Trong các quy hoạch lớn của Thủ đô Hà Nội đang được nghiên cứu, sông Hồng trở thành trục không gian kết nối văn hóa, nghệ thuật sáng tạo, cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho kinh tế đô thị. Sự chuyển mình của sông Hồng sẽ là điểm nhấn, hình ảnh tiêu biểu cho sự phát triển của Hà Nội.
- Đề xuất làm rõ hơn nữa về quy hoạch, phát triển hai bờ sông Hồng
- Kỳ tích sông Hồng - đừng chỉ đẹp trên giấy
Hướng đến là biểu tượng mới
Kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, quy hoạch Hà Nội, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) - đại diện đơn vị tư vấn lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thông tin, sông Hồng - với vai trò mới, hướng đến là biểu tượng của Thủ đô sẽ được phát triển với 5 định hướng chính. Con sông sẽ trở thành hành lang xanh, không gian văn hóa, giao tiếp xã hội, nghệ thuật sáng tạo; không gian trung tâm kinh doanh, thương mại, sản xuất, công nghệ hiện đại và kết nối hạ tầng xanh, xám (TOD).
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND thành phố Hà Nội lập Đề án xây dựng không gian sáng tạo, trung tâm công nghiệp văn hóa hai bên sông Hồng trong giai đoạn 2024-2026. Do đó, định hướng phát triển trục không gian văn hóa sông Hồng là bước cụ thể hóa định hướng nêu trên, xác định văn hóa trở thành nguồn lực phát triển mới của Thủ đô.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng cho biết, đồ án quy hoạch hướng tới thiết lập các không gian văn hóa mới, khai thác tiềm năng không gian văn hóa sẵn có, chuyển các di sản văn hóa trở thành nơi phát triển kết hợp với du lịch.
“Trục cảnh quan văn hóa, du lịch sông Hồng sẽ được phát triển thành con đường di sản, nơi diễn ra các lễ hội, quy tụ tinh hoa, hình ảnh kết tinh tiêu biểu của các tỉnh, thành phố trên cả nước về với Thủ đô”, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, sông Hồng được định hướng là một yếu tố quan trọng hỗ trợ cho kinh tế đô thị bằng cách cung cấp giao thông thủy và các khu vực kết nối 2 bên bờ sông. Trong tương lai, hai bên sông là khu vực hình thành các tổ hợp thương mại, dịch vụ hiện đại với kiến trúc độc đáo, ấn tượng, thu hút cộng đồng và góp phần tạo dựng hình ảnh thành phố hai bên sông.
Thêm nhiều khả năng kết nối, tiếp cận
Vai trò mới của sông Hồng với Thủ đô Hà Nội đã và đang được hoạch định trên nhiều khía cạnh, trong đó có khả năng tiếp cận. Phương tiện tiếp cận đến không gian này sẽ là giao thông xanh, đi bộ, kết nối với cây xanh và gia tăng kết nối xuyên suốt hai bên sông.
Các đơn vị tư vấn lập các đồ án quy hoạch đề xuất tăng kết nối hai bên sông Hồng bằng nhiều dự án xây dựng cầu. Trong đó, tiếp thu đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học qua các lần lấy ý kiến hoàn thiện các đồ án, phương án xây dựng cầu đòi hỏi có thiết kế mang dấu ấn riêng biệt. Sự khác biệt về kiến trúc cảnh quan ở mỗi lối vào các không gian đô thị vừa tạo nên vẻ đẹp đa dạng, vừa nhấn mạnh đặc trưng hình thái của các không gian đô thị Hà Nội.
Về yêu cầu kết nối, hạ tầng giao thông tiếp cận được xây dựng gồm giao thông dọc sông, cầu qua sông, tuyến đường thủy dọc sông... gắn với các giải pháp bảo đảm hành lang thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn. Những tổ hợp kiến trúc điểm nhấn dọc sông Hồng được phát triển đồng thời với kiểm soát chặt sự chuyển đổi các khu vực hiện hữu.
Hệ thống đường bộ trong các định hướng quy hoạch sẽ theo hướng mở rộng mặt cắt, nâng cấp hạng đường các tuyến đường đê hai bên sông thành 4-6 làn xe; xây dựng 2 tuyến đường trục chính đô thị quy mô 6-8 làn xe kết nối giao thông dọc sông Hồng. Ngoài ra, sẽ hình thành tuyến monorail (tàu điện 1 ray) hỗ trợ kết nối dọc trục sông tại một số khu vực tập trung nhiều chức năng hoạt động để phục vụ nhu cầu du lịch và trải nghiệm cho người dân.
“Hệ thống giao thông các khu đô thị mới, khu du lịch giải trí dọc sông Hồng phải được liên kết tốt với các trục đường chính đô thị cũng như khu dân cư hiện hữu”, kiến trúc sư Lê Hoàng Phương nêu yêu cầu.
Với việc tăng nhiều phương án tiếp cận, tối đa hóa khả năng kết nối, người dân có thể dễ dàng đến với không gian mặt nước và công viên ven sông có gắn với các dãy phố dịch vụ đa dạng. Các đơn vị tư vấn kỳ vọng các khu vực ven sông này có thể thực sự trở thành trung tâm, điểm đến giao lưu quan trọng, góp phần to lớn vào sức hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.
https://hanoimoi.vn/quy-hoach-song-hong-diem-nhan-cho-su-phat-trien-cua-thu-do-647086.html