Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội cho biết, lãnh đạo Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) cần rút kinh nghiệm khi chưa tuyên truyền sâu rộng, hơi vội vàng, dẫn đến việc phụ huynh học sinh chưa đồng tình với một số chủ trương của trường.
Cần tách biệt khoản thu và tiền tài trợ
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Quý - Phó trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GDĐT Hà Nội - với phóng viên, liên quan đến loạt bài trên Lao Động phản ánh về việc bắt đầu từ năm học 2017-2018, phụ huynh học sinh khiếm thị tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu phải đóng thêm nhiều khoản thu mà từ trước đến nay chưa bao giờ phải đóng, như tiền bán trú, tiền nội trú, học phí đối với THCS.
Ông Quý cho biết, trong đề xuất Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu gửi lên xin ý kiến, Sở nhận thấy các khoản thu này theo đúng quy định của UBND TP nên đã đồng ý.
Cơ sở nào để Sở GDĐT Hà Nội đồng ý với chủ trương tăng các khoản thu với học sinh khiếm thị của Trường Nguyễn Đình Chiểu?, phóng viên đặt câu hỏi. Trước khi trả lời câu hỏi này, ông Quý nêu quan điểm: “Học sinh khuyết tật là đối tượng đặc biệt, cần sự quan tâm, giúp đỡ chăm sóc ưu tiên tốt nhất. Đây cũng là chủ trương chung, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành đối với học sinh khuyết tật, trong đó có học sinh khiếm thị”.
Ông nói tiếp: “Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 của Chính phủ và Quyết định 51 của UBND TP.Hà Nội, đối tượng không phải đóng học phí là học sinh tiểu học, còn đối tượng được miễn là hộ nghèo và cận nghèo. Không có nội dung nào nói rằng học sinh khiếm thị được miễn, giảm học phí. Nhà trường có báo cáo, đề xuất, chúng tôi thấy đúng theo quy định nên đã phê duyệt”.
Khi phóng viên viện dẫn Điều 27 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về giáo dục đối với người khuyết tật có nêu rất rõ: Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng…, được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập…, ông Quý vẫn khẳng định, bắt đầu từ năm học này, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu thu học phí của học sinh khiếm thị khối THCS là đúng quy định.
Chẳng lẽ năm nay nhà trường thực hiện đúng, còn các năm trước không thu bất cứ khoản nào của học sinh khiếm thị là sai quy định? phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi. Ông Quý không trả lời thẳng vào câu hỏi này mà cho biết: “Sở GDĐT Hà Nội đã lập tổ công tác xuống làm việc với trường để nắm vấn đề mà báo chí đưa ra. Trường có lý giải là, thời gian gần đây, các nguồn viện trợ dần dần không còn nên trường phải thực hiện các khoản thu theo quy định”.
Trước đó, trả lời Lao Động về vấn đề này, bà Phạm Thị Kim Nga – Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cũng nói, do tiền ủng hộ của các "Mạnh Thường Quân" năm nay ít hơn mọi năm, nên nhà trường đã tăng các khoản thu với trẻ khiếm thị. Tất cả các khoản tiền ủng hộ, thu-chi đều có giấy tờ, được trường báo cáo với cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi với đại diện Sở GDĐT Hà Nội về trách nhiệm giám sát của Sở liên quan đến hoạt động thu-chi tiền từ thiện của Trường Nguyễn Đình Chiểu, ông Quý cho biết: Trường có trách nhiệm báo cáo các khoản thu trong ngân sách, còn tiền tài trợ của "Mạnh Thường Quân", chúng tôi vẫn chỉ đạo nhà trường phải hướng dẫn họ tài trợ trực tiếp đến từng cháu, để tránh việc tiền này nhập vào quỹ trường, chi tiêu cho mục đích khác.
Ông Quý cũng khẳng định, nếu "Mạnh Thường Quân" tài trợ với mục đích này, nhưng nhà trường sử dụng sang mục đích khác, không thông báo với nhà tài trợ là hoàn toàn sai.
“Qua thông tin báo chí phản ánh, Sở GDĐT Hà Nội đã yêu cầu nhà trường tách biệt khoản thu và tiền tài trợ, công khai và báo cáo đầy đủ, tránh để xảy ra thắc mắc, khiếu kiện” - ông Nguyễn Văn Quý nói thêm.
Cần họp lại với phụ huynh học sinh khiếm thị
Về việc bắt đầu từ năm học này Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu tăng tiền ăn của học sinh khiếm thị, ông Quý nêu quan điểm: “Sở GDĐT Hà Nội có biên chế nhân viên chăm sóc phục vụ chung cho học sinh khiếm thị. Từ trước đến nay, trường phân công những người này trực tiếp nấu ăn phục vụ cho học sinh khiếm thị nên bữa ăn có rẻ hơn.
Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không được đảm bảo, vì không biết các cô có bằng cấp nấu ăn không… Quan điểm của Sở là đảm bảo chất lượng bữa ăn mới là quan trọng. Việc mời công ty ở ngoài vào đương nhiên tiền ăn bị tăng lên, nhưng họ có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm về vấn đề ATVSTP.
Tuy vậy, việc hòa nhập bữa ăn của học sinh khiếm thị và học sinh mắt sáng khiến tiền ăn cao hơn hẳn so với trước đây là không thuyết phục với các phụ huynh. Chúng tôi đã đề nghị, kết thúc học kỳ, trường phải lấy ý kiến phụ huynh có con em khiếm thị để thống nhất về các khoản thu, cũng như tăng tiền ăn".
Liên quan đến những vấn đề Lao Động đã phản ánh trong các bài viết trước đó như năm nay Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đột ngột cắt lớp dự bị hòa nhập cho học sinh khiếm thị, không có đề cương bằng chữ nổi cho các em ôn tập, ông Quý cho biết sẽ trao đổi lại với trường để nắm rõ hơn phản ánh này.
“Quan điểm của chúng tôi là học sinh khiếm thị phải được tạo thuận lợi trong học tập, sinh hoạt tại trường. Các lớp học dự bị cho trẻ khuyết tật cũng hết sức quan trọng, để trẻ có thể học hòa nhập”, ông Quý khẳng định.
Lùm xùm Trường Nguyễn Đình Chiểu: Phản đối tăng tiền ăn, giải tán ban phụ huynh trẻ khiếm thị? Theo lãnh đạo Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), do năm nay tiền viện trợ, từ thiện của các "Mạnh Thường Quân" bị cắt, ... |
Phụ huynh tố tăng tiền ăn, hiệu trưởng giải trình gì? Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) phủ nhận việc tăng khoản thu bữa ăn mà chất lượng không cải thiện. |
Phụ huynh “kêu cứu” vì Trường Nguyễn Đình Chiểu tăng các khoản thu với học sinh khiếm thị Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được coi là địa chỉ đặc biệt dành cho những học sinh không may mất ... |