Mối quan hệ thương mại Mỹ - châu Âu có dấu hiệu tích cực trở lại khi kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn và xung đột Nga - Ukraine chưa kết thúc.

Bản đồ kinh tế toàn cầu đang chuyển mình nhanh chóng. Thương mại, đầu tư giữa Mỹ và châu Âu tăng mạnh khi xung đột giữa Ukraine và Nga tiếp tục leo thang và mối quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Điều này kéo các đồng minh xuyên Đại Tây Dương xích lại gần nhau hơn.

Tính từ đầu năm 2022, Mỹ đã nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu nhiều hơn từ Trung Quốc. Đây là một sự thay đổi lớn so với những năm 2010 khi Trung Quốc nổi lên là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. 

Các mặt hàng như đồng hồ Thụy Sĩ, máy móc công nghệ từ Đức và các đồ xa xỉ của Italia được xuất khẩu vượt Đại Tây Dương ngày càng nhiều. Điều này vơi bớt phần nào sự khó khăn của các nhà sản xuất tại châu Âu khi giá năng lượng tăng chóng mặt. 

Quan hệ thương mại Mỹ - châu Âu 'nồng ấm' trở lại - 1

Những cảng biển bờ Tây nước Mỹ trở nên nhộn nhịp. (Ảnh: Getty)

Chỉ trong tháng 9, xuất khẩu của Đức sang Mỹ đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng euro hạ giá mang lại lợi ích cho các công ty châu Âu trên thị trường Mỹ. Các công ty châu Âu cũng đang đổ dồn nguồn lực vào Bắc Mỹ, bao gồm cả Mexico, do khả năng tiếp cận năng lượng giá rẻ.

Trong khi đó, Mỹ trở thành một trong những nhà cung cấp năng lượng và quân sự lớn nhất của châu Âu, thay thế vị trí của Nga trở thành nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và tăng cường khả năng quốc phòng của họ. Đức có kế hoạch mua 35 máy bay chiến đấu F-35 của Hoa Kỳ do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo. Vào năm 2021, xuất khẩu mảng dịch vụ của Mỹ sang Liên minh Châu Âu (EU) đạt 305 tỷ euro, tăng 17% so với năm 2020, theo dữ liệu của EU.

Lí do Mỹ và châu Âu "nối lại tình xưa"

Được biết, quá trình tái tổ chức nền kinh tế toàn cầu dọc theo các tuyến Đông-Tây sẽ dẫn đến việc nối lại mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và châu Âu. Các công ty, tập đoàn thay đổi cách thức giao dịch một phần do lo ngại việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc, một phần do Nga ngừng cung cấp năng lượng cho châu Âu. Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhiều chính phủ đã khuyến khích các công ty “tự cung tự cấp" các mặt hàng thiết yếu thay vì nhập khẩu từ châu Á. Một số công ty tại Đức bắt đầu sử dụng các nhà máy trong nước để xuất khẩu sang Mỹ thay vì sản xuất tại Trung Quốc như trước đây. Các tập đoàn cho biết, họ làm vậy một phần là để giảm thiểu số thuế quan họ phải chịu. 

Đồng thời, các công ty vừa và nhỏ của Đức đang đa dạng hóa các khoản đầu tư và bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Ở Trung Quốc, họ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty nội địa, chi phí lao động gia tăng và các quy định khắt khe về COVID-19.

Ilham Kadri - giám đốc 1 công ty hoá chất lớn tại Bỉ cho biết các tập đoàn ưu tiên làm việc với Mỹ hơn nhiều nền kinh tế khác do môi trường thuận lợi, nhân công lành nghề, năng lượng giá rẻ và hỗ trợ từ chính phủ. Gần đây, công ty này đã tuyên bố sẽ đầu tư 850 triệu USD để xây dựng một số nhà máy sản xuất pin ở miền nam nước Mỹ, nhằm bắt kịp ngành ô tô điện đang phát triển mạnh.

Theo một báo cáo tháng 10 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Mỹ đã nhận tổng cộng 74 tỷ USD đầu tư từ nước ngoài trong ba tháng 5, 6, 7. Con số này cao hơn hẳn 46 tỷ USD của Trung Quốc và cao nhất trên thế giới.

Quan hệ thương mại Mỹ - châu Âu 'nồng ấm' trở lại - 2

Đức và các quốc gia châu Âu tăng cường nhập khẩu từ Mỹ. (Ảnh: Getty)

Nền kinh tế Mỹ vẫn có động lực tăng trưởng đáng kể bất chấp các động thái của Cục Dự trữ Liên bang (FED) nhằm “hạ nhiệt” nguồn cầu. Mỹ đang trên đà nhập khẩu 4 nghìn tỷ USD hàng hóa và dịch vụ trong năm nay, nhiều hơn khoảng 1/3 so với năm 2019.

 

Theo Hiệp hội Công nghiệp Cơ khí Đức, trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang Mỹ từ các công ty cơ khí của Đức đạt 18 tỷ euro, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, xuất khẩu của ngành hàng này sang Trung Quốc đã giảm 3% xuống còn 14 tỷ euro. 

Khách du lịch Mỹ cũng đang đổ vào châu Âu, tận dụng giá USD đang tăng cao. Vào cuối tháng 9/2022, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết châu Âu đã đón lượng du khách quốc tế trong bảy tháng đầu năm gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu là khách du lịch từ Mỹ. Tập đoàn hàng xa xỉ Kering của Pháp, sở hữu các thương hiệu như Gucci và Yves Saint Laurent, cho biết doanh số bán hàng của họ ở Tây Âu đã tăng 74% trong ba tháng 7,8,9.

Trước cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, chính phủ châu Âu đang tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh mạng, tìm cách xây dựng thêm các nhà máy bán dẫn trong nước và thúc đẩy sản xuất nội địa nhiều ngành như trí tuệ nhân tạo.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu vào Mỹ tăng lên khoảng 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2021, theo dữ liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào tháng 7/2022. Trong năm 2021, FDI của Mỹ vào châu Âu đã tăng khoảng 10%, lên khoảng 4 nghìn tỷ USD. Số tiền này làm lu mờ lượng đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc.

Một phần lý do khác đằng sau sự phục hồi trong đầu tư của châu Âu vào Mỹ là do những lo ngại về suy thoái kinh tế trong chính EU. Tập đoàn hóa chất Đức Lanxess AG đang hướng tương lai của mình vào Mỹ và không có kế hoạch mở rộng các nhà máy ở Đức. Giám đốc điều hành của tập đoàn này, Matthias Zachert, cảnh báo về khả năng cạnh tranh đang suy giảm của Đức, phần lớn là do giá năng lượng tăng cao.

Quan hệ thương mại Mỹ - châu Âu 'nồng ấm' trở lại - 3

Người dân Mỹ đổ xô đi du lịch tại châu Âu, tận dụng giá USD tăng cao. (Ảnh: Getty)

Những vết nứt khó lành

Việc nối lại quan hệ kinh tế giữa hai bên cũng không phải là suôn sẻ. Lạm phát, lo ngại suy thoái kinh tế và nỗ lực giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc đã dẫn đến một số chính sách bảo hộ thương mại ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Để cắt giảm sự phụ thuộc vào pin Trung Quốc đồng thời giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, Mỹ ban hành chương trình ưu đãi thuế mới dành cho xe điện. Tuy nhiên việc này đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ EU và các đồng minh khác của Mỹ. Họ cho rằng chính sách này không công bằng với các nhà sản xuất của họ.

EU cho rằng các chính sách này có hại cho cung ứng đầu vào, trái ngược với cam kết hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và EU.

Mặc cho chính phủ nước họ phản đối, các công ty châu Âu đang gấp rút tận dụng các khoản trợ cấp mới của Mỹ. Tập đoàn năng lượng Enel SpA của Ý cho biết họ sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất pin mặt trời trị giá lên tới 1 tỷ USD tại Mỹ.

Sau khi đưa ra chính sách nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc vào tháng 10, chính quyền Mỹ đã “lạt mềm buộc chặt", ngồi xuống đàm phán với chính phủ Nhật Bản và Hà Lan trong vấn đề sản xuất chất bán dẫn.

Mỹ và EU cũng phải đối mặt với một nhiệm vụ to lớn là điều phối hàng chục tỷ USD trợ cấp để hồi sinh ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước. 

Bà Vestager, phó chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng Mỹ và EU nên kết hợp để đặt ra những tiêu chuẩn quốc tế cho các ngành công nghệ mới nổi, điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

https://vtc.vn/quan-he-thuong-mai-my-chau-au-nong-am-tro-lai-ar715381.html

Hoàng Linh / VTC News