Hàng trăm hộ dân xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn nghiêm trọng.
Nhận được phản ánh của người dân, PV đã về thôn Phú Mỹ (xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để ghi nhận thực trạng đáng báo động về chất lượng nguồn nước sinh hoạt nơi đây.
Bà Lê Thị Nam (52 tuổi), trú tại thôn Phú Mỹ cho biết, nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân địa phương đang sử dụng chủ yếu là từ giếng đào, giếng khoan, tuy nhiên, tất cả đều bị nhiễm phèn rất nặng. Người dân muốn sử dụng phải đưa nước lên bể lọc để xử lý bớt.
“Bơm lên bể lọc qua, có nhà lọc 2-3 bể nhưng vẫn nhiễm phèn lắm. Ai khá giả thì mua nước bình về ăn uống, còn hầu hết đánh liều dùng nước bẩn", bà Nam nói.
Cách nhà bà Nam không xa, ông Nguyễn Toản, trú thôn Phú Mỹ đang thuê 2 công nhân hì hục đào giếng khoan. Theo ông Toản, sau 3 ngày trời làm việc, ống khoan đã đến độ sâu hơn 40m nhưng nguồn nước thì vẫn phèn nặng.
Theo chân người đàn ông này, chúng tôi mục sở thị bể lọc nước mà trước đây gia đình sử dụng. Chiếc bể lọc chừng 5m2 nhưng đóng đầy cặn bẩn, vàng ố và hôi tanh.
"Trước đây, nhà tôi bơm nước giếng lên bể lọc này để sử dụng. Nhưng thấy tình hình không ổn, tôi thuê người khoan giếng xuống sâu, tuy nhiên, đến 40m rồi mà nước vẫn bị nhiễm phèn nặng", ông Toản lo âu.
Bể lọc nước của ông Toản đóng cặn vàng ố, hôi tanh.
Ông Nguyễn Định, trú thôn Ấp Bắc, xã Đại Minh, một thợ khoan giếng lâu năm cho biết, mỗi cái giếng ở địa phương phải đào 3-5 ngày với độ sâu gần 50m. Ông Định đã đào rất nhiều giếng cho người dân. Tuy nhiên, ông Định nhìn nhận đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi giếng đào rất sâu nhưng nước vẫn còn ô nhiễm.
Trưởng thôn Phú Mỹ Võ Thanh Hiền cho biết, toàn thôn có gần 300 nhân khẩu chủ yếu làm nông nghiệp. Nguồn nước sinh hoạt của dân cũng từ nước giếng, nước khoan. “Nước ở đây độ phèn cao. Người dân sử dụng nước sinh hoạt rất bất an", ông Hiền nói.
Theo ông Hiền, trước đây, sau nhiều lần người dân kiến nghị, chính quyền xã cũng đã mời được đơn vị doanh nghiệp về đầu tư hệ thống nước sạch cho người dân nhưng không thành công. Đơn vị này sau đó đã “ôm” luôn tiền của người dân bỏ chạy.
Với mỗi chiếc giếng khoan như thế này, có độ sâu gần 50m nhưng vẫn còn phèn đục.
Chính vì vậy, mới đây, khi 1 tổ chức phi Chính phủ ngỏ ý hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống nước sạch và đề nghị góp tiền trước, nhưng người dân không đồng ý. “Hiện, chúng tôi rất mong muốn có nguồn nước sạch để sử dụng. Cũng vì nước bẩn mà nhiều người xôn xao rằng, các trường hợp đau ốm nặng hay mắc bệnh liên quan đến ung thư ở thôn là do nguồn nước”, ông Hiền nói.
Ông Phan Năm, Chủ tịch UBND xã Đại Minh chia sẻ: "Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp cao hơn, trong vấn đề hỗ trợ nguồn nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do kinh phí, chính sách nên công tác này vẫn chưa được thực hiện. Xã Đại Minh cũng mong muốn các tổ chức quan tâm, hỗ trợ chính quyền, người dân trong việc cấp nước sạch".
Điện lực cắt điện nhà người chém 4 nhân viên của mình Liên quan đến vụ việc 4 nhân viên điện lực khi kiểm tra đồng hồ điện của một hộ dân vì nghi ngờ gian lận ... |
Xã thu lại tiền hỗ trợ bão lụt của dân đóng phí rác thải Sau khi nhận tiền hỗ trợ thiên tai, các hộ dân ở xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) được cán bộ kêu gọi để ... |
Truy tìm xe tải chở 13 con bò chết bán cho dân Một chiếc xe tải trên đường từ Phú Yên về Nghệ An đã dừng lại tại Quảng Nam và bán cho người dân 13 con ... |