Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đã đề xuất quy định, người mua nhà ở xã hội không cần phải có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên tại nơi có nhà ở xã hội.
- Nhiều kỳ vọng khi nhà ở xã hội được “mở cửa”
- Đề xuất dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
- Tập trung gỡ khó cho nhà ở xã hội
Theo Luật Nhà ở 2014, điều kiện để được hỗ trợ giải quyết mua nhà ở xã hội hiện nay gồm:
Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập.
Hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực;
Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội (trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên);
Thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định về thuế thu nhập cá nhân đối với các đối tượng: Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ… trong CAND và QĐND;
Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
Như vậy, theo quy định hiện hành, điều kiện để được hỗ trợ giải quyết mua nhà ở xã hội cần phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội. Nếu không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên.
Theo quy định hiện hành, điều kiện mua nhà ở xã hội là cần phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở xã hội |
Song, tại Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, đơn vị soạn thảo đã đề xuất quy định mới về điều kiện được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội. Đó là, trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội phải đảm bảo các điều kiện:
Điều kiện về nhà ở: Chưa có nhà ở, đất ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu theo quy định;
Điều kiện về thu nhập: Các đối tượng là người thu nhập thấp; công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân;
Các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ; các đối tượng là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc diện được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở thì không phải đáp ứng điều kiện về thu nhập.
Như vậy, theo Dự thảo Nghị quyết, người mua nhà ở xã hội không cần phải có đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội.