Làm phim lịch sử cổ trang luôn gặp mọi khó khăn nhưng ê-kíp làm phim "Phượng khấu" nói họ vượt qua được bởi sự chung tay của những người làm vì tự ái và tự hào dân tộc
Sau nhiều khó khăn, dự án phim lịch sử cổ trang nhiều tập thể loại cung đấu Việt với tên "Phượng khấu" chính thức trình làng.
Không bị áp lực về tư liệu
Chuyện "Phượng khấu" xoay quanh cuộc đời của Từ Dụ Thái hậu (bà Phạm Thị Hằng), tập trung quãng thời gian 1840-1847, giai đoạn bà vẫn đang là phi tần của Hoàng đế Thiệu Trị. Vượt qua những hiểm nguy chốn cung đình, bà đưa được con trai mình - Hồng Nhậm - lên kế vị (tức Hoàng đế Tự Đức). "Phượng khấu" nghĩa là chiếc cúc áo chạm hình chim phượng, cài lên 2 vạt áo nhật bình.
Nghệ sĩ Hồng Đào với tạo hình vai Từ Dụ Thái hậu trong phim “Phượng khấu”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Tương truyền, khi Từ Dụ Thái hậu còn là thiếp của Trường Khánh công (Thiệu Trị trước khi lên ngôi), một hôm, trong lúc yết bái Nhân Tuyên Hoàng thái hậu, hai bà Phạm Thị Hằng và Nguyễn Thị Nhậm được Hoàng Thái hậu ban cúc áo vàng, một cái chạm hình phượng, một cái chạm hình cành hoa nhưng đều được bọc kín bằng bao đỏ. Thái hậu khấn: "Ai được cúc áo chạm hình phượng thì có con trước". Thái hậu sai thị nữ đưa cho 2 người chọn bao nhưng không được mở ra, để vậy dâng lên. Phạm Thị Hằng nhường Nguyễn Thị Nhậm chọn trước. Khi mở ra, Thị Nhậm được cúc chạm hoa, Thị Hằng được cúc chạm phượng. Quả nhiên, sau đó bà Hằng sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa vào năm 15 tuổi, một năm sau khi tiến cung. Đó là lúc tấn bi kịch bắt đầu…
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết kịch bản "Phượng khấu" đúng sử 75% và 25% hư cấu. Phần hư cấu tập trung vào những tình tiết chính sử không ghi rõ hoặc ghi vắn tắt. "Phượng khấu" đặt viên gạch đầu tiên về cung đấu Việt nên chúng tôi tôn trọng lịch sử, những chi tiết hư cấu phải hợp lý, không đẩy mọi chuyện lên quá mức chỉ để thu hút khán giả" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói.
NSƯT Thành Lộc tạo hình vua Thiệu Trị trong phim “Phượng khấu”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Cố vấn lịch sử của phim gồm giáo sư sử học Lê Văn Lan và nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, nhóm Thiên Nam Lịch đại Hậu phi. Nhận định về kịch bản (biên kịch gồm: Hằng Nguyễn, Ngọc Trí, Minh Khôi), GS Lê Văn Lan cho biết: "Tôi khâm phục những người làm kịch bản. Các bạn trẻ hơn tôi đến gần 60 tuổi nhưng quá thông minh. Các bạn chọn triều Nguyễn, triều đại gần nhất và còn rất nhiều tư liệu để lại nên không áp lực về mặt tư liệu. Các bạn không chọn Gia Long hay Minh Mạng mà là Thiệu Trị chỉ có 7 năm cầm quyền, chốt thời gian rất "khôn". Tôi vẫn hy vọng sau phim này sẽ có những dự án khác về bà Dương Vân Nga, bà Ỷ Lan…".
Chung tay nỗ lực vượt khó
Nhiều người trong giới thừa nhận khó khăn nhất của việc làm phim lịch sử, cổ trang ngoài nỗi lo không thu hút khán giả còn dễ bị soi và chỉ trích. "Phượng khấu" ngay từ trailer (đoạn quảng cáo ngắn về phim) đã gây tranh cãi về giọng miền Nam, sử dụng đại từ nhân xưng "mày" trong nội cung hoặc áo nhật bình màu sắc đúng theo cấp bậc. Ê-kíp lý giải tỉ mỉ thông qua những bài viết trên trang mạng xã hội từ việc quê gốc của bà Từ Dụ là ở Gia Định - về sau là Gò Công - cho đến việc vua tuyển mỹ nữ khắp cả nước, nội cung không thể chỉ có giọng Huế. Họ khẳng định không sợ bị soi ra cái sai nhưng mong được góp ý với thái độ xây dựng. Họ sẵn sàng tiếp thu để hoàn thiện từng phần phim nhưng không vì sợ sai, sợ bị dư luận soi mà không làm để rồi khán giả cứ phải xem mãi cung đấu của Trung Quốc, Hàn Quốc và tiếc cho lịch sử Việt Nam.
Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, "Phượng khấu" là dự án mở, có sự đóng góp của nhiều người đến với nhau bằng tình yêu sử Việt với mong muốn thông qua phim sẽ cho thế hệ trẻ biết được Việt Nam cũng có nền văn hóa độc đáo không thua các nước đồng văn. Dự án may mắn tìm được những người đồng hành yêu sử, hiểu công việc đang làm và làm bằng cái tâm, không đòi hỏi thù lao (các nghệ sĩ tham gia phim: NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Lê Thiện, Hồng Đào, Diễm My 9X, Vân Trang, Jun Phạm, Huy Khánh, Thanh Tú, Kiều Trinh...). Về phục trang - khâu vô cùng khó khăn - đã có Ỷ Vân Hiên - một công ty chuyên nghiên cứu về phục trang các triều đại của Việt Nam - đảm nhận. Về mũ mão đã có nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc góp sức. Phần công nghệ dựng bối cảnh 3D từng được các phim cổ trang Trung Quốc áp dụng, "Phượng khấu" cũng nhận được sự hỗ trợ. Các diễn viên đều hết lòng giúp sức.
"Chúng tôi thuê một phòng thu để dựng bối cảnh, nhờ công nghệ hỗ trợ thêm. Dự kiến, "Phượng khấu" có 65% bối cảnh nội. Chúng tôi nỗ lực mang đến những cảnh quay tốt nhất phục vụ khán giả. Phần phục trang, Ỷ Vân Hiên sẽ cung cấp 300 trang phục, trong đó 50% là thêu thủ công truyền thống đẹp và tốn kém. Chúng tôi phải ra tận miền Bắc tìm kiếm những nghệ nhân có thể thực hiện kỹ thuật thêu đúng nhất dù khá vất vả" - theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh.
Thực hiện những dự án phim cổ trang mà lại sát sử, cái khó nhất vẫn là không có tiền đầu tư để thực hiện đúng ý đồ của những người sản xuất. Phim có chi phí 2 tỉ đồng/tập, tổng cộng 16 tập sẽ tốn 32 tỉ đồng. Tuy nhiên, "Phượng khấu" tìm được nhà đầu tư.
Khi được hỏi vì sao không làm phim điện ảnh để bán vé trong lúc dự án thu hút sự chú ý từ công luận, ê-kíp phim cho biết mục tiêu là kiếm tiền để làm "Phượng khấu" chứ không phải dùng phim này để kiếm tiền. Thông qua câu chuyện cung đấu, phim lồng ghép vào đó lễ nghi, âm nhạc, ẩm thực… để giới thiệu văn hóa Việt và xuất khẩu văn hóa. Đây có thể xem là dự án giáo dục, giúp khán giả trẻ tiếp cận sử Việt một cách sinh động, lan tỏa tình yêu với văn hóa cổ phong Việt. Nếu làm phim điện ảnh, sẽ bị gò bó trong 90 phút, còn với phim nhiều tập, thời gian thoải mái và độ lan tỏa rộng hơn.
Muốn mang Việt Nam đi xa "Phượng khấu" (công ty sản xuất và phát hành: The Ocean Company) thu hút sự chú ý ngay từ giai đoạn đầu bởi tâm huyết và sự đầu tư lớn từ ê-kíp thực hiện. Sau 2 năm dài triển khai từng khâu, kêu gọi đầu tư, dự án ra mắt ngày 1-6 và bắt đầu bấm máy vào tháng 9. Phim có 18 tập, chia làm 3 phần, chiếu song song trên nền tảng truyền hình trả phí cùng với nền tảng YouTube vào đầu tháng 1-2020. "Tôi muốn mang Việt Nam đi xa bằng niềm tự hào về văn hóa độc đáo trên con thuyền phim ảnh. Văn hóa là tiếng nói bình đẳng, tự tôn và kiêu hãnh của dân tộc này với dân tộc khác" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nhận định. Anh cho biết thêm dự án "Phượng khấu" là tâm huyết của mình cùng các bạn trẻ khác, xuất phát từ tinh thần dân tộc. |
Thị trấn "nhẵn mặt" trong hơn 100 bộ phim cổ trang Trung Quốc Mặc dù ở Trung Quốc có nhiều thị trấn vẫn còn giữ nguyên được nét cổ xưa vốn có nhưng chỉ có nơi này mới ... |
Cúc Tịnh Y - mỹ nhân 25 tuổi của dòng phim cổ trang Trung Quốc Ngoại hình cùng khả năng diễn xuất giúp diễn viên chiếm được cảm tình của khán giả. |
Minh Khuê