Cuối năm, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (Haniff) “đến hẹn lại lên”, tiếp sau một giải Cánh diều, với tôn vinh “Cô Ba Sài Gòn”. Câu hỏi đặt ra, phim Việt nào sẽ tham gia tranh giải? Và liệu khi đặt trong mặt bằng chung của các phim quốc tế dự thi, phim truyện Việt ở tầm mức nào?
Tiến lên
Các nhà làm phim tư nhân giờ đang thống lĩnh thị trường phim Việt, không ai nghi ngờ điều này nữa, nếu nhìn vào cả số lượng và chất lượng. Hàng loạt phim Việt ra mắt, nhiều khi đến chóng mặt, năm ngoái đến trên 40 phim, phim “chết”, phim “sống” thậm chí là “sống khỏe” làm cháy doanh thu phòng vé tạo nên thị trường điện ảnh khá sôi động.
Rồi lần lượt “Em chưa 18” rồi “Cô Ba Sài Gòn” được tôn vinh qua Liên hoan phim quốc gia, rồi giải Cánh diều theo kiểu “so bó đũa chọn cột cờ” và “hoa thơm mỗi người hưởng một tí”. Các phim trên cùng với “Đảo của dân ngụ cư”, “Cha cõng con”… là những tác phẩm đáng chú ý nhất vài năm gần đây.
Tư nhân giờ làm phim ngày càng chau chuốt hơn, kỹ lưỡng hơn và một số người hướng tới dòng phim nghệ thuật hơn, điển hình như “Đảo của dân ngụ cư” của nữ đạo diễn trẻ Hồng Ánh với những tìm tòi trong thủ pháp nghệ thuật, hay “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng… hướng tới những giá trị nhân văn, gia đình truyền thống… đã đoạt giải thưởng tại một số sân chơi quốc tế.
“Cô Ba Sài Gòn” khi đoạt giải Cánh diều vừa qua có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, nhưng rõ ràng đây là phim tôn vinh vẻ đẹp tà áo dài Việt mang giá trị dân tộc truyền thống, có chất tài liệu, và sử dụng thủ pháp xuyên không.
Xu hướng làm phim vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa hướng tới giá trị nghệ thuật là một điểm rất nên khuyến khích các nhà làm phim tư nhân.
Mới nhất, bộ phim “100 ngày bên em” của đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Phượng (đạo diễn của phim “12 chòm sao: vẽ đường cho yêu chạy”) ra mắt, cùng với các diễn viên trẻ Jun Phạm, Khả Ngân… cho thấy sức trẻ trung, tươi mát của những gương mặt đáng chú ý trong một lớp đạo diễn trẻ Việt đang khát khao thể hiện tiếng nói riêng của mình bằng ngôn ngữ điện ảnh.
Và nhìn lại…
Tuy nhiên, những gương mặt đạo diễn trẻ như Hồng Ánh, Ngô Thanh Vân, Vũ Ngọc Phượng, Lê Thanh Sơn... mới chỉ là những niềm hy vọng cho một tương lai gần. Phải đợi đến một vài phim kế tiếp mới có thể đánh giá chính xác được.
Vũ Ngọc Phượng, Lê Thanh Sơn có xu hướng làm phim thị trường và thực sự thì phim họ mang hơi hướng phim Mỹ, phim Hàn nhiều hơn, dù ưu thế nổi bật là mang hơi thở của giới trẻ đương đại nên dễ dàng tiếp cận với trẻ. Ngô Thanh Vân cần một tư duy sáng sủa và mạch lạc hơn trong cách kể, dù cô có con mắt xanh trong việc chọn diễn viên (như diễn viên Hồng Vân trong “Cô Ba Sài Gòn”). Tương tự như vậy, cảm giác Hồng Ánh hơi tham trong ý tưởng, muốn lồng ghép nhiều lớp lang vào trong một “Đảo của dân ngụ cư” và chưa tới.
Trong khi một số nhà làm phim độc lập từng gây đình đám như Phan Đăng Di (“Bi đừng sợ”, “Cha và con và …”), Nguyễn Hoàng Điệp (“Đập cánh giữa không trung”… cũng như một vài cái tên khác như Phạm Ngọc Lân (“Một thành phố khác”)… đang khá im hơi lặng tiếng, âm thầm cho những dự án cá nhân.
Có lẽ sau những thành công bước đầu, các nhà làm phim đều cần một khoảng lặng thời gian để nhìn lại và ngẫm nghĩ về cái đã qua và hướng bước tiếp. Trong giới điện ảnh quốc tế, nhiều người nhớ đến đạo diễn bộ phim “The boy, don’t cry” phải sau 7 năm mới làm tiếp được bộ phim thứ hai vì sợ không vượt qua được thành công của phim đầu tay.
Phim Việt bao giờ được xướng tên ở những LHP danh giá như Cannes (Pháp) hay Venice (Italia), Berlin (Đức)? Câu hỏi này thực ra không quá quan trọng.
Mà quan trọng hơn vẫn là làm sao các nhà làm phim sáng tạo ra nhiều tác phẩm điện ảnh mang đậm giá trị Việt, tôn vinh con người Việt, vừa được khán giả trong nước đón nhận, vừa tự tin đối thoại bình đẳng với các nền điện ảnh quốc tế trước mắt là trên sân chơi châu lục.
Bởi lẽ nếu một bộ phim mà giành giải cao quốc tế nhưng lại bị khán giả trong nước lạnh nhạt, thờ ơ thì đáng suy nghĩ!
"Giải cứu phim Việt", cần không? Trước thực trạng phim "bom tấn" của nước ngoài luôn áp đảo phim trong nước, mới nhất là phim "Avengers: Infinity war" chiếm lĩnh hầu ... |
Phim truyền hình Việt: Bao giờ hết ngoại tình, tranh tài sản và lắng đọng như ngày xưa? “Của để dành“ từng là bộ phim đi vào kí ức của người xem vì xúc động. Ngày nay khi nhìn lại, khán giả không ... |
Phim Việt bị "Avengers: Infinity War" áp đảo trong dịp lễ (NLĐO) - Lễ dài ngày năm nay trở thành cuộc đua không cân sức giữa phim Việt và phim ngoại. Bom tấn "Avengers: Infinity war" ... |
Nỗi đau của điện ảnh Việt Nam Phim ngôn tình tuổi thanh xuân, học đường phủ sóng từ truyền hình rạp cho đến màn ảnh rộng khiến thị trường phim Việt trở ... |