Lực lượng Quản lý thị trường đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng xe ưu tiên, giữ lại một phần tiền phạt vi phạm hành chính để xây dựng lực lượng.
Kiến nghị đề xuất có xe ưu tiên
Chiều 13.1, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Bộ Công Thương.
Tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, năm 2019, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, ước thu nộp ngân sách gần 670 tỉ đồng; trong đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỉ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỉ đồng (tăng gần 180 tỉ đồng so với năm 2018); giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỉ đồng.
Tuy đạt được những kết quả ban đầu, nhưng theo Tổng cục trưởng QLTT, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra rất phức tạp, với thủ đoạn tinh vi và quy mô ngày càng lớn.
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Dms |
Công tác theo dõi diễn biến thị trường, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoặc tham mưu đề xuất xử lý các vấn đề, vụ việc nổi cộm, phức tạp trên thị trường còn bị động.
Tổng cục QLTT nêu ra nhiều kiến nghị tới chính phủ. Cơ quan này mong muốn được sử dụng xe có tín hiệu, được quyền ưu tiên.
Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có cơ chế để lại số thu từ nguồn xử lý vi phạm hành chính của lực lượng để tái đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa lực lượng phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính.
Kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những cán bộ vi phạm
Trước những đề xuất này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Công Thương tổng hợp, làm việc với các cơ quan liên quan để giải quyết.
Mặc dù đánh giá cao các hoạt động chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại của lực lượng QLTT trong năm qua, nhưng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng cho rằng kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, tình trạng buôn bán hàng nhập lậu vẫn diễn ra trên diện rộng; hàng giả, hàng nhái được bày bán công khai; các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả có khắp trên mọi miền đất nước; còn tình trạng hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam, sau đó dán nhãn mác "Made in Viet Nam" rồi xuất khẩu ra nước ngoài, điều này ảnh hưởng đến thị trường và uy tín của hàng Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ công chức trong ngành quản lý thị trường thiếu trách nhiệm, tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến bị khởi tố, như trường hợp của nữ cán bộ thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng vừa bị cơ quan Công an khởi tố và bắt giam vì liên quan đến hoạt động buôn lậu qua biên giới.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng năm 2020, tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại… vẫn sẽ diễn biến phức tạp.
Ông yêu cầu Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT quán triệt nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 138, 389 quốc gia về việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.
Đồng thời xây dựng lực lượng QLTT trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những công chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà khi thực thi công vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cường Ngô