Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội mới đây đã phối hợp cùng 8 tỉnh lân cận và 15 huyện, thị xã rà soát quy hoạch giao thông vận tải. Qua đây nhiều khoảng trống quy hoạch đã được phát hiện, đồng thời các địa phương cũng đưa ra một số đề xuất kết nối.
- Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc xin tăng 700 tỷ do sai số liệu khảo sát
- Hà Nội vẫn loay hoay với “bài toán” chống ùn tắc giao thông
- Hà Nội sẽ làm gì để giảm tình trạng ùn tắc giao thông?
Tiến độ đầu tư không đồng bộ nên khó có thể khớp nối
Tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1259/QĐ - TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là đồ án quy hoạch lớn nhất có tính chất chi phối đối với mọi quy hoạch khác của Hà Nội, trong đó Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 (Quy hoạch 519) là các nội dung liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải.
Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, sau nhiều năm thực hiện, Quy hoạch 519 xuất hiện hàng loạt “khoảng trống” cần phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hiện nay. Nhiều chỉ tiêu thực hiện chưa đáp ứng được so với yêu cầu của quy hoạch. Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội cũng chưa tính đến khả năng liên thông, nối dài đến các tỉnh lân cận; mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài và quy hoạch sân bay thứ hai Vùng Thủ đô phải bảo đảm tính liên kết vùng...
Nguyên nhân được lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội chỉ ra do quy hoạch giao thông vận tải của các địa phương khác nhau, chưa có tính liên thông; tiến độ đầu tư không đồng bộ nên khó có thể khớp nối, dẫn đến hạn chế năng lực lưu thông, dồn phần lớn áp lực lên các trục chính, gây ùn tắc và quá tải hạ tầng. Từ đây, ông Nguyễn Phi Thường đề xuất, cần phải tổ chức rà soát, làm rõ những vấn đề bất cập trong liên kết vùng, kịp thời đề xuất điều chỉnh những bất cập nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho mỗi địa phương cũng như toàn vùng.
Tới đây, Hà Nội sẽ đề xuất các định hướng lớn về GTVT để đưa vào Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo tiến độ, tháng 10/2023, Sở GTVT Hà Nội phải tổng hợp, đề xuất báo cáo UBND thành phố để đưa ra các định hướng lớn về lĩnh vực GTVT vào đồ án Quy hoạch chung xây dựng điều chỉnh.
Hà Nội sẽ cần phải nghiên cứu đến cả Vành đai 6
Là một trong những tỉnh có ý kiến đầu tiên, đại diện Sở GTVT Bắc Ninh thông tin, hiện tỉnh đang lập hồ sơ quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2023. Địa phương này đề nghị Hà Nội cùng rà soát, lập, điều chỉnh hệ thống quy hoạch để từng bước đầu tư, kết nối các tuyến đường giữa hai địa phương. Quy hoạch hoàn chỉnh các nút giao liên thông và hoàn chỉnh đường gom của các tuyến quốc lộ 1A, 3, 18; bổ sung quy hoạch các tuyến đường kết nối một số huyện của Bắc Ninh với Hà Nội; bổ sung quy hoạch đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị theo các trục liên kết khu vực Ngọc Hồi - Yên Viên - Từ Sơn - Bắc Ninh…
Tương tự, ông Nguyễn Quang Khải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hưng Yên cũng góp ý: Hà Nội và Hưng Yên có ranh giới khoảng 54km. Để tăng khả năng kết nối, tỉnh Hưng Yên đề xuất nối đường tỉnh 379B qua cầu Khuyến Lương để kết nối với đường Nguyễn Tam Trinh của Hà Nội. Điều chỉnh hướng tuyến Tây Bắc - quốc lộ 5 về phía Nam đi theo quốc lộ 38A kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại vị trí cách nút giao Yên Mỹ khoảng 9,5km… Hà Nội và Hưng Yên cùng chung dòng sông Hồng nên có lợi thế rất lớn để khai thác mặt nước, có thể phát triển một số cảng nhằm phát triển du lịch và vận tải thủy nội địa.
Với tư cách là đơn vị tư vấn, sau khi tiếp thu kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Tổng giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn cũng nêu lên một số vấn đề cần xem xét cho tương lai của mạng lưới giao thông, vận tải Thủ đô. Cụ thể, trước đây Hà Nội chỉ quy hoạch đến Vành đai 5, nhưng với nhu cầu kết nối cao, tốc độ phát triển đô thị nhanh như hiện nay, đặc biệt là khi hình thành các thành phố trực thuộc, đô thị vệ tinh, Hà Nội sẽ cần phải nghiên cứu đến cả Vành đai 6.
Nhiều trục đường trước đây không có quy hoạch đường sắt đô thị nhưng hiện đã trở thành trục chính, mật độ giao thông rất lớn, ví dụ như đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, có thể nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt đô thị kết nối đến tỉnh Hòa Bình. “Việc rà soát này không chỉ thuần túy giữa các địa phương kết nối với Hà Nội mà còn là sự kết nối giữa các địa phương với nhau. Nhu cầu là chính đáng nhưng khi đề xuất đưa vào quy hoạch dù được hay không đều phải làm rõ tính khả thi”, ông Phạm Hữu Sơn nói.
Được biết, mới đây UBND TP Hà Nội kiến nghị phê duyệt chủ trương đầu tư cho 49 dự án, gồm 2 dự án nhóm A, 39 dự án nhóm B và 8 dự án nhóm C, với tổng mức đầu tư dự kiến 30.901 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh thuộc nhóm A, với tổng mức đầu tư 4.988 tỷ đồng. Về nguồn vốn, UBND thành phố cho biết, vốn đầu tư dự án sẽ được sử dụng từ hai nguồn ngân sách, trong đó, ngân sách thành phố là 2.711 tỷ đồng và ngân sách huyện Đông Anh là 2.277 tỷ đồng.
Đề xuất xây cầu vượt cho người đi bộ qua đường Trịnh Văn Bô
Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ qua đường Trịnh Văn Bô. Theo Sở GTVT Hà Nội, đường Trịnh Văn Bô khu vực cổng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic có mặt cắt ngang 49m, được tổ chức giao thông 2 chiều có dải phân cách cứng, tuyến đường đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch. Đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, lượng sinh viên đi bộ qua đường lớn, đặc biệt tại khu vực cổng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic; thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, đã có người tử vong. Từ đây, Sở GTVT đề nghị UBND thành phố xem xét, chấp thuận giao UBND quận Nam Từ Liêm lập đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.
Được biết, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng bốn cầu vượt cho người đi bộ: Qua đường Lê Đức Thọ (ngõ 63), quận Nam Từ Liêm; qua đường Nguyễn Khánh Toàn 2, quận Cầu Giấy; qua đường Trần Hữu Dực (ngõ 6), Nam Từ Liêm; qua đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy) bằng nguồn ngân sách của thành phố.