Tiểu Phụng chơi game, bán hàng online, đọc truyện và làm vô số việc khác trên điện thoại, chỉ trừ lúc ngủ..., cho đến ngày phải gặp bác sĩ.
Bài viết của cây bút Nhất Giới, thuộc thế hệ 8X, Trung Quốc, gây chú ý trên nhiều tờ báo nước này về tình trạng thanh niên làm nô lệ cho smartphone.
Ví như tuổi thọ trung bình của mỗi người là 78 năm, trong đó 1/3 là để ngủ, công việc chiếm 10,5 năm. Thời gian xem ti vi và các phương tiện giải trí khác chiếm 9,5 năm. Như vậy ngoài thời gian ăn uống và làm các công việc vệ sinh khác, mỗi người thực sự chỉ còn 9 năm để có thể chủ động làm những gì mình muốn mà không bị những yếu tố khác kiểm soát.
Điều quan trọng là trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà con người không bị khống chế về thời gian đó, mỗi người đã dùng cho việc gì có ích cho bản thân?
Cách đây không lâu một cậu bé 16 tuổi người Ấn Độ đã tử vong tại bệnh viện khi chơi game PUBG liên tục trong 6 tiếng. Gia đình cho hay, biết được cậu bé quá ham mê game này nên đã ngăn cấm, tuy nhiên để chống đối lại bố mẹ, cậu bé đã tuyệt thực và lén lút chơi. Các bác sĩ chẩn đoán cậu bé này đã bị ngừng tim trước khi được đưa tới bệnh viện. Sau cái chết của cậu bé, gia đình đã kêu gọi chính quyền Ấn Độ ngăm cấm game PUBG tại đất nước tỷ dân này.
Thế nhưng sự thật game chẳng thể giết nổi người, nguyên nhân là do con người không tiết chế được ham muốn cá nhân của mình mà thôi.
Cậu bé 16 tuổi người Ấn Độ đã tử vong tại bệnh viện khi chơi game PUBG liên tục trong 6 tiếng. Ảnh: asianews. |
Theo "Báo cáo về thị trường tiêu dùng mới năm 2019" tại Trung Quốc, 450 triệu người tại đất nước này có nhu cầu xem các video ngắn hàng ngày, trung bình là 8,4 lượt xem mỗi ngày, với thời lượng tổng cộng lên đến một tiếng. Dù ở tàu điện ngầm, trung tâm mua sắm hay nhà hàng, quán cà phê, ở đâu cũng nhìn thấy cảnh người người cắm mặt vào màn hình điện thoại, không để ý mọi thứ xung quanh.
Một nhà nghiên cứu xã hội của Trung Quốc khi nhắc tới hiện tượng này đã nói rằng "Những phần mềm điện thoại đang đánh cắp thời gian của rất nhiều người. Ngoài việc âm thầm cướp đi thời gian, chúng thậm chí còn cướp đi cả sức khỏe và sinh mạng của người khác".
Năm 2017, Bệnh viện thành phố Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến tiếp nhận một nữ sinh 20 tuổi trong tình trạng cả hai mắt không nhìn thấy gì. Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận cô bị viêm mống mắt thể mi, có thể bị mù suốt đời. Nguyên nhân là trong 2 tháng nghỉ hè, cô liên tục sử dụng điện thoại từ sáng tới khuya, ăn cũng không rời khiến mắt làm việc quá sức.
Nữ sinh trên được phát hiện kịp thời, hy vọng lấy lại được ánh sáng nhưng trường hợp của một cậu bé 6 tuổi ở tỉnh Thiểm Tây lại không được may mắn như vậy. Phát hiện chị gái 14 tuổi chơi game suốt đêm, cậu bé nhắc nhở khiến chị gái tức giận. Sợ em trai mách bố mẹ, người chị này đã lấy gối chèn vào mặt em khiến cậu bé tắt thở. Hay như một học sinh trung học khác đã đánh mẹ bởi bà dùng tay che màn hình điện thoại để cậu không thể tiếp tục chơi game được nữa.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không chỉ trẻ em mà ngay cả người trưởng thành dùng thời gian cho smartphone dễ mắc chứng rối loạn khó tập trung hoặc kích động thái quá. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều smartphone sẽ làm khả năng phòng vệ của não sẽ mất tác dụng, dẫn đến các bệnh về thần kinh và khiến cho con người cảm thấy không hạnh phúc.
Tiểu thuyết gia nổi tiếng Neil Postman từng nói rằng: "Những thứ đang hủy hoại chúng ta không phải là những thứ chúng ta ghét, mà đó là những gì chúng ta yêu thương".
Một nhân vật với nickname Tiểu Phụng từng viết trên trang cá nhân của mình như sau: "Điều gì khiến bạn nhớ nhất ở Thâm Quyến vào lúc 5h sáng mỗi ngày? Đó là ánh bình minh rạng rỡ bên khung cửa sổ hay không khí thoáng đãng vào lúc chưa đông người?
Không phải, đó chính là tiếng rung của điện thoại di động".
Trong câu chuyện tiếp theo của mình, Tiểu Phụng kể lại cuộc sống hàng ngày của cô như sau:
"Hàng ngày tôi ngủ dậy lúc 2 giờ chiều. Sau khoảng vài phút đánh răng rửa mặt, tôi vừa ăn cơm vừa cầm chiếc điện thoại để chơi game trong khoảng 20 phút. 30 phút sau đó tôi đọc truyện trên ứng dụng, rồi bắt đầu công việc bán hàng online và ti tỉ những việc khác gắn liền với chiếc smartphone. Đến 5h sáng tôi mới đặt chiếc điện thoại xuống trong tâm trạng không muốn rời, chỉ vì phải đi ngủ nên đành làm vậy. Lộ trình cuộc sống cứ thế trôi qua trong nhiều tháng như luôn được lập trình sẵn".
Cả ngày gắn với chiếc smartphone khiến nhiều thanh niên Trung Quốc xa lánh với xã hội thực. Ảnh: sohu. |
Mọi việc chỉ thay đổi khi Tiểu Phụng phát hiện mình mắc một số bệnh khá trầm trọng sau đợt thăm khám bác sĩ. Cô bị chảy máu dạ dày, thường xuyên đau đầu. Mỗi khi nằm lên giường dù nhắm mắt nhưng đầu óc của Tiểu Phụng lúc nào cũng quay điên đảo. "Tôi nghĩ mình có thể chết bất cứ lúc nào", cô gái 23 tuổi tâm sự.
Tiểu Phụng đại diện cho rất nhiều người trẻ của Trung Quốc hiện đại, cuộc sống luôn bám liền với chiếc smartphone, dù họ biết điều đó là không tốt.
"Nhiều người trẻ luôn nhắc nhở mình sẽ bỏ chiếc điện thoại xuống để đọc sách, để tập thể dục nhưng họ sẽ quên rất nhanh để đắm chìm vào những câu chuyện và những bộ phim ngôn tình trên điện thoại cho đến nửa đêm. Chỉ đến khi sức khỏe đi xuống, họ lại tự nhủ: Ồ, mình sẽ đọc sách và tập thể dục lại từ đầu", một nhà văn tại Trung Quốc từng nói.
Theo một thống kê thì có tới hơn 60% người trẻ tuổi nước này mắc phải một chứng bệnh mang tên "Hội chứng lo sợ khi không có điện thoại" (Nomophobia)
Những người mắc chứng Nomophobia sống hoàn toàn phụ thuộc vào thế giới ảo. Họ giật mình khi không nhìn thấy điện thoại, không thể ngủ khi không có điện thoại, dành toàn bộ thời gian chỉ để đi tìm điện thoại, thậm chí là điện thoại còn ám ảnh cả trong giấc mơ và xen vào toàn bộ cuộc sống của họ.
Santa Barbara - nhà xã hội học đến từ Đại học California - chia niềm vui thành 2 loại: Niềm vui tiêu hao và niềm vui bổ sung.
Sau 8 năm nghiên cứu, bà phát hiện ra rằng những người ở đẳng cấp dưới của xã hội ngày càng đắm chìm vào những niềm vui tiêu hao như: ham các trò chơi điện tử, hút ma túy, những bộ phim với nội dung xấu... Còn những người ở đẳng cấp cao hơn thì lại say mê những "niềm vui bổ sung" như: chạy bộ, đọc sách và học tập.
Santa Barbara giải thích, quá trình ghi nhớ của con người là một điểm trong chuỗi hình thành trí nhớ. Nó bao gồm tiếp nhận thông tin - Xử lý thông tin - Đưa thông tin lên vỏ não và ghi lại - tái hiện lại thông tin đấy. Tuy nhiên đối với các trò chơi điện tử, bộ phim nội dung tiêu cực thuộc "Niềm vui tiêu hao" thì chỉ "Có đường vào mà chẳng có đường ra". Nghĩa là những thông tin tiếp nhận không được vỏ não ghi lại.
"Đối với con người, chỉ khi nào những thông tin được não ghi lại, được tư duy theo logic thì thông tin đó mới thực sự có giá trị", nhà xã hội học này nhấn mạnh.
Cũng theo Santa Barbara, những thông tin trong "niềm vui tiêu hao" khi nhồi nhét vào đầu sẽ chỉ mang đến những ảo tưởng cho bản thân, sự lười biếng và ngại va chạm với mọi khó khăn mà thôi.
Vậy làm thế nào để bạn không bị luẩn quẩn trong những "Niềm vui tiêu hao" mà Santa Barbara từng nhắc tới:
- Hãy cố gắng đừng để cảm giác thèm điện thoại dễ dàng được thỏa mãn. Ngừng dùng điện thoại trong một quãng thời gian nhất định hoặc bỏ chúng xa bàn ăn có thể là một bước đi đúng hướng.
- Để thời gian của mình vào luyện tập thể thao, đọc sách và làm những việc có ích khác.
- Tạo một thói quen sống biết kiềm chế, biết kiểm soát bản thân: không uống rượu, không nghiện game, ăn kiêng khi cần thiết.
- Can đảm thực hiện những công việc mới để thoát ra khỏi "vùng đệm an toàn" của chính bản thân mình.
- Có kế hoạch rõ ràng trong cuộc sống và đừng để những thứ tầm thường chiếm hết thời gian của mình.
Hải Hiền (Theo sohu)
Vợ ghen “bệnh hoạn”, "soi" cả việc tôi đang xem gì trên điện thoại Ở nhà, tôi xem điện thoại, cô ấy cũng lấy cớ lượn đi lượn lại phía sau xem tôi xem gì, nhắn tin cho ai… |
Cẩn trọng khi dùng điện thoại, để tránh hậu quả đáng tiếc khó ngờ Điện thoại mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta nhưng bên cạnh đó nếu không sử dụng đúng cách rất dễ gặp vấn đề ... |
Những tiếng thở hổn hển từ điện thoại của chồng, hé lộ bí mật làm tôi chết lặng Chồng tôi rất thật thà, chân thành trong cách đối xử với mọi người. Dù nghèo khó đến mức nào, anh ấy không bao giờ ... |