Học sinh cấp 2 chưa chắc sáng tạo bằng cấp 1 bởi cách nghĩ của chúng đã bị nhiều người "dồn ép" lên.
Trở về Việt Nam sau hai tháng tham dự chương trình Eisenhower Fellowships tại Mỹ, thầy Nguyễn Chí Hiếu, tốt nghiệp tiến sĩ Đại học Stanford, có buổi giảng cho hơn 200 học sinh cấp 1-2 về sự sáng tạo tại Tổ chức Giáo dục IEG. Thầy giáo đã chia sẻ cảm nhận sau buổi dạy.
Cấp 2 chưa chắc sáng tạo bằng cấp 1
Cũng là một đầu bài, một cách tiếp cận, một kiểu hướng dẫn, một phòng học, và một người thầy, nhưng buổi học diễn ra trong hai không khí hoàn toàn khác nhau.
Phần lớn tụi trẻ cấp 1 không ngừng nảy sinh ý tưởng, dường như chẳng có giới hạn nào. Chúng tin rằng tất cả ý tưởng của mình đều có thể thành hiện thực. Để rồi chúng không ngừng xô đẩy và chia sẻ ý tưởng của nhau. Kết quả, sau một tiếng đồng hồ, tụi trẻ cho ra những bài luận rất tự nhiên mà chỉ cần người tinh ý đọc qua là đã nhận ra sức sáng tạo sinh sôi nảy nở trong từng câu chữ.
Thầy Nguyễn Chí Hiếu trong buổi giảng về sự sáng tạo cho 200 học sinh. Ảnh: Hà My
Còn tụi nhỏ cấp 2 thì ngại ngần, chần chừ, ý tưởng dường như mới tung ra là bị đứt gãy. Hỏi cái gì, chúng cũng ngập ngừng thật lâu mới dám lên tiếng. Bắt chúng suy nghĩ thì cũng chỉ được 1-2 gạch đầu dòng và đọc qua thì ý tưởng nào cũng na ná giống nhau.
Khi tôi thử hỏi một câu "Con có biết ý tưởng viễn tưởng này đã thành hiện thực rồi không", chúng ngỡ ngàng "Thật hả thầy"? Dẫu tôi có giải thích và kể cho chúng nghe ở nơi khác, các bạn nhỏ bằng tuổi đã làm được, chúng vẫn cứ như tự động quay lại một cái khuôn cứng ngắc, ì ạch trong suy nghĩ.
Những câu hỏi biết nói
Trong lúc tôi đang gắng sức để đưa đẩy cho tư duy tụi nhỏ bứt phá khỏi cái khuôn khổ đã "kềm chặt" chúng trong bao năm qua, một học sinh cấp 2 giơ tay lên hỏi: "Mấy cái ý tưởng này có kiểm tra, điểm số thế nào thầy?". Không ít gương mặt ngước nhìn, cứ như là "sức sống" chợt thức giấc.
Tôi lặng người. Một câu hỏi đơn giản ngắn gọn nhưng đó chính là "kết tinh", hệ lụy của không biết bao nhiêu năm và bao nhiêu con người đã "dồn ép" lên trên cách nghĩ của tụi trẻ về việc học. Cứ như thế này thì không biết khi nào, ở đâu và bằng cách nào, người ta mới có thể "nhấc" tụi nhỏ ra khỏi cái rãnh mòn đã hằn quá sâu trong tư duy. Sự sáng tạo không thể nào ào ào kéo đến, một khi chúng không vượt qua cái gờ "điểm số" đã cao quá tầm mắt.
Trong khi đó, tụi nhỏ cấp 1 thì gần như chẳng hỏi tôi điều gì, ngoài những câu khẳng định chắc nịch "Con nghĩ ra ý này, ý kia" mà thỉnh thoảng có hỏi thì chỉ đơn giản là "Cái ý này hay không thầy? Và có thể thành hiện thực không thầy"?
Nếu ai có một cái nhìn thật sâu thì chỉ cần nghe qua những câu hỏi khác biệt giữa những đứa trẻ cấp 1 và cấp 2 là đủ nhận ra và thật sự thấm rằng đầu óc của chúng đang là hai hệ điều hành khác nhau và về lâu dài.
TS Nguyễn Chí Hiếu trong một buổi chia sẻ về bí quyết học tiếng Anh. Ảnh: Dương Tâm
Hãy để trẻ được sống cuộc đời của chính mình
Vài năm nữa, liệu những đứa trẻ tôi nhìn thấy bây giờ có đánh mất cái tuyệt vời của tư duy sáng tạo và chuyển hóa thành những cỗ máy hay không? Và đây là những học sinh xuất sắc, thế thì còn bao nhiêu em khác thì thế nào?
Carol Dweck, tác giả của Growth Mindset (Tư duy phát triển), đã nói về cái "chết chóc" của những khuôn mẫu chuẩn hóa như thế này: "Nếu bạn thiết kế và vận hành một hệ thống, chương trình hay phương pháp giáo dục mà chỉ 100% dựa vào chuẩn hóa và điểm số, vốn dĩ bản chất là kìm hãm sự phát triển cá nhân, trí tưởng tượng và sức sáng tạo, thì bạn đừng lấy làm lạ. Đó chính xác là những gì mà hệ thống và chương trình ấy nhào nặn ra, là những đứa trẻ chuẩn hóa, chỉ cần biết điểm số và thiếu sáng tạo, thiếu bản sắc cá nhân".
Bên cạnh niềm vui được tương tác cùng những mầm non tương lai của đất nước, trong lòng tôi cũng canh cánh một nỗi buồn mông lung, vô định. Khi nào người lớn chúng ta mới nhìn thật rõ cái chất bên trong của những vỏ bọc mang tên "Xuất sắc" đấy? Để chúng ta trả lại cho tụi nhỏ một sức mạnh tuyệt vời mà tạo hóa đã ban cho - sức sáng tạo vô bờ bến.