“Chúng ta đang bước vào nền Công nghiệp 4.0 và sân khấu không thể đứng ngoài. Thậm chí, sân khấu phải đổi mới tư duy, thực hiện tính tiên phong, có tiếng nói phản biện, tính dự báo, dẫn dắt khán giả theo kịp thời đại”, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định. Nhưng làm thế nào trước sự thúc giục đổi mới sân khấu từ cuộc sống ấy - có lẽ nên mổ xẻ từ hoạt động của các đơn vị nghệ thuật.
Đoàn kịch LucTeam là điển hình cho sự đổi mới sân khấu hiện nay.
Tiếp cận khán giả bằng công nghệ số
Trước câu hỏi về việc đổi mới sân khấu trong thời kỳ mới, đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc thẳng thắn nhìn nhận: “Sân khấu của ta những năm gần đây đang khủng hoảng khán giả ở cả hai hình thức hoạt động công lập và tư nhân”. Theo lý giải của ông, đó là do các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ sân khấu bước vào thời kỳ mới với lối tư duy cũ, chưa theo kịp đà phát triển của đời sống, ít hiểu biết về thị trường, bị lép vế trước các hình thức giải trí, nghe nhìn công nghệ cao.
Ở một góc nhìn khác, nhà viết kịch Lê Quý Hiền đánh giá, sân khấu hiện nay vẫn có nhiều tác phẩm hay, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Các kỳ cuộc sân khấu lớn như Liên hoan Sân khấu Thủ đô, Liên hoan Các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ, Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế hay các cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp đều thu hút và thỏa mãn khán giả về chất lượng. Nhiều điểm diễn còn phải kê thêm ghế phụ để đáp ứng nhu cầu của người xem. “Sân khấu chưa thành tụ điểm giải trí của khán giả là do khâu quảng bá kém”, nhà viết kịch Lê Quý Hiền khẳng định. Lâu nay, các nhà hát mới chỉ xác định đầu tư vở diễn từ khâu kịch bản đến khi dàn dựng xong và tổng duyệt, ít nhà hát tính đến kinh phí quảng bá, giới thiệu, đón tiếp khán giả...
NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, trong thời đại Công nghiệp 4.0 với nhiều thiết bị nghe nhìn hỗ trợ thì sân khấu cũng cần tiếp cận khán giả bằng công nghệ số. Một số nhà hát đã thay đổi tích cực, tiếp cận khán giả bằng việc giới thiệu thông tin về buổi diễn, vở diễn trên website hoặc trang Facebook chính thức của mình. Nhưng nhiều trang chỉ đưa ra thông tin sơ sài, không cập nhật thông tin thường xuyên. Chỉ các nhà hát, sân khấu tư nhân là có những chuyển động tích cực trong vấn đề này. Vở “Ionah” của Nhà hát Star Galaxy, vở “Tứ phủ” của Nhà hát Việt, vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” của Công ty Tuần Châu Hà Nội… không chỉ đầu tư về nội dung mà đã tìm cách tiếp cận khán giả tốt qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng thông tin giải trí. Trang web chính thức hay trang Facebook của các chương trình này thường xuyên được làm mới, cập nhật giá vé, khuyến mại, những đêm diễn đặc biệt… để khán giả theo dõi.
Một hình thức hỗ trợ rất phát triển hiện nay có thể áp dụng trong hoạt động sân khấu là tạo điều kiện để tương tác giữa khán giả và người làm sân khấu thông qua công nghệ kết nối số. Với mỗi vé xem sân khấu, khán giả sẽ được cung cấp một mã số điện tử. Chỉ cần dùng thiết bị thông minh như điện thoại hay máy tính bảng soi vào mã đó thì khán giả có thể được cung cấp thông tin đầy đủ về tác phẩm, tương tác với các thành phần sáng tạo, nhận xét, góp ý để tác phẩm tốt hơn. “Khi vai trò của khán giả được coi trọng, họ sẽ không bao giờ bỏ rơi sân khấu”, nhà viết kịch Lê Quý Hiền nhận định.
Tạo tác phẩm đi cùng thời cuộc
Tuy nhiên, việc tiếp cận khán giả chỉ là một phần, chất lượng tác phẩm mới là điều quyết định sức sống của sân khấu trong thời đại ngày nay. NSƯT Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, trong thời đại mới, những người làm sân khấu đương đại nước ta muốn có tác phẩm xứng tầm phải thay đổi cách cảm, cách nghĩ, cách phản biện, phải phản ánh hiện thực một cách sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm, thanh xuân hóa sân khấu. Đồng tình với quan điểm đó, NSND Lê Khanh chia sẻ: “Mỗi năm thêm một tuổi nghề tôi lại cảm thấy không còn ranh giới giữa sân khấu và cuộc sống. Sân khấu phải là hình thức nghệ thuật song hành cùng thời cuộc, bớt đi lý thuyết sáo rỗng, cho khán giả thấy sự đồng cảm, cùng chí hướng. Để tạo nên những tác phẩm như thế, nghệ sĩ phải yêu nghề, hiểu đời, yêu đời, dám “phá” những rào cản cũ kỹ và sử dụng cái cũ - cái mới đan xen một cách nhuần nhị”.
Thực ra, sân khấu hiện nay không thiếu những người khao khát đổi mới. NSƯT Trần Lực với Đoàn kịch tư nhân LucTeam gồm toàn bộ các sinh viên sân khấu mới ra trường, đã tạo một sự đột phá cho sân khấu kịch khi dựng “Quẫn”, “Cơn ghen của Lọ Lem” đưa cả hip hop, xiếc vào các vở diễn mà vẫn toát lên “hồn” Việt qua phong cách hiện thực ước lệ. Nhà hát Tuổi trẻ với loạt vở diễn mà khán giả luôn là một phần trong tác phẩm, được can thiệp, tương tác với nghệ sĩ khi xem vở. Nhà hát Cải lương Hà Nội mạnh dạn kết hợp sân khấu và điện ảnh để đem lại hình thức giải trí phong phú hơn cho khán giả…
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền cũng nhận xét, qua một thời gian phân chia giữa sân khấu phía Bắc chuyên về chính kịch với những đề tài nghiêm túc, đậm triết lý, nhân văn, còn sân khấu phía Nam hướng đến nhu cầu giải trí với những vở diễn thiên về đề tài ma, hài, kinh dị, thì hiện nay, khoảng cách đã được kéo dần lại.
Đó là những thuận lợi để sân khấu nước ta tìm được hướng đi chung cho sự đổi mới. Từ một người, một vài người, một vài sân khấu, sự thay đổi sẽ lan tỏa mạnh mẽ, kéo sân khấu phát triển.
Công diễn kịch "Con ma nhà họ Hứa" Sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa công diễn vở kịch "Con ma nhà họ Hứa" (tác giả: Hoàng Mẫn, Hoàng Thái Thanh; đạo diễn: Quốc ... |
Nghệ sĩ Vượng Râu: "Dưới ánh đèn sân khấu luôn có những góc tối" Dù đang đảm nhiệm vai trò đạo diễn, nhà sản xuất nhưng khi vào vai phụ, đạo diễn Nguyễn Công Vượng cho biết, trong nghề, ... |
Xót xa cảnh đời nghệ sĩ cải lương bán vé số mưu sinh ở tuổi 86 Nghệ sĩ Phi Hùng từng là kép chánh của sân khấu Kim Chưởng - một đoàn hát lừng lẫy của cải lương miền Nam nhưng ... |