Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận xét như vậy tại buổi làm việc ngày 20.10...

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sắt thép gặp không ít thủ tục phiền hà

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận xét như vậy tại buổi làm việc ngày 20.10 giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ KH-CN về kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ bộ này được Chính phủ, Thủ tướng giao, cũng như công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, tính đến ngày 10.10, bộ này được giao 403 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 245 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ nào quá hạn và đang thực hiện 158 nhiệm vụ trong thời hạn.

Bộ cũng đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) nhập khẩu. “Các giải pháp của Bộ KH-CN đưa ra đã giảm thời gian thông quan, giảm chi phí lưu kho, bãi, giảm thời gian chờ đợi kết quả đánh giá sự phù hợp. Cụ thể, giảm 114 loại sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu và cho rằng nhờ áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với 91% nhóm sản phẩm hàng do Bộ quản lý đã giảm 96% số lô hàng nhập phải kiểm tra trước thông quan.

Hàng do G7 sản xuất... không đạt tiêu chuẩn tại VN

Trong khi đó, đại diện các DN và hiệp hội chỉ ra rằng vẫn còn nhiều thủ tục nhiêu khê. Dẫn chứng từ lĩnh vực sản xuất lắp ráp và nhập khẩu ô tô, ông Đoàn Trần Thái, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô (VAMA), cho biết nhiều xe và linh kiện đã được thử nghiệm, chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài nhưng không được cơ quan quản lý chuyên ngành chấp nhận, các DN cần phải thử nghiệm lại một lần nữa ở VN dẫn tới mất thời gian, tốn kém.

Ông Thái kiến nghị Chính phủ thừa nhận những chứng nhận và báo cáo thử nghiệm cấp bởi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài mà không cần phải thử nghiệm lại. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hài hòa với quốc tế, tránh đưa ra các quy định riêng chỉ VN mới có.

Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhận xét việc giữ độc quyền nhà nước với hoạt động kiểm tra, kiểm định, xác nhận chất lượng hàng hóa đang tạo nên chi phí lớn, nhưng hiệu quả không cao, tạo ra nhũng nhiễu, tiêu cực. Ông Tuấn dẫn chứng: Có DN trong ngành thép phải mất 24 giờ mới xin được công văn từ Tổng cục Đo lường chất lượng, hàng về phải chờ kiểm định đến 10 ngày.

Tính ra phải mất gần nửa tháng mới hoàn thiện hết các thủ tục lô hàng. Có những DN nhập hàng ở trong miền Nam phải chở hàng ra miền Bắc để làm thủ tục kiểm tra, kiểm định, rất tốn kém và hình thức.

Đáng chú ý, theo ông Tuấn, có những hãng cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu, hàng sản xuất từ những nước G7, mà đưa sang VN lại… không đạt tiêu chuẩn. Ông Tuấn đề nghị Bộ KH-CN và các cơ quan liên quan áp dụng cách thức tương tự Đài Loan, quy định hàng hóa đến từ những nước có trình độ phát triển cao, nếu có chứng nhận tiêu chuẩn ở đó thì đưa vào VN không cần kiểm tra.

Sớm công bố bộ quy chuẩn quốc gia đối với hàng hóa

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng việc kiểm tra hiện nay là hình thức, dẫn đến khi tiêu thụ sản phẩm, người tiêu dùng phải chịu khổ, chịu thiệt. “Bộ KH-CN phải phối hợp với các bộ ra được bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia thật tốt, buộc các DN phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Quy chuẩn, tiêu chuẩn đó phải thống nhất, công khai, minh bạch, hướng tới phù hợp với quốc tế”, ông Thiên đề nghị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa nhận trong thực tiễn, việc không công bố quy chuẩn quốc gia tạo áp lực rất lớn và làm tăng chi phí cho DN. Tính trung bình một năm, các DN phải mất 30 triệu ngày công và chi phí gần 15.000 tỉ đồng cho kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện có gần 100.000 mặt hàng phải kiểm tra khi thông quan, con số rất lớn, kiểm tra rất nhiều, nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm rất ít, chỉ khoảng 0,06%.

“Số mặt hàng chịu sự kiểm tra của 2 - 3 bộ lên tới 58% tổng số mặt hàng. Đi kiểm tra thử mới thấy kiểm tra chuyên ngành cực khó. Thủ tục kiểm tra phức tạp như “rừng rậm” không lối ra”, ông Dũng nhận xét.

Từ thực tế trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lưu ý vấn đề rất quan trọng hiện nay là công bố được bộ quy chuẩn quốc gia đối với hàng hóa, và yêu cầu Bộ KH-CN là cơ quan chủ trì phải “thúc” các bộ công bố quy chuẩn. “Nếu không công bố quy chuẩn, sẽ tạo sự mập mờ, trong hàng hóa thông quan, khó khăn cho DN, khó cho công tác kiểm tra, nhất là những hàng hóa thử nghiệm, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến, vấn đề công nghệ... Sản phẩm các nước G7 mà không đạt chuẩn của VN thì đúng là buồn cười”, ông Dũng nói.

Kiểm tra chuyên ngành như rừng rậm không lối ra

“Đi kiểm tra thử một buổi mới thấy kiểm tra chuyên ngành cực khó, bước vào lãnh địa đó như một mớ rừng rậm không ...

Gánh nặng kiểm tra

Hiện doanh nghiệp đang gánh một khoản chi phí rất lớn, nhưng tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành để thông quan phát hiện rất thấp, ...

Tăng cường cải cách kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tăng cường thực ...

Sản xuất thanh chocolate cần… 13 giấy phép

Để sản xuất mặt hàng chocolate cần 13 giấy phép; một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải theo 4 văn bản của ...

(http://thanhnien.vn/kinh-doanh/rung-ram-kiem-tra-chuyen-nganh-892234.html)

/ Theo Thu Hằng/VietNamnet.vn