Do trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành riêng lẻ đang được kiểm soát chặt nên nhóm tài chính ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất trong 6 tháng năm 2022, tiếp theo mới đến nhóm bất động sản, nhóm sản xuất và các nhóm khác.
- Cần tính toán đường dài khi siết trái phiếu doanh nghiệp
- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng trưởng quá 'nóng', dễ xảy ra vấn đề
- Trái phiếu doanh nghiệp: “Quản” nhưng đừng “siết”!
Ngân hàng “soán” ngôi
Theo báo cáo thị trường trái phiếu quý 2/2022 của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong quý 2 (thị trường sơ cấp) đạt mức 111.814 tỷ đồng, giảm mạnh gần 44% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với quý liền trước thì giá trị phát hành đã tăng gần72%.
Trong quý 1/2022, mức tăng trưởng giá trị phát hành đạt tới 96%, như vậy đà tăng trưởng của quý 2 đã suy giảm đáng kể, trong đó nguyên nhân chủ yếu theo VNDirect nằm ở nhóm bất động sản.
Tổng cộng 60 doanh nghiệp đã phát hành 111.514 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong quý 2, tăng 88,5% so với quý 1 và giảm 40% so với cùng kỳ. Trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup và công ty con là VinFast là 2 doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất trong quý 2 (16.269 tỷ đồng), tiếp đến là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV13.005 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB 10.190 tỷ đồng).
Tổng giá trị phát hành ra công chúng giảm mạnh, chỉ chiếm 0,3% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong khi quý 1 là 9,1%. Đơn vị phát hành ra công chúng duy nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG với giá trị 300 tỷ đồng.
Về tỷ trọng phát hành, tài chính ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 69,3% tổng giá trị phát hành riêng lẻ trong quý 2 (tăng 773,8% so với quý 1, giảm 10,1% so với cùng kỳ). Ngoài BIDV và MB là 2 ngân hàng có giá trị phát hành lớn nhất, các tổ chức khác có giá trị phát hành lớn tiếp theo là Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng SMBC (FECredit 2.400 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên phong (550 tỷ đồng), Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (400 tỷ đồng).
Chiếm tỷ trọng lớn thứ hai là nhóm các tập đoàn đa ngành với 12,8% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý 2, tương đương 14.269 tỷ đồng (tăng gấp 10 lần cùng kỳ), trong đó phần lớn đến từ Vingroup.
Nhóm bất động sản có giá trị phát hành giảm mạnh trong bối cảnh Chính phủ thắt chặt hơn trong việc phát hành TPDN riêng lẻ thuộc nhóm ngành này, chiếm tỷ trọng thứ 3 với 11% tổng giá trị phát hành trong quý 2, tương đương giá trị 12.248 tỷ đồng. Giá trị này giảm 58,9% so với quý 1/2022 và giảm tới 78% so với cùng kỳ năm 2022.
Các doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (5.774 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (2.049 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Hội An Invest (1.000 tỷ đồng).
Luỹ kế 6 tháng, VNDirect cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã chậm lại và tương đối trầm lắng. Tổng giá trị phát hành giảm 23,7%, tương đương đạt 176.867 tỷ đồng; trong đó 170.672 tỷ đồng là phát hành riêng lẻ (giảm 19,5% so với cùng kỳ) và 6.196 tỷ đồng là phát hành ra công chúng ( giảm 68,5% so với cùng kỳ).
Gần 65.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong quý 3/2022
Theo số liệu từ VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý 3/2022 ở mức 64.696 tỷ đồng (tăng 82,7% so với quý trước, tăng 243,8% so với cùng kỳ). Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động chiếm tỷ trọng đáo hạn lớn nhất (chiếm 52% tổng giá trị đáo hạn) với gần34.000tỷ đồng.
Công ty TNHH Kinh doanh bất động sảnMediterranena Revival Villas (7.200 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Bông Sen (4.800 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Osaka Garden (3.400 tỷ đồng) là những doanh nghiệp có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý 3.
Xếp tiếp theo là nhóm tài chính ngân hàng chiếm tỷ trọng trái phiếu đáo hạn lớn với giá trị 24.036 tỷ đồng(37,2%). Các tổ chức tài chính có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý 3 thuộc về 3 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (5.000 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, 2.700 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, 2.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, các doanh nghiệp khác có giá trị đáo hạn lớn là Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico (1.250 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (600 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (600 tỷ đồng).