Đã nhiều năm nay, hàng chục hộ dân sống dưới chân núi Phú Gia và Khe Lệ nằm gần QL1A thuộc xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) luôn thấp thỏm, lo âu mỗi khi mùa mưa bão về.
- Hiện trường vụ sạt lở đất khiến 3 CBCS CSGT hi sinh và 1 người dân tử vong
- Sạt lở trên đèo Bảo Lộc: Tìm thấy thi thể hai cán bộ, chiến sỹ CSGT
Theo nhiều hộ dân nơi đây, đã nhiều năm nay, tại các đợt tiếp xúc cử tri, người dân liên tục kêu cứu, đề xuất lên các cơ quan chức năng mong sớm được di dời ra khỏi khu vực sạt lở nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Một ngày cuối tháng 7/2023, chúng tôi có mặt tại khu vực chân núi Phú Gia và chứng kiến nhiều hộ dân vẫn đang sinh sống hàng ngày dưới chân núi từng nhiều lần bị sạt lở. Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, hiện có 14 hộ dân ở thôn Phú Gia sống sát chân núi, bị ảnh hưởng bởi sạt lở đèo Phú Gia. Từ nhiều năm nay, khu vực đèo Phú Gia luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi, bởi từ năm 2008, bắt đầu xuất hiện vết gãy nứt lộ rõ với chiều dài 200m, bề ngang 1,5m do trước đó đơn vị khai thác đất, đá đã đào làm hỏng chân núi.
“Qua theo dõi của chính quyền xã, từ nhiều năm qua, vết nứt gãy này không kéo dài và rộng thêm nhưng vào mùa mưa bão luôn có nguy cơ sạt lở. Vì thế trong mùa mưa các năm gần đây, xã Lộc Tiến đã rất nhiều lần nhận lệnh của cấp trên khẩn trương di dời khẩn cấp nhiều hộ dân ở dưới chân núi Phú Gia đến nơi an toàn”, ông Cường cho hay.
Đã 10 năm nay, gia đình ông Ngô Ngọc Tuấn (trú thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến) luôn sống thấp thỏm dưới chân đèo Phú Gia - khu vực sạt lở nằm trong diện phải di dời. “Cứ vào mùa mưa bão, cả nhà tôi như ngồi trên đống lửa vì sợ đất đá từ đèo có nguy cơ ập xuống bất cứ lúc nào. Trong cơn lũ lịch sử vào năm 1999, khu vực đèo Phú Gia đã từng một lần bị sạt lở và chôn vùi một căn nhà sát nhà tôi”, ông Tuấn nhớ lại.
Còn với bà Phan Thị Hoa (52 tuổi) đã gắn bó với căn nhà nằm ngay dưới chân núi Phú Gia hàng chục năm nay. Vẫn biết là sống trong hiểm nguy nhưng để di chuyển đến nơi khác sinh sống thì gia đình chị không có điều kiện. Những ngày này, chị Hoa luôn thấp thỏm, lo âu khi mùa mưa bão sắp đến.
“Số lần cả gia đình tôi phải di dời, sơ tán ra khỏi nhà để đến xin lánh nạn ở nhà người quen khi vào mưa bão vẫn không thể nhớ hết được. Nhiều khi cả 2 vợ chồng đang đi làm công nhân mà thấy trời mưa ầm ầm, tôi hoảng sợ quá gọi về nhà và nói các con phải rời nhà gấp vì sợ núi lở. Trong khi đó, vào mùa đông, trời mưa liên tục, có khi kéo dài cả tháng trời nên việc sơ tán ra khỏi nhà đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và việc học hành của con cái”, bà Hoa giọng trầm buồn.
Trò chuyện với những người dân sống dưới chân núi Phú Gia, chúng tôi cảm nhận được, họ vẫn chưa khỏi ám ảnh khi những trận mưa lớn liên tiếp xảy ra vào cuối năm 2021 khiến cho một số điểm phía Bắc đèo Phú Gia bị sạt lở. Lúc đó, hàng ngàn khối đất đá từ trên núi đổ xuống tràn vào ruộng vườn nhà dân dưới chân núi. Rất may, trước đêm đó, chính quyền địa phương đã hoàn thành di dời khẩn cấp 14 hộ dân tại khu vực này đến nơi an toàn. Vụ sạt lở nghiêm trọng này không gây thiệt hại về người nhưng đã gây hư hại vườn tược, tài sản của người dân.
“Người dân luôn mong chờ được Nhà nước di dời, bố trí đến nơi ở mới để được an cư, chứ ngày nào còn sống dưới chân núi Phú Gia là ngày đó người dân nơi đây vẫn còn lo âu”, một hộ dân ở dưới chân núi Phú Gia nói trong lo lắng.
Ngoài các hộ dân ở dưới chân núi Phú Gia đang đối mặt với nguy cơ sạt lở thì hàng chục hộ dân khác ở dưới chân núi thuộc 2 thôn Thổ Sơn và Trung Kiền (xã Lộc Tiến) cũng nơm nớp, lo âu khi mùa mưa bão sắp về.
Ông Lê Văn Sắt, Trưởng thôn Thổ Sơn cho biết, phần lớn các hộ dân ở dưới chân núi Khe Lệ (thôn Thổ Sơn) đều định cư từ năm 1978. Các hộ này phần lớn đã lớn tuổi. Theo ông Sắt, trong năm 2021 và 2022, tại chân núi Khe Lệ - gần khu vực các hộ dân sinh sống, đã xảy ra 2 điểm sạt lở. Và với địa hình như hiện nay, nếu khi trời mưa to thì khu vực này chắc chắn sẽ tiếp tục sạt lở. Trong đó, hộ bà Nguyễn Thị Diện (71 tuổi, người khuyết tật), ông Trần Đình Nhường… ở sát chân núi nên vào mùa mưa bão, rất hiểm nguy. Mỗi khi có mưa bão thì chính quyền địa phương phối hợp với Ban cán sự thôn đi vận động các hộ dân di dời, sơ tán đến những nhà dân an toàn để xin lánh nạn.
“Nhiều năm nay, các hộ dân ở chân núi Khe Lệ luôn mong muốn Nhà nước tạo điều kiện, sớm di dời họ đến sinh sống ở vùng đất mới để tính mạng của người dân được đảm bảo an toàn mỗi khi mùa mưa bão về nhưng vẫn chưa được”, ông Lê Văn Sắt chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, nhiều năm nay, tại các cuộc tiếp xúc cử tri với cấp huyện, cấp tỉnh; những hộ dân đang chịu ảnh hưởng của khu vực có nguy cơ sạt lở núi, sạt lở ven sông trên địa bàn xã đã nhiều lần kiến nghị cấp trên quan tâm, tạo điều kiện di dời họ đến nơi khác. Hiện, UBND huyện Phú Lộc đã yêu cầu UBND các xã, trong đó có xã Lộc Tiến tiến hành rà soát, kiểm tra thực địa, cụ thể từng hộ dân ở trong vùng có nguy cơ sạt lở trên địa bàn huyện, tham mưu UBND huyện phương án giải quyết phù hợp, kịp thời.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế khóa VIII diễn ra giữa tháng 7/2023, Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo đơn vị này tham mưu về việc thực hiện các dự án di dân vùng sạt lở, giải quyết ý kiến cử tri liên quan đến giải pháp đảm bảo an toàn cho các hộ dân sống dưới chân núi, ven sông tại xã Lộc Tiến và các xã lân cận. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc tham mưu thực hiện dự án “Di dời khẩn cấp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến”.
“Hiện Sở đã có Công văn gửi UBND tỉnh tham mưu về chủ trương đầu tư dự án trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi Phú Gia (xã Lộc Tiến) và giao Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh lập chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời, Sở KH&ĐT cũng tham mưu UBND tỉnh giao UBND huyện Phú Lộc sắp xếp bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai thực hiện dự án”, ông Nguyễn Đại Vui – Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế thông tin thêm
https://cand.com.vn/Ban-doc-cand/song-thap-thom-duoi-nhung-chan-nui-bi-sat-lo-i702149/