khẳng định bản thân và tìm được hạnh phúc. Bên cạnh đó, các đề tài liên quan đến nghề nghiệp như nông dân, bác sĩ, cảnh sát, giáo viên, cứu hỏa... cũng được chú trọng đầu tư với những nội dung mới mẻ nhưng cũng rất đời.

Có thể thấy, mảng đề tài gia đình hay cuộc sống thường nhật vẫn còn những khía cạnh tốt đẹp có thể hấp dẫn khán giả phim truyền hình. Những nội dung này nếu được khai thác tốt hoàn toàn có thể mang đến cho khán giả một món ăn tinh thần giàu cảm xúc, thực sự chữa lành được tâm hồn.

Quỳnh Nga trong vai Nhã - "tiểu tam" chen vào cuộc sống hôn nhân của Thư và Vũ, phim "Về nhà đi con".

Hình ảnh chồng ngoại tình với đồng nghiệp của vợ, "tiểu tam" giật chồng vì đố kỵ xuất hiện trong đoạn ngắn quảng bá phim "Trạm cứu hộ trái tim" sẽ phát sóng khung giờ vàng của VTV từ ngày 11/3.

 https://www.baogiaothong.vn/phim-truyen-hinh-viet-cau-view-bang-tieu-tam-192240308124839034.htm

Ngọc Châu - An Vũ / Giao thông