"Mở cửa duy trì cũng không có khách. Cư dân ở đây đương nhiên không ăn, còn khách online thấy địa chỉ ở Thanh Hà là chẳng dám đặt", chủ quán bún bò Huế ở Thanh Hà nói.

1111
Hàng quán đóng cửa sau khi cơ quan chức năng xác định nguồn nước ở Thanh Hà nhiễm E.Coli.

"Nước nhiễm E.coli, ai dám ăn phở, gội đầu"

Hơn 10 ngày qua, kể từ khi khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội mất nước, cuộc sống của cư dân ở đây bị đảo lộn. Nhiều hộ kinh doanh tại chân đế chung cư cũng khóc dở, mếu dở khi không có khách.

Chị Lan Anh, chủ quán phở ở tòa HH021B, cho biết thời điểm mới mất nước, cửa hàng phải xoay xở đủ nước kinh doanh. Nhưng từ khi cơ quan chức năng công bố nước sinh hoạt ở khu đô thị Thanh Hà nhiễm E.coli, hàm lượng amoni và clo đều vượt ngưỡng cho phép hàng chục lần, khách không còn ghé quán.

"Họ khuyến cáo người dân không được sử dụng nước này để rửa rau, thậm chí tắm cũng gây kích ứng da thì lấy đâu ra khách ăn phở. Chúng tôi chỉ biết đóng cửa quán và trông chờ vào nguồn nước sạch để yên tâm làm ăn", chị Lan Anh ngậm ngùi.

1112
Mỗi ngày công ty nước Thanh Hà cho mở nước khoảng gần 1 giờ để người dân tích trữ nước sinh hoạt.

Phải đóng cửa tiệm tóc, anh Thanh (ở tổ dân phố số 2) lo lắng khi mỗi tháng phải trả tiền thuê nhà hơn 7 triệu đồng.

"Chủ yếu khách đến gội đầu nhưng nước nhiễm khuẩn thì ai dám gội. Thời điểm đầu chưa công bố kết quả xét nghiệm, 5 người gội thì 4 người kích ứng da, ngứa ngáy. Cứ như thế này, chúng tôi biết làm sao?", anh Thanh nói.

Nhiều hàng quán mở cửa nhưng ế khách, chị Trang quyết định đóng cửa quán bún bò Huế ở tòa HH02 khi Phòng Y tế huyện Thanh Oai công bố mẫu nước tại khu đô thị Thanh Hà nhiễm E.coli và không đảm bảo chất lượng.

"Có mở cửa duy trì quán cũng không có khách. Cư dân ở đây đương nhiên không ăn, còn khách online cứ hiện địa chỉ quán ở khu đô thị Thanh Hà là chẳng dám đặt. Khách hàng lo sợ nguồn nước không đảm bảo", chị Trang chia sẻ.

1113
Quán bún bò của chị Trang cửa đóng then cài.

Thuốc tây, nước đóng bình "cháy hàng"

Trong số những cửa hàng ở chân đế tòa nhà, chỉ có cửa hàng tạp hóa của chị Nga đông khách. Khách chủ yếu tìm đến mua nước đóng chai, nước đóng bình để sử dụng.

Do nguồn cung hạn chế, mỗi gia đình chỉ được mua 2-3 bình nước loại 18-19 lít với giá từ 60.000-75.000 đồng. “Giá nước bình không thay đổi so với trước đây. Chúng tôi chỉ bán cầm chừng cho các gia đình để đảm bảo hộ nào cũng được sử dụng”, chủ tiệm tạp hóa cho hay.

Theo chị Nga, từ hôm mất nước sinh hoạt đến nay, một số mặt hàng đồ ăn sẵn khác như xúc xích, thịt nguội, thịt hộp, bánh mì...  đang được tiêu thụ với số lượng gấp đôi ngày thường.

1114
Cửa hàng tạp hóa bán nước đóng bình theo số lượng nhất định để đảm bảo ai cũng có nước sử dụng.

Thuốc tây cũng là một trong những mặt hàng được cư dân Thanh Hà mua nhiều những ngày qua. Dược sĩ thuộc một nhà thuốc ở tòa HH03A cho biết mặt hàng đang bán chạy nhất là thuốc điều trị viêm nhiễm phụ khoa, trị các bệnh ngoài da.

Theo dược sĩ này, nước nhiễm khuẩn là nguy cơ gây ra nấm, mẩn ngứa, dị ứng nước, ghẻ, bệnh phụ khoa, bệnh đường ruột, tiêu chảy. Các loại thuốc bôi ngoài da như: Clotrimazol, Miconazole, Terbinafine, Ketoconazole,... đang được bán ra với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, giá từ 20.000-50.000 đồng/lọ tùy loại.

"Khi bán thuốc, chúng tôi khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng nước ở thời điểm này, nhất là tắm rửa những vùng nhạy cảm. Nước nhiễm E.coli, không đảm bảo chất lượng có thể gây các bệnh về đường ruột, thậm chí gây suy thận", dược sĩ này cho hay.

Ngày 14/10, cư dân Thanh Hà phản ánh chất lượng nước không đảm bảo, sau đó trạm cấp nước cục bộ dừng hoạt động. Sau khi cư dân không có nước, phải hứng từ xe téc, thành phố đã các đơn vị cấp nước điều tiết cấp nước bổ sung.

Nước đến nay vẫn chưa cấp đủ và người dân không dám sử dụng do kết quả xét nghiệm mới đây cho thấy nước nhiễm E.coli, một số chỉ số khác vượt ngưỡng hàng chục lần.

Theo lãnh đạo huyện Thanh Oai, Sở Xây dựng đã giao cho Công ty CP nước sạch Thanh Hà phối hợp cùng Chi nhánh và dịch vụ nhà ở Thanh Hà thau rửa đường ống nước, sau đó cấp nước và lấy mẫu kiểm nghiệm công khai. Khi nước không vấn đề gì bà con yên tâm sử dụng.

Trong thời gian thau rửa, chủ đầu tư bổ sung 5 bồn inox (thiếu tiếp tục bổ sung) để cư dân sử dụng trong quá trình sục rửa đường ống.

Anh Hoàng / Báo Giao thông