“Năm tới, chúng tôi sẽ ban hành chương trình sách giáo khoa mới cho trẻ em từ lớp 1 trên tinh thần khuyến khích sáng tạo nhiều hơn. Quan trọng nhất, phải dạy cho các em, một mặt là tôn trọng văn hóa truyền thống, mặt khác phải dám nghĩ khác, dám đặt câu hỏi ngược lại với giáo viên”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ về cải tiến phương pháp giáo dục, đào tạo việc làm trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) đang diễn ra tại Hà Nội, sáng 13.9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham gia phiên thảo luận về tương lai việc làm khu vực ASEAN cùng các diễn giả tới từ Singapore, Malaysia, Trung Quốc và Mỹ.
Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng có những chia sẻ ngắn với chủ đề học tập suốt đời, giáo dục trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, giới trẻ Việt Nam hiện đang rất lạc quan vào tương lai cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, về phía những nhà hoạch định chính sách, không chỉ có tâm trạng lạc quan, mà còn phải nghĩ nhiều hơn về những thách thức.
Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, rất nhiều nghề nghiệp sẽ bị thay thế. Trong đó, có nhiều nghề chiếm tỷ trọng lao động rất lớn ở Việt Nam như dệt may, da giầy, xây dựng, hay những công việc thường dành cho nữ giới như công nhân lắp ráp trong nhà máy điện tử, thư ký...
Thách thức đặt ra là phải đào tạo để mọi người có thể chuyển sang nghề mới, hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng ở trình độ cao hơn, có thể đáp ứng yêu cầu khoa học-kỹ thuật mới.
Việt Nam có 38% số lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, không chỉ phải giải quyết nhu cầu việc làm mới hay việc làm thay thế cho những người đang làm việc cho khu vực công nghiệp, dịch vụ... Việt Nam còn phải tiếp tục chuyển đổi những người đang làm nông nghiệp sang làm công nghiệp và dịch vụ.
“Ở đây, tồn tại hai vấn đề. Thứ nhất, phải đào tạo để những người làm nông nghiệp, và cả những người đang làm công nghiệp, dịch vụ học được các kỹ năng với mục tiêu không chỉ học nghề mới, mà còn phải tạo ra công việc cho riêng mình. Không chỉ phụ thuộc vào việc làm các doanh nghiệp tạo ra cho họ, mà họ phải tạo ra việc làm. Với 38% nông dân hiện nay, phải làm thế nào để họ không chỉ canh tác, mà thông qua những công nghệ mới có thể tiếp cận với khách hàng ở trong và ngoài nước để họ bán sản phẩm của mình, làm các dịch vụ khác.
Thứ hai, khi đối phó với những thách thức mới trong vấn đề lao động, chúng ta phải đẩy mạnh học tập suốt đời, học tập cho người lớn. Nói về học tập cho người lớn, phần nhiều hiện vẫn nói về những người trong độ tuổi từ 30-40 tuổi, ít người nghĩ ngay tới việc học tập dành cho những người trên 60 tuổi. Cuộc cách mạng này đem lại cơ hội cho tất cả, chúng ta phải chú ý hơn tới việc giúp người cao tuổi học tập, nắm bắt cuộc cách mạng này”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Với người trẻ, Phó thủ tướng cho biết, hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh đổi mới giáo dục. Dù giáo dục phổ thông được các tổ chức quốc tế đánh gía có nhiều điểm tốt, nhưng vẫn cần đổi mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Phải làm cho các em ngay từ thuở bé đã ý thức được thế giới tương lai rất khó đoán định trước. Các em thay vì chỉ học một cách thụ động, vâng lời thì giờ phải biết nghĩ khác đi. Trong văn hóa Việt Nam, trẻ nhỏ được dạy phải vâng lời, điều này cũng phải đổi mới. Tóm lại, tôi muốn nói rằng, phải đổi mới việc học từ trẻ nhỏ cho tới người già.
Chúng ta có CNTT và các công nghệ liên quan giúp việc học tốt hơn. Không cần phải tới lớp, không cần phải có thầy, chúng ta có thể học trên mạng. Chúng tôi đã có một số dự án được khởi động nhằm tạo ra kho tri thức nhằm giúp mọi người, đặc biệt là người cao tuổi qua smartphone, truyền hình có thể học nâng cao kiến thức, thích ứng với yêu cầu mới”.
Trả lời câu hỏi của ông Warren Jude Fernandez, TBT tờ Straits Times (Singapore) về các chương trình đào tạo lao động chuyển đổi tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chia sẻ,
Việt Nam có nhiều dự án khác nhau. Trong đó, Chính phủ đang tiến hành đổi mới từ bậc học phổ thông, dạy nghề tới đại học với tinh thần phải tương thích với khung trình độ ASEAN, rồi tiến tới khung trình độ quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Các nước ASEAN phải tiến tới hợp tác, công nhận bằng cấp của nhau, chia sẻ học liệu, kinh nghiệm để cùng phát huy những điều tốt nhất của nhau.
"Với một số lĩnh vực đặc thù như giáo dục cho trẻ em. Năm tới, chúng tôi sẽ ban hành chương trình sách giáo khoa mới cho trẻ em từ lớp 1 trên tinh thần khuyến khích sáng tạo nhiều hơn. Quan trọng nhất, phải dạy cho các em, một mặt là tôn trọng văn hóa truyền thống, mặt khác phải dám nghĩ khác, dám đặt câu hỏi ngược lại với giáo viên. Nói theo ngôn ngữ Việt Nam không phải là cãi lại, mà là dám hỏi lại.
Với người già, chúng tôi đang xây dựng một chương trình là Tri thức Việt số hóa. Ở đó, chúng tôi cố gắng thu thập kiến thức của Việt Nam và các nước, cố gắng biên tập lại dưới dạng câu hỏi - trả lời cho mọi lứa tuổi, ngành nghề. Chúng tôi tạo một kho dữ liệu như vậy, khuyến khích các starup trẻ vào đó, đào kho dữ liệu lớn lên, làm các ứng dụng dành cho mọi người.
Chúng tôi hi vọng sẽ có hàng trăm, hàng nghìn ứng dụng trên đó. Các bạn startup có thể qua đó phát triển sự nghiệp của mình. Nhưng mặt khác là ứng dụng của các bạn giúp được mọi người. Ví dụ, hiện nay đã có một số ứng dụng về ngôn ngữ, phục vụ du lịch, hỏi đường, hỏi thời tiết. Người già chỉ cần một chiếc smartphone, có thể hỏi bằng tiếng Việt và ứng dụng sẽ trả lời”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
100 triệu cuốn sách giáo khoa thành giấy vụn, lãng phí nghìn tỷ đồng Mỗi năm, NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT - cơ quan độc quyền về sách giáo khoa - phát hành hơn 100 triệu ... |
Chủ tịch Quốc hội: "Thực nghiệm gì mà mấy chục năm như vậy" Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, học sinh hiện nay đang quá khổ sở và việc thực nghiệm giáo dục kéo ... |
\'Mỗi năm phụ huynh bỏ 1.000 tỷ mua sách giáo khoa rồi bán giấy vụn\' Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay mỗi năm phụ huynh bỏ 1.000 tỷ mua sách giáo khoa nhưng chỉ dùng một lần, ... |