Siêu lừa đảo bị bắt vì giả danh đại sứ quán của các nước ít được biết tới, nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân với chiêu trò hứa hẹn công việc và hợp đồng hấp dẫn.
Harshvardhan Jain, 47 tuổi, sinh sống tại thành phố Ghaziabad, Ấn Độ vừa bị cảnh sát bắt giữ với nhiều cáo buộc vì tội danh giả mạo đại sứ quán. Bên cạnh đó, Jain còn tự nhận là đại sứ của những quốc gia ít người biết đến như Seborga hay Westarctica để lừa đảo hàng chục cá nhân và doanh nghiệp.
Bằng cách giả danh đại sứ, Jain hứa hẹn cơ hội việc làm và các hợp đồng kinh doanh béo bở. Người bị hại đã giao khoản tiền không hề nhỏ cho Jain để có thể tiếp cận những chiếc "bánh vẽ" này.
Jain dựng lên đại sứ quán giả bằng cách thuê căn biệt thự sang trọng, nằm trong khu dân cư cao cấp Kavi Nagar. Tại đây, Jain đóng vai một nhà ngoại giao giàu có và sở hữu quan hệ rộng rãi.
Siêu lừa còn sử dụng các loại giấy tờ giả, biển số xe ngoại giao giả và những đầu mối liên hệ nước ngoài tưởng tượng để tạo niềm tin cho các nạn nhân.

Siêu lừa đảo Jain dựng lên các đại sứ quán giả tại khu căn hộ cao cấp để tạo lòng tin cho các nạn nhân.
Jain bị lực lượng đặc nhiệm (STF) của cảnh sát bang Uttar Pradesh bắt giữ sau khi nơi ở bị khám xét. Lực lượng chức năng thu giữ 4 chiếc ô tô gắn biển ngoại giao giả, hộ chiếu ngoại giao giả của 12 quốc gia, 34 con dấu giả của các quốc gia khác nhau, tiền mặt trị giá 4,4 triệu rupee (tương đương khoảng 1,3 tỷ đồng) và bộ sưu tập đồng hồ xa xỉ.
Theo thông tin từ giới chức địa phương, Jain treo cờ của những quốc gia như Ladonia, Westarctica và Seborga ngay trước biệt thự thuê của mình, nhằm tạo cảm giác “chính thống” với những người không am hiểu địa lý quốc tế. Hắn còn đỗ những chiếc xe hơi sang trọng ngay trước cổng để tăng thêm vẻ bề thế, khiến nhiều người lầm tưởng đang làm việc với cơ quan ngoại giao thực.
Theo sĩ quan cao cấp Sushil Ghule thuộc Lực lượng đặc nhiệm bang Uttar Pradesh, Jain còn bị nghi ngờ rửa tiền thông qua hàng loạt công ty bình phong đặt tại nhiều quốc gia như Vương quốc Anh, Mauritius, Dubai và một số nước châu Phi.
Đây không phải là lần đầu thế giới ghi nhận một "đại sứ quán ma". Cách đây vài năm, từng có một "đại sứ quán Mỹ giả" ở Ghana hoạt động liên tục suốt một thập kỷ trước khi bị phát hiện và đóng cửa.