Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng lượng khách sử dụng vận tải khách công cộng (VTKCC) bằng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội đang có xu hướng sụt giảm, không đạt được mục tiêu mà TP đề ra về tỷ lệ người dân sử dụng VTKCC. Người dân đang xa rời xe buýt.
Khách đi xe buýt chỉ bằng 60% so với trước
Số liệu từ Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng TP Hà Nội (Tramoc) cho biết, trong năm 2022 sản lượng VTHKCC bằng xe buýt đạt 340 triệu lượt hành khách (tăng 67,7% so với cùng kỳ 2021), trong đó, buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách, tăng 72% so với thực hiện cùng kỳ 2021. Dù vậy, so với thời điểm trước dịch Covid-19, sản lượng khách sử dụng xe buýt chỉ bằng khoảng 60%.
Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Tramoc thừa nhận, mặc dù hoạt động vận tải khách bằng xe buýt có phục hồi tốt sau dịch nhưng lại chậm hơn so với thời điểm trước dịch và không đạt chỉ tiêu mà TP Hà Nội đưa ra.
Sản lượng khách vận chuyển trong năm 2022 chỉ đạt được 18% lượng người dân sử dụng VTKCC, trong khi TP đưa ra chỉ tiêu 21,5-23%.
Lãnh đạo Tramoc chỉ ra một loạt các nguyên nhân khiến hành khách có xu hướng xa rời xe buýt để sử dụng phương tiện cá nhân như chất lượng chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được đảm bảo; thời gian chuyến đi không đảm bảo, nhất là vào những khung giờ cao điểm; mức độ thân thiện, thái độ ứng xử của một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ còn chưa đúng mực gây ra những thiện cảm không tốt.
Lượng hành khách đi xe buýt ở Hà Nội có xu hướng giảm |
Trong năm 2022, đã có 393 cuộc gọi (9,7%) tới đường dây nóng của Tramoc phản ánh về thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên phục vụ.
Khi chất lượng còn yếu thì hạ tầng cho xe buýt lại chưa được tối ưu hóa, nhiều điểm nhà chờ bị chiếm dụng làm hàng rong, bãi đỗ xe... Điểm dừng đón trả khách thường xuyên phải điều chỉnh do tổ chức giao thông thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố...
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho xe buýt diễn ra vào chiều 27/2, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường khá gay gắt khi bày tỏ thái độ không đồng tình với nhiều doanh nghiệp vận hành xe buýt hiện nay, cùng với đó là chất lượng phục vụ xe buýt đang... có vấn đề.
Chất lượng dịch vụ kém cùng với thời gian di chuyển kéo dài khiến người dân chưa thích xe buýt |
Theo ông Thường, sản lượng xe buýt Hà Nội đang suy giảm một cách nghiêm trọng. Sản lượng hồi phục nhanh nhưng có điều đáng lo ngại sau Covid-19 một lượng lớn hành khách trung thành của xe buýt có xu hướng chuyển sang phương tiện cá nhân.
Thống kê cho thấy, năm 2022, TP Hà Nội có khoảng 350.000 xe máy và ô tô đăng ký mới, lượng phương tiện cá nhân tăng đột biến so với các năm trước đó.
Chất lượng và doanh thu là yếu tố sống còn của xe buýt
Ông Nguyễn Thủy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) bày tỏ, sau dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp xe buýt ngoài khó khăn về nguồn lực tài chính còn phải đối mặt với khó khăn là thiếu lao động. Đến thời điểm hiện tại, Transerco đang thiếu khoảng 400 lao động trực tiếp như lái xe, nhân viên bán vé.
Thêm vào đó, lãnh đạo Transerco cũng bày tỏ phàn nàn về hạ tầng xe buýt hiện không đáp ứng được nhu cầu, như các điểm dừng đỗ, nhà chờ bị lấn chiếm hoặc bố trí bất hợp lý.
Qua rà soát của Transeco cho thấy, có đến 112 điểm nhà chờ bị mất, hỏng hoặc không phù hợp. Do vậy, đề xuất Sở GTVT xem xét thành lập Tổ liên ngành để giải tỏa các điểm nhà chợ bị lấn chiếm, cắm các điểm nhà chờ mới...
Còn ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc Vinbus cho rằng, ngoài những yếu tố như trên thì làm thế nào để sản lượng hành khách tăng tương xứng với quy mô mở rộng của xe buýt là điều quan trọng. Nếu như cứ mở rộng quy mô, độ phủ của mạng lưới xe buýt mà sản lượng hành khách không tăng tương xứng sẽ kéo giảm hiệu quả của trợ giá.
Giám đốc Sở GTVT cho rằng, nếu doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến doanh thu, sản lượng khách và xác định đây là yếu tố sống còn thì bức tranh xe buýt không quá lo lắng. Song đâu đó vẫn còn doanh nghiệp chỉ muốn tuyến của mình kéo dài còn có hành khách hay không, sản lượng cao hay thấp cũng không quan tâm lắm.
“Đây là sự khấp khểnh, bất cập trong phương pháp tiếp cận quản lý dẫn đến có doanh nghiệp ỷ lại chỉ muốn làm sao được điều chỉnh khối lượng, tăng trợ giá lên còn lại không quan tâm có hành khách hay không?
Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ có điều chỉnh về việc này, thậm chí dừng các tuyến không hiệu quả, không thể để tình trạng có tuyến trợ giá đến 95-96% được, đây là lãng phí, sử dụng ngân sách không hiệu quả”, ông Thường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở GTVT cũng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp xe buýt trong 3 năm vừa qua. Hai năm dịch, năm 2022 thì biến động giá nhiên liệu khiến doanh nghiệp cạn kiệt tài chính.
“Có doanh nghiệp nhắn tin cho tôi lo ngại, đã “cắm” hết sổ đỏ nhà cửa ở ngân hàng để vay vốn cho công ty rồi, giờ không biết đi đâu về đâu”- ông Thường bày tỏ, đồng thời cho hay, quản lý Nhà nước tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng phải xác định tăng sản lượng, tăng doanh thu, giữ chất lượng dịch vụ là yếu tố sống còn. Không thể ỷ lại, không trông chờ vào Nhà nước.