Điều lạ lùng là đã có chế tài về chuyện xuất ngoại học hỏi của cán bộ, xem ra rất chặt chẽ nhưng không hiểu sao những chuyến “du lịch” trá hình vẫn diễn ra?
Mới đây báo chí đưa tin, một vị chi cục trưởng ở Hà Nội, vào đúng ngày có quyết định nghỉ hưu đã dẫn đầu một đoàn cán bộ gồm 3 lãnh đạo chi cục đi 3 nước châu Âu trong 10 ngày để học tập, trao đổi kinh nghiệm. Toàn bộ kinh phí cho chuyến đi được lấy từ ngân sách nhà nước.
10 ngày đi qua 3 nước (kể cả thời gian đi lại, di chuyển) để học được những nội dung đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao (công nghệ cao, xây dựng đô thị kiểu mẫu) thì quả là bái phục.
Nhưng điều đáng nói ở đây là, vị chi cục trưởng này đã nghỉ hưu chế độ từ ngày 1/8/2018. Thế thì cử ông đi học để làm gì? Những bài học, kinh nghiệm thu được (nếu có) khi về nước sẽ áp dụng thế nào? Câu trả lời xin nhường cho chi cục của ông và cấp trên của đơn vị này.
Mặt khác, dù cho đúng như thông tin từ người trong đoàn, rằng quyết định của Thành phố về chuyến đi được ban hành vào cuối tháng 7/2018, trước ngày ông chính thức nghỉ hưu, thì lẽ ra ông cũng có quyền cũng như cần biết từ chối. Vì lòng tự trọng của chính ông, cũng như vì lợi ích thu được của tập thể, của cái chung!
Còn dư luận thì biết rõ, những chuyến đi tương tự, núp bóng “học tập, trao đổi kinh nghiệm” với thời gian gấp gáp, lại ở buổi hoàng hôn nhiệm kỳ thực chất là “du lịch trá hình”, mà có khi còn là một dạng tham nhũng được hợp thức hóa.
Chuyện này cũng chẳng mới. Cách đây chưa lâu, nhiều người sửng sốt trước thông tin chuyến đi của 3 lãnh đạo một tỉnh (trong đó có bà phó chủ tịch tỉnh) tham gia chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại hai địa điểm ở Hoa Kỳ trong vòng 11 ngày với dự toán kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Sau đó được chủ tịch tỉnh phê duyệt 688 triệu đồng, giảm gần 2/3 so với dự toán. Nếu báo chí, dư luận không lên tiếng thì ngân sách tỉnh có thể đã bị… thủng thêm một lỗ to đùng.
Nhưng số tiền trong cái bản dự chi được duyệt ấy vẫn còn to lắm và chủ yếu là ăn ở, đi lại, khiến dư luận không khỏi liên tưởng đến một chuyến… du lịch tới Mỹ. Ví như tour du lịch liên tuyến xuyên Hoa Kỳ 12 ngày của một hãng lữ hành có giá 94.990.000đ.
Quan hưu rồi vẫn xuất ngoại học hỏi, kinh nghiệm sẽ áp dụng vào đâu? Ảnh minh họa
Bao giờ hết “khổ lắm, nói mãi”?
Trong một công bố gần đây của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2012-2016 với một số bộ, ngành, địa phương đã cử tổng số 14.677 đoàn, với gần 42.000 lượt cán bộ đi nước ngoài. Tổng kinh phí dành cho các chuyến đi này vào khoảng 1.004 tỷ đồng.
Không phủ nhận nhiều chuyến đi đem lại những kết quả bổ ích, hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách kinh tế xã hội đất nước. Nhưng những con số nói trên không khỏi khiến dư luận lo ngại ngân sách có thể bị lãng phí khi có những người đi vì mục đích giải quyết chế độ chính sách, một dạng đặc quyền đặc lợi cần sớm chấm dứt .
Chuyện không có gì mới nhưng cứ diễn ra hằng ngày, hết địa phương này đến địa phương khác, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Dẫu thế vẫn phải nói vì xót cho tiền thuế của dân.
Có vị đại biểu Quốc hội từng chỉ ra: “có sự thiếu gương mẫu của cán bộ là người đứng đầu, thậm chí có chuyện một số người đi để giải quyết chính sách, chuẩn bị về hưu, giải quyết cho một số người chưa bao giờ được đi đâu…”
Điều lạ lùng là đã có chế tài về chuyện “đi học” nước ngoài của cán bộ, xem ra rất chặt chẽ nhưng không hiểu sao những chuyến “du lịch” trá hình vẫn diễn ra?
Điều 3 Qui chế cử cán bộ, công chức đi đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước (Bộ Nội vụ) ở mục 2, 4 ghi rõ tiêu chuẩn cử người. Theo đó, người được cử phải “Có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung, chương trình của khóa đào tạo, bồi dưỡng, có khả năng tiếp thu kiến thức phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ của cơ quan”. Và “không cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài vì mục đích giải quyết chế độ chính sách…”
Quy chế còn quy định chặt chẽ về chế độ theo dõi, kiểm tra, báo cáo, thu hoạch, xử lí trách nhiệm của cấp cử người không đúng đối tượng...
Tôi cho rằng, trên cơ sở Qui chế nói trên của Bộ Nội vụ, các ban ngành, địa phương, cơ quan… cần cụ thể hóa quy định cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài và nhất là phải thực hiện nghiêm túc.
Chẳng hạn, người được cử đi học tập, nghiên cứu phải thỏa mãn những điều kiện:
- Có chuyên môn phù hợp, có năng lực tiếp thu, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ.
- Có đề cương được duyệt trước khi đi.
- Có báo cáo thu hoạch, đề xuất phương án, giải pháp khả thi được thẩm định, có khả năng vận dụng vào công việc thuộc phạm vi, lĩnh vực mình phụ trách.
Hai tiêu chí đầu là điều kiện cần để tham gia chuyến đi. Tiêu chí sau là điều kiện đủ để được thanh toán chi phí, nếu không cá nhân tự bỏ tiền túi ra.
Các cơ quan hữu trách cần rà soát, đánh giá lại, cả về mặt chính sách, quy trình cũng như quá trình thực hiện các chuyến xuất ngoại, tiến hành thanh tra hiệu quả, kết quả từ việc sử dụng ngân sách đi nước ngoài có thất thoát hay không. Trên cơ sở đó sẽ có biện pháp siết chặt việc này, đồng thời quy rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan. Lãnh đạo phê duyệt người đi không đúng tiêu chuẩn, không có hiệu quả thì phải liên đới chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước.
Minh bạch những vấn đề trên, tin chắc sẽ nâng cao chất lượng đi học hỏi nước người, giảm thiểu chuyện đặc quyền đặc lợi, lợi dụng các chuyến đi nước ngoài để “ban ơn” hoặc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ cuối nhiệm kì hay sắp nghỉ hưu. Và tất nhiên, ngân sách nhà nước sẽ bớt đi một sự lãng phí không hề nhỏ.
Phải minh bạch và tính đến hiệu quả Để cho 3 cán bộ tỉnh Thanh Hóa tham gia Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ trong 11 ngày, Trung ... |
NÓI THẲNG: 3 cán bộ + 11 ngày đi Mỹ = 1,73 tỉ Năm tỉnh, thành chuẩn bị cử đoàn cán bộ đi Mỹ làm nhiệm vụ quảng bá địa phương, trong đó có Thanh Hóa với 3 ... |
Nữ gác tàu \'đau bụng\' không đóng biển báo bị chuyển công tác Hàng loạt lãnh đạo và nữ gác ghi Công ty cổ phần đường sắt Quảng Bình bị kỷ luật vì sự cố quên đóng biển ... |