Ngày 25/12 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội thảo “Công tác tái cơ cấu thực hiện theo Nghị quyết số 170-NQ/ĐU và công tác dịch vụ năm 2018”.
Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn chủ trì Hội thảo. Cùng dự có các đồng chí trong HĐTV, Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo các Ban chuyên môn/ Văn phòng Tập đoàn, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên của Tập đoàn.
PVN tổ chức Hội thảo đánh giá công tác tái cơ cấu và tổng kết công tác dịch vụ năm 2018
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn nhấn mạnh, Hội thảo nhằm đánh giá việc triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 170-NQ/ĐU ngày 28/3/2018 của Đảng ủy Tập đoàn về đổi mới, sắp xếp, cơ cấu tổ chức bộ máy nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đồng thời để thúc đẩy hoạt động dịch vụ, một trong 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiệm vụ tái cơ cấu lại bộ máy, tái cơ cấu vốn, hệ thống quản trị càng trở nên bức thiết đối với Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên. Việc thực hiện tái cơ cấu tại các đơn vị đã mang lại thành công bước đầu, vì vậy chúng ta cần tổng kết lại quá trình tái cơ cấu, rà soát lại hiệu quả đạt được và đưa ra những bài học kinh nghiệm để Tập đoàn và các đơn vị tiếp tục triển khai triệt để việc thực hiện Nghị quyết số 170-NQ/ĐU.
Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã nghe đại diện Ban Tổ chức và Quản trị nguồn nhân lực Tập đoàn trình bày báo cáo thực hiện công tác tái cơ cấu tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Việc thay đổi, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nhân sự của Bộ máy điều hành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (BMĐH PVN) là đòi hỏi cấp thiết để củng cố, nâng cao vai trò và hiệu quả của BMĐH PVN phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, đáp ứng các mục tiêu phát triển của PVN trong các giai đoạn tiếp theo khi phạm vi quản lý, khối lượng công việc, nhiệm vụ của PVN dần bị thu hẹp.
Hội đồng thành viên và Ban Tổng giám đốc PVN đã xem xét đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động của BMĐH, yêu cầu đối với hoạt động của BMĐH trong giai đoạn tới và xây dựng phương án tổ chức sắp xếp lại BMĐH theo hướng tinh giản gọn nhẹ, hiệu quả. Cụ thể, về mặt tổ chức, kể từ ngày 01/10/2018, BMĐH của PVN bao gồm 15 Ban/Văn phòng và 01 Văn phòng Đảng ủy trên cơ sở hợp nhất, điều chỉnh, bổ sung cơ cấu tổ chức; chức năng, nhiệm vụ chính của các Ban/Văn phòng Tập đoàn, giảm 48% so với trước khi tái cơ cấu.
Tổng giám đốc PVOIL Cao Hoài Dương phát biểu ý kiến về công tác cổ phần hóa tại đơn vị
Song song với việc tái cấu trúc tổ chức bộ máy điều hành, Tập đoàn cũng triển khai quyết liệt việc sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo các Ban/Văn phòng (Ban/VP) phù hợp với năng lực, kinh nghiệm theo chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các Ban/VP PVN. Đến thời điểm này, PVN đã kiện toàn được 14/15 Trưởng các Ban/VP PVN, 50 Phó trưởng ban/VP PVN và 116 cán bộ quản lý cấp phòng.
Cùng với đó, Tập đoàn cũng thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ phù hợp với tái cơ cấu, bố trí nhân sự tại các Ban/VP PVN và các đơn vị thành viên. Đến thời điểm báo cáo, PVN đã giới thiệu để bầu/bổ nhiệm 14 cán bộ tham gia các vị trí quản lý điều hành, người đại diện PVN, Ủy viên Hội đồng quản trị độc lập tại các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Việc xây dựng cơ chế bảo lưu lương và chính sách nghỉ hưu sớm cũng được PVN chú trọng cùng với việc làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và đồng thuận của cán bộ, đảng viên và người lao động trong triển khai các nhiệm vụ tái cấu trúc, sắp xếp tinh gọn bộ máy. Việc thực hiện kiện toàn Lãnh đạo các Ban/VP trong BMĐH PVN được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, tuân thủ đúng quy định, quy trình.
Tổng giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Tại các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, tháng 3/2018, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 170-NQ/ĐU về đổi mới, sắp xếp, cơ cấu tổ chức bộ máy nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Theo báo cáo của các đơn vị, sau 6 tháng thực hiện, các đơn vị đã tổ chức triển khai, quán triệt đầy đủ nội dung của Nghị quyết 170 trong Đảng bộ đơn vị, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương cho CBCNV đảm bảo nguyên tắc thống nhất tư tưởng và nhận thức để hành động; tổ chức sắp xếp lại bộ máy điều hành của đơn vị và các đơn vị trực thuộc; rà soát sắp xếp nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả; thực hiện đồng bộ từ mục tiêu chiến lược đến mô hình quản trị và cơ cấu tổ chức bộ máy; rà soát sửa đổi các quy định cho phù hợp.
Do công tác tư tưởng đã được đi trước, việc xây dựng quy trình bố trí, bổ nhiệm được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ cũng như việc xử lý quy định liên quan đến quyền lợi của người lao động nên tạo được sự đồng thuận cao trong từ lãnh đạo cấp cao đến từng người lao động.
Công tác tái cấu trúc doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp lãnh đạo, cấp ủy nhằm duy trì và tăng cường năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới về công nghệ, thị trường và xu hướng phát triển. Việc sắp xếp lại bộ máy, nhân sự giai đoạn vừa qua chỉ mới đáp ứng được về cơ bản nội dung yêu cầu về thu gọn đầu mối quản lý trong mối tương quan giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Chiến lược phát triển ngành Dầu khí và với các đơn vị thành viên trong tổ hợp Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Tổng giám đốc PVD Phạm Tiến Dũng phát biểu tham luận về công tác dịch vụ
Trong thời gian tới, Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 170-NQ/ĐU ngày 28/3/2018 của Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các quy trình quy chế nội bộ phù hợp với các quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế chính sách hợp lý đối với Người đại diện phần vốn, CBCNV bị ảnh hưởng trong quá trình tái cơ cấu, sắp xếp tổ chức bộ máy (thay đổi vị trí công việc, thôi việc…).
Đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên đã tham luận báo cáo cụ thể về tình hình triển khai công tác tái cơ cấu theo Nghị quyết 170-NQ/ĐU. Công tác tái cơ cấu tại từng đơn vị đã mang tới những kết quả tích cực cho đơn vị từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến việc quản lý, vận hành bộ máy điều hành của từng đơn vị. Qua các báo cáo, các đơn vị đã nêu lên những bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình tái cơ cấu tại đơn vị mình, những phương án giải quyết các tồn tại hạn chế cùng trao đổi với các đơn vị khác để hoàn thiện hơn hệ thống quản trị tại đơn vị và nâng cao chất lượng quản lý, vận hành bộ máy đơn vị mình.
Tổng kết công tác dịch vụ trong năm 2018, mặc dù đà suy giảm của giá dầu đã chững lại, thậm chí có thời điểm tăng cao, nhưng sự tăng giá này không bền vững và bất ổn định vì vậy, hoạt động cung cấp dịch vụ của các đơn vị trong Tập đoàn vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm sự nỗ lực của mình, một số đơn vị dịch vụ đã có các giải pháp tích cực để ứng phó với tình hình khối lượng công việc hạn chế và giá dịch vụ suy giảm, một số đơn vị khác cũng đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng, phát triển dịch vụ dầu khí ra nước ngoài và bước đầu đạt kết quả tích cực. Doanh thu dịch vụ toàn Tập đoàn năm 2018 đạt 199,5 nghìn tỷ đồng bằng 130% kế hoạch năm và chiếm tỷ trọng 31,83% trong tổng doanh thu toàn Tập đoàn, tăng 15% doanh thu so với năm 2017.
Mặc dù đứng trước những khó khăn, thách thức và chịu nhiều tác động khách quan đặc biệt là các hoạt động đầu tư, tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí còn hạn chế, khối lượng công việc ít, giá dịch vụ thấp..., tuy nhiên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đơn vị trong Tập đoàn đã quyết tâm thực hiện tốt công tác phát triển vực dịch vụ Dầu khí theo mục tiêu của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23 tháng 7 năm 2015.
Tập trung sức mạnh tổng hợp của các đơn vị trong Tập đoàn đẩy mạnh lĩnh vực dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Tập đoàn. Các đơn vị tiếp tục thực hiện triệt để chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu sử dụng vốn nhà nước.
Trong thời gian sắp tới, kế hoạch triển khai các dự án/gói thầu của các đơn vị trong ngành bao gồm: 17 dự án/gói thầu thuộc dự án phát triển mỏ và đường ống thu gom/vận chuyển khí; 5 dự án/gói thầu thuộc dự án khí và chế biến dầu khí; 88 gói thầu thuộc lĩnh vực khoan và địa chất. Tập đoàn đã tổng hợp và đánh giá sơ bộ về khả năng tham gia cung cấp dịch vụ của các đơn vị trong ngành đối với các dự án/gói thầu này, đề nghị các đơn vị là Chủ đầu tư dự án và các đơn vị dịch vụ cho các ý kiến thảo luận cụ thể để đề xuất phương án khả thi nhằm sử dụng tối đa dịch vụ trong ngành và phù hợp các quy định hiện hành.
Tại Hội thảo, lãnh đạo các đơn vị dịch vụ cũng đã có báo cáo về tình hình triển khai công tác dịch vụ tại đơn vị cũng như nêu lên một số kiến nghị với lãnh đạo Tập đoàn để công tác dịch vụ được triển khai một cách hiệu quả, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Hiền Anh
Ban CHQS Công ty Mẹ - PVN tổng kết tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ năm 2018 Ngày 25/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức ... |
Dự lễ vận hành thương mại Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn: Thủ tướng yêu cầu PVN tiếp tục làm tốt hai nhiệm vụ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với những bài học, kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây ... |
PVN có 5 doanh nghiệp được công nhận Thương hiệu Quốc gia năm 2018 Ngày 20/12 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2018. Tập ... |
PV GAS khẳng định vị thế doanh nghiệp hàng đầu, trụ cột của PVN Chiều 18/12, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đã tổ chức Hội nghị Người lao động, Tổng kết hoạt động SXKD ... |