Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 139/2018 và Nghị định 30/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc bổ sung quy đinh mới, chi tiết hơn là nhằm siết quy định chặt hơn trong việc thành lập trung tâm đăng kiểm (TTĐK) mới, đồng thời ngăn cạnh tranh không lành mạnh.

3.jpg -0
Hoạt động kiểm định xe ôtô tại một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Ảnh minh họa: CTV.

Một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo là việc quy định chi tiết nội dung tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thay vì chung chung như hiện nay. Theo đó, tập huấn lý thuyết phải bao gồm các nội dung: Tổng quan lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định xe cơ giới; đạo đức nghề nghiệp; kỹ năng giao tiếp; quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác kiểm định… Học viên sau khi được cấp giấy xác nhận hoàn thành chương trình tập huấn lý thuyết nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới, trong thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy xác nhận phải liên hệ và tiến hành thực hành kiểm định xe cơ giới tại đơn vị đăng kiểm.

Cùng đó, dự thảo thông tư bổ sung thêm quy định: Học viên phải lập báo cáo thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới; đơn vị đăng kiểm hướng dẫn thực tập căn cứ báo cáo thực tập để xác nhận văn bản thực tập cho học viên. Đáng chú ý, dự thảo đề xuất quy định rõ số lượng xe thực hành trên dây chuyền đối với mỗi học viên.

Cụ thể, học viên có thời gian thực tập 12 tháng, thực hành tối thiểu 400 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau (có thể thực tập nhiều công đoạn trên một xe), trong đó mỗi công đoạn thực tập tối thiểu 100 xe tải, 100 xe khách. Riêng việc lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 400 xe. Học viên có thời gian thực tập 6 tháng, thực tập tối thiểu 200 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau (có thể thực tập nhiều công đoạn trên một xe), trong đó mỗi công đoạn thực tập tối thiểu 50 xe tải, 50 xe khách. Riêng việc lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 200 xe.

Đối với học viên có thời gian thực tập 3 tháng phải thực hành tối thiểu 100 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau (có thể thực tập nhiều công đoạn trên một xe), trong đó mỗi công đoạn thực tập tối thiểu 25 xe tải, 25 xe khách. Riêng việc lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 100 xe. Người hướng dẫn thực tập phải là đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao hoặc đăng kiểm viên xe cơ giới có kinh nghiệm tối thiểu 36 tháng…

Ông Trần Quốc Hoan, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm 2903V cho biết,  dự thảo Thông tư quy định rõ các đơn vị kinh doanh vận tải, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và phải đáp ứng điều kiện về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP là tạo cơ sở cho các đơn vị này triển khai thực hiện nếu có nhu cầu.

4.jpg -0
Dự kiến tới đây, giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đang lưu hành sẽ tăng từ 26-28%.

Còn theo lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) 2908D (Hà Nội), thực tế tại văn bản hướng dẫn thực hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam gửi các TTĐK trước đây mới chỉ quy định học viên tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên 12 tháng với khối lượng thực hành kiểm định tối thiểu 400 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau. Song ở dự thảo Thông tư đã bổ sung thêm nội dung tập huấn dành cho học viên có thời gian thực tập 6 tháng, 3 tháng nhằm rút ngắn thời gian thực tập đối với các học viên đã có kinh nghiệm.

Việc bổ sung quy định này là cần thiết, phù hợp với quy định tại Nghị định 30/2023, đồng thời, giúp lĩnh vực đăng kiểm sớm có được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu kiểm định xe cơ giới của người dân và doanh nghiệp. Việc phân cấp cấp phép hoạt động TTĐK về địa phương cũng phù hợp bởi địa phương là cơ quan nắm rõ nhất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương, số lượng phương tiện trên địa bàn và nhu cầu kiểm định xe của người dân. Từ đó, xem xét cấp phép hay không đối với các đơn vị có nhu cầu thành lập TTĐK mới, tránh tình trạng mở tràn lan, dẫn đến cung vượt cầu gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Báo cáo Thủ tướng phương án giá dịch vụ kiểm định trong tháng 10

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài chính, Tư pháp về việc điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Văn bản nêu rõ, dựa trên báo cáo của Bộ GTVT về việc điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình việc điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Thủ tướng trong tháng 10/2023.

Trước đó, đầu tháng 7/2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải trình Bộ Tài chính điều chỉnh tăng mức thu giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đang lưu hành, với mức tăng từ 26-28%. Cụ thể, mức giá dịch vụ đăng kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất như sau: Xe ôtô dưới 10 chỗ ngồi: 320.000 đồng/lần đăng kiểm (tăng 70.000 đồng/lần so với hiện hành); xe từ 10-24 chỗ ngồi và xe tải dưới 2 tấn: 370.000 đồng/lần (tăng 80.000 đồng); xe từ 25-40 chỗ ngồi, xe tải 2-7 tấn: 420.000 đồng/lần (tăng 90.000 đồng); xe trên 40 chỗ, xe buýt, xe tải từ 7-20 tấn, đầu kéo dưới 2 tấn: 460.000 đồng/lần (tăng 100.000 đồng); máy kéo, xe chở hàng 4 bánh gắn động cơ: 240.000 đồng/lần; xe tải và đầu kéo trên 20 tấn là 730.000 đồng/lần (tăng 160.000 đồng).

https://cand.com.vn/Xa-hoi/siet-quy-dinh-lap-moi-trung-tam-dang-kiem-i712087/

Đặng Nhật / cand.com.vn