Giờ “G” cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ càng tới gần, công luận nước này càng bàn nhiều đến các nhóm dân quân mang tư tưởng chống chính phủ. Trong cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021, một số dân quân có vũ trang đã kích động và lãnh đạo đoàn người biểu tình xông vào chiếm lấy tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Nhiều nhà quan sát đang lo ngại liệu kết quả cuộc bầu cử tổng thống sắp tới có lại “châm ngòi” cho bạo loạn? Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang “đau đầu” vì chuyện này; nhưng họ lại đặt ra một câu hỏi khác: “Làm sao để ngăn cản binh lính tham gia các nhóm dân quân?”.

Sóng ngầm

Lịch sử của các nhóm dân quân chống chính phủ tại Mỹ luôn có liên quan đến quân đội. Ví dụ như vụ đánh bom tòa nhà chính phủ liên bang ở thành phố Oklahoma (19/4/1995) khiến 165 người thiệt mạng được thực hiện bởi Timothy McVeigh, một cựu chiến binh Vùng Vịnh trở thành dân quân sau khi kết thúc nghĩa vụ. Hay, gần đây là trường hợp Brandon Russell, binh nhì trong lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ đóng tại bang Florida.

Trước khi nhập ngũ vào năm 2015, Russell thành lập nhóm phát-xít có vũ trang Atomwaffen Division, sau này trở thành một mạng lưới khủng bố có chi nhánh tại Anh, Canada, Đức, Argentina và các nước vùng Balkal. Russell bị bắt vào năm 2017 sau khi sát hại 2 thành viên Atomwaffen Division khác.

Quân đội Mỹ và bài toán dân quân chống chính phủ -0
Dân quân Mỹ huấn luyện vũ trang.

Theo điều tra của hãng tin Vice, hiện tại Mỹ có trên 300 nhóm dân quân với khoảng 15.000-20.000 thành viên hoạt động thường xuyên, trong đó 25% là binh lính tại ngũ hoặc cựu chiến binh. Số lượng binh lính tham gia các nhóm dân quân đã tăng mạnh trong hơn 10 năm trở lại đây, chủ yếu là vì sự cực đoan hóa của nền chính trị Mỹ.

Dư luận Mỹ gần đây phải “giật mình” vì tin 2 sĩ quan Vệ binh quốc gia bị điều tra do lãnh đạo một nhóm dân quân. Họ là trung sĩ tham mưu Daniel Abbott và trung sĩ tham mưu Alexandra Griffeth. Chi tiết thu hút sự quan tâm của dư luận là Daniel Abbott mới được chính quyền bang Virginia vinh danh là sĩ quan của năm 2023. Hai người chỉ huy nhóm dân quân Campbell County Militia hoạt động tại vùng ngoại ô thành phố Lynchburg, bang Virginia.

Daniel Abbott tuy phục vụ Chính phủ Mỹ nhưng liên tục lên tiếng công kích chính phủ. Abbott phát biểu trong một khóa huấn luyện dân quân: “Chính phủ liên bang là mối đe dọa lớn nhất đến sự tự do và an toàn của mỗi chúng ta... Quyền lực luôn gắn liền với vũ lực. Mỗi công dân như chúng ta chỉ có hai quyền lực. Thứ nhất là vũ lực, thứ hai là lời đe dọa sử dụng vũ lực”. Daniel Abbott còn thường xuyên sử dụng bài phát biểu này trên mạng xã hội để thu hút người khác gia nhập nhóm dân quân.

Một mặt thì các nhóm dân quân luôn cần đến kinh nghiệm và kỹ năng của binh lính chuyên nghiệp để huấn luyện những thành viên khác. Mặt khác, trong trường hợp xảy ra đối đầu trực tiếp giữa dân quân và chính phủ, dân quân rất cần “tay trong” để cung cấp thông tin và phá hoại sau lưng địch. Nhưng, binh lính (và cựu chiến binh) nhận được gì khi gia nhập dân quân?

Nhà sử học, giáo sư Kathleen Belew (Trường Đại học Chicago) giải thích: “Tôi đã phỏng vấn nhiều binh sĩ trở về từ Iraq, Afghanistan và Syria. Nhiều người cảm thấy vui mừng khi được đoàn tụ với gia đình. Nhưng, cũng có không ít người luôn ở trong trạng thái bồn chồn, lo lắng ngay khi ở giữa gia đình. Cuộc sống nơi chiến trường khiến họ lúc nào cũng phải sẵn sàng với mọi nguy hiểm. Vấn đề là khi trở về, họ nhìn đâu ở nước Mỹ cũng có nguy hiểm. Những cá nhân như thế rất hay tìm đến các nhóm vũ trang để cảm thấy an toàn trong một môi trường quen thuộc”.

Cuộc điều tra của Viện Phân tích Quốc phòng (IDA) thì lại có một góc nhìn khác. Kết quả cuộc điều tra của IDA cho biết: “Số lượng binh sĩ và cựu chiến binh tham gia các nhóm dân quân đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1990 đến nay... Có 50% các cá nhân được điều tra mang tư tưởng chống chính phủ. Trong số này thì hơn 30% mang tư tưởng phân biệt chủng tộc và hơn 10% mang tư tưởng Thiên Chúa giáo hoặc Hồi giáo cực đoan”.

Các nhóm dân quân hoạt động thế nào?

Một trong các nhóm dân quân lớn mạnh nhất nước Mỹ hiện giờ là American Patriots Three Percent (còn gọi tắt là AP3). Tổ chức này gần đây xuất hiện trên truyền thông Mỹ sau khi nhiều thành viên xuất hiện tại khu vực biên giới phía Nam. Những dân quân vũ trang “tận răng”, đi tuần theo từng nhóm 5-7 người nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ Trung và Nam Mỹ vượt biên trái phép. AP3 tuyên bố với báo chí là họ đang tuần tra khu vực xung quanh biên giới rộng 4.046 ha.

Scot Seddon, nguyên lãnh đạo của AP3, vốn là một sĩ quan quân đội vào giữa những năm 2000. Seddon thành lập AP3 sau một thời gian bị cực đoan hóa trên các diễn đàn của binh lính Mỹ. Tại thời điểm đó uy tín của quân đội Mỹ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì cuộc chiến tranh Iraq và không ít binh lính khi trở về từ Trung Đông cảm thấy bản thân như bị cô lập hoàn toàn.

Nhờ uy tín “cựu chiến binh Vùng Vịnh” của Scot Seddon mà AP3 nhanh chóng phát triển. Tổ chức này thu hút binh lính, cảnh sát, bác sĩ, tài xế xe tải, chủ hộ kinh doanh, cựu tù nhân,... Điều gắn kết những con người đến từ đủ mọi ngóc ngách của xã hội là sự bất mãn với chính phủ của cựu Tổng thống Barack Obama và cách duy nhất để phản kháng là tập hợp lại thành một phong trào vũ trang. Seddon sắp xếp từng thành viên một theo cấp bậc quân đội, huấn luyện họ không khác gì binh lính chuyên nghiệp và quan trọng nhất là mài giũa hệ tư tưởng của họ thành một con dao sắc nhọn.

Người ngoài nhìn vào một đơn vị AP3 đóng tại địa phương thì chỉ thấy một nhóm từ 15-30 đàn ông là bạn của nhau. Họ xông xáo tham gia các hoạt động tình nguyện, như quyên góp cho trẻ em khuyết tật hay xây nhà từ thiện. Cứ đến cuối tuần thì nhóm đàn ông lại tổ chức cắm trại tập thể. Những buổi cắm trại như thế thực ra là vỏ bọc cho hoạt động huấn luyện. Người tham gia được học cách di chuyển, tấn công, rút lui,... giống như binh lính chuyên nghiệp. Họ còn được trau dồi về mặt lý tưởng và về hệ thống luật pháp của Mỹ để đảm bảo rằng mọi việc họ làm là hợp pháp. Một số thành viên có kinh nghiệm nghề nghiệp được phân một số trách nhiệm chuyên môn, ví dụ như xuất bản tờ tạp chí hằng tháng của AP3.

Ngoài việc tuần tra ở khu vực biên giới, thành viên AP3 hiện còn thường xuyên xuất hiện trong các cuộc vận động tranh cử của những ứng cử viên đảng Cộng hòa. Các ban tổ chức vận động tranh cử luôn sẵn sàng đón nhận dân quân vũ trang tình nguyện làm việc bảo vệ những buổi mít tinh, phần vì muốn sự kiện thêm an toàn, phần vì muốn lấy sự hiện diện của dân quân nhằm tăng uy tín cho ứng cử viên.

Scot Seddon bị khai trừ khỏi AP3 hồi đầu năm 2023. Người ta phát hiện rằng Seddon chưa từng phục vụ tại chiến trường Vùng Vịnh, mà thay vào đó chỉ là một binh nhất thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia đóng tại bang New York. Anh ta vốn là một y tá nhưng rồi bị đuổi việc vì không chịu tiêm vaccine COVID-19, sau đó chuyển sang làm nghề tự do. Sau khi sự thật bị lộ tẩy, Seddon thường xuyên gửi tin nhắn đe dọa đến các chỉ huy khác của AP3, nhưng cuối cùng họ vẫn đồng thuận việc khai trừ Seddon ra khỏi tổ chức.

Sau khi bị khai trừ, Scot Seddon vẫn tiếp tục việc đi đến nhiều địa phương để huấn luyện các nhóm dân quân. Khi được phóng viên hãng tin Pro Publica hỏi liệu Seddon có hối hận vì những hành động mà AP3 đã thực hiện không, anh ta trả lời: “Tôi ghét AP3 vào thời điểm hiện tại. Nhiều thành viên xung phong đi tuần biên giới chỉ vì họ muốn có cơ hội giết dân di cư Nam Mỹ. Chính họ đã nói với tôi như vậy. Nhưng, sự tồn tại của AP3 lầ cần thiết. Cuộc bầu cử sắp tới sẽ không được quyết định bằng hòm phiếu mà là bằng... hòm đạn. Cần phải có những người sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ nền dân chủ Mỹ.

Bài toán khó nhằn

Vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth đã ra quyết định cấm mọi binh sĩ tại ngũ tham gia các hoạt động mang tính cực đoan như tổ chức dân quân chống chính phủ. Lệnh cấm này được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ cân nhắc vấn đề trong một thời gian dài. Họ lo ngại khả năng sẽ có không ít binh sĩ bị vướng vòng pháp lý nếu như lệnh cấm được đưa ra. Tuy vậy, mối lo về việc xảy ra bạo loạn nếu như ông Donald Trump thua trong cuộc bầu cử sắp tới là hiện hữu.

Vấn đề đặt ra trước mắt quân đội Mỹ hiện nay là tìm ra được các binh sĩ đang tham gia dân quân. Kris Goldsmith, cựu chiến binh tại Iraq và giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Task Force Butler chuyên điều tra về tư tưởng cực đoan trong quân đội Mỹ, giải thích: “Các nhóm dân quân trước đây công khai tuyển mộ thành viên thông qua mạng xã hội, nhưng từ sau sự kiện 6/1/2021 thì họ không còn làm vậy nữa. Nhiều nhóm hiện chỉ chấp nhận người mới dựa trên lời giới thiệu của thành viên. Họ liên lạc với nhau thông qua các nền tảng đóng như Telegram... Nhiều binh sĩ tham gia không chỉ 1 mà là 3-4 nhóm dân quân khác nhau cùng một lúc. Họ làm vậy để đề phòng trường hợp một nhóm bị điều tra hoặc buộc giải thể”.

Nhà báo Devin Burghart, Giám đốc tổ chức vì nhân quyền Institute for Research and Education on Human Rights tóm lược vấn đề: “Nước Mỹ đã tham chiến ở nước ngoài quá lâu đến mức một số binh sĩ nghĩ rằng cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề chính trị ở trong nước là sử dụng vũ lực. Đây là một xu hướng rất đáng lo ngại... Để giải quyết tận gốc vấn đề cực đoan hóa trong quân đội, không chỉ cần đến các cấp chỉ huy mà toàn thể bộ máy quân sự - đối ngoại của Mỹ cần suy nghĩ lại đường lối, chính sách của mình”.

https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/quan-doi-my-va-bai-toan-dan-quan-chong-chinh-phu-i748451/

Lê Công Vũ / antgct.cand.com.vn