Ông nội tôi bị quy địa chủ, đem ra đình làng đấu tố. Khi người ta xỉa xói, tôi đã tiến lên ngồi bên để ông đỡ cô đơn.

Tôi đã hiểu về sức mạnh của dân từ khi mới 8 tuổi. Lúc đó, tôi ngồi phía dưới, còn ông tôi bị lôi lên trên. Tôi thấy ông tôi luôn là người nhân hậu mà sao tội nghiệp thế. Tạo sao những người mà mươi ngày trước vẫn còn tắt lửa, tối đèn có nhau lại hò hét, quát nạt ông tôi? Ngay đêm đó, toàn bộ gia sản bị tịch thu, cả nhà chúng tôi bị đuổi ra một căn nhà tre mái rạ xiêu vẹo rìa làng. Ông tôi cũng chỉ được mang theo vài bộ quần áo cũ, đồ thờ và cây đàn bầu. Mấy tháng sau, cơn bão mạnh ập đến, nhà tốc hết mái.

Ông tôi lớn lên được học chữ Hán, nhưng thi cử đã tàn nên không đỗ đạt như các lớp tiền nhân. Thời buổi lúc đó nhà thơ Tú Xương đã viết "vứt bút lông đi, giắt bút chì". Ông tôi lại cầm bút chì theo Tây học. Cụ thông thạo cả Hán ngữ và Pháp ngữ. Năm 1946, cụ được Uỷ ban Hành chính kháng chiến huyện Gia Lâm chọn làm chánh văn phòng. Trong cảnh cùng cực của cải cách ruộng đất, ông nói với tôi: "cháu à, cực một chút thôi, rồi mai đây trời lại cho ta phong lưu thôi mà!". Tôi cảm thấy nhẹ lòng và lạc quan.

Mùa hè 1967, hơn 18 tuổi, tôi có một đợt công tác 6 tháng làm nhiệm vụ trên địa bàn Hương Khê, Hà Tĩnh. Mạn Đông Trường Sơn dưới mưa bom của chiến tranh phá hoại. Một vùng quê nghèo phải oằn mình hứng chịu bom cày đạn xới hàng ngày. Mỗi bữa cơm chỉ có canh rau muống già và một con cá trích kho mặn. Tuổi trẻ ở đây vẫn đầy sức sống. Tôi đứng nhìn cả một vùng dày đặc hố bom, cuộc sống không bị khuất phục, vẫn lạc quan vượt lên bom đạn. Sức mạnh đó từ khát vọng thống nhất dân tộc sau gần 5 thế kỷ huynh đệ tương tàn, kể từ thời nhà Mạc. Bạo lực của vũ khí hiện đại không khuất phục được dân ta, sức dân quả là vô địch.

Đêm nằm ngủ trong một mảnh rừng cuối huyện Hương Khê, tôi lại miên man với những ký ức. Tôi nhớ ông. Tôi cũng không thấy giận dân làng mình. Chỉ thấy dân ta tư duy đơn giản và hồn nhiên quá, nhiều khi dễ nghe theo và dễ làm theo.

Lần tiếp theo tôi lại chứng kiến sức mạnh của dân ta qua vụ thu hồi đất ở Văn Giang để xây dựng khu đô thị sinh thái Ecopark. Lúc đã về hưu được vài năm, tôi nhận được thư đề nghị đối thoại với dân Văn Giang bị thu hồi đất để làm rõ về tính pháp lý của dự án này. Tôi đã thành ý nhận lời và mượn một phòng ở cơ quan cũ làm nơi gặp gỡ với dân. Một anh bạn thấy vậy, lo cho tôi. Anh nói với tôi rằng không nên đối thoại vì dân bị thu hồi đất ở đó đã bị nhóm các nhà hoạt động tự nhận là vì dân chủ dẫn dắt rồi, rất nguy hiểm. Tôi cũng nghĩ nhiều và vẫn quyết định thực hiện, chỉ vì muốn bày tỏ tấm lòng thành với dân. Tôi cũng đang là dân, giúp gì được nhau cũng tốt.

Tôi vốn sinh ra trong một gia đình Nho giáo lúc đạo Nho đã suy vi ở Việt Nam. Bố tôi đi bộ đội, hy sinh ngay trận đánh đầu tiên vào căn cứ Pháp tại Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang) đúng ngày đầu tiên của Toàn quốc kháng chiến, khi tôi chưa đầy một tháng tuổi. Lúc đó bố tôi là đại đội phó bộ đội chính quy. Tôi lớn lên nhờ ông nội dạy dỗ. Tôi luôn nhớ lời ông: Tuân Tử đã nói "Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy". Vì thế, tôi ghi nhận mọi lời chê mình đều là tốt, để tự sửa mình. Tôi cũng đã vài lần bị "ném đá" trên mạng, chủ yếu do thông tin lệch lạc. Nhưng tôi vẫn luôn trân trọng những "viên đá" đã ném vào mình, sai thì thôi mà đúng thì sửa.

Tôi đến cuộc đối thoại đã hẹn với dân Văn Giang bằng tiếp cận "có thể giúp gì được cho mọi việc tốt hơn". Sự thực, tôi cho rằng khu đô thị sinh thái Ecopark đặt tại địa điểm ven sông Hồng, nơi tiếp giáp giữa Hà Nội và Hưng Yên là trúng về địa kinh tế, đất đai quanh đó sẽ lên giá và cuộc sống người dân gắn với đô thị sẽ tốt hơn. Vướng mắc chủ yếu có lẽ chỉ còn chuyện bồi thường không thỏa đáng. Kinh nghiệm từ nhiều nơi cho thấy, dân cần công bằng về kinh tế, trong khi pháp luật đất đai thì bó hẹp, dân đành phải tìm những chỗ hở về pháp luật hay quy hoạch để khiếu nại.

Bước vào cuộc đối thoại, nhìn quanh hội trường, dân Văn Giang chiếm chỉ non nửa, còn lại là những người khác, có người tôi biết mặt và có người không. Cuộc đối thoại diễn ra, một vị luật sư tập trung vào câu hỏi tôi rằng tại sao thẩm quyền thu hồi đất thuộc Chính phủ mà tờ trình tôi ký lại gửi Thủ tướng, tức là trái pháp luật về địa chỉ trình, từ đó coi như quyết định thu hồi đất là không đúng pháp luật.

Sự thực, ở đây có câu chuyện bất cập về pháp luật. Kể từ Luật Đất đai 1993, thẩm quyền thu hồi đất theo pháp luật thuộc Chính phủ, nhưng Thủ tướng vẫn ban hành quyết định thu hồi đất. Đơn giản là Chính phủ có thể uỷ quyền cho Thủ tướng thực hiện. Việc uỷ quyền này là cần thiết vì Luật Đất đai quy định về thẩm quyền như vậy, nhưng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lại quy định hình thức văn bản của Thủ tướng là quyết định và chỉ thị, còn hình thức văn bản của Chính phủ lại là nghị quyết và nghị định. Sự tréo ngoe luật pháp làm nên sự cố này.

Nhưng không sao, tôi vẫn đồng cảm với sự thiệt thòi của dân bị thu hồi đất mà thành tâm xin lỗi nếu việc làm của mình có gây hại cho dân. Lời xin lỗi của tôi như sự đồng cảm của một người dân, không phải lời đại diện cho chính quyền.

Ngay sau đó, BBC tiếng Việt đã đăng bài viết của một người dự cuộc đối thoại vẫn tự nhận mình hoạt động vì dân chủ, đại ý rằng trình độ về pháp luật đất đai của tôi kém xa những người dân thường ở Văn Giang. Tôi lại sửa mình bằng một bài viết trần tình sự việc trên một báo chính thống. Rồi tôi lại nhận được thư yêu cầu đối thoại tiếp. Tôi đã viết trả lời trên mạng rằng không nên đối thoại giữa một bên là những người dân quá giỏi về pháp luật đất đai với tôi là một người rất kém, đối thoại như vậy không giải quyết được gì.

Tiếp theo, một nhóm người được một nhà báo dẫn tới cửa nhà tôi chửi bới ầm ĩ, chửi tôi chán rồi chửi cả vợ con tôi. Tôi chỉ còn một cách đề nghị Công an Hà Nội bảo vệ cuộc sống riêng của gia đình tôi. Tôi rất buồn vì thành ý được đáp lại bằng ác ý. Sự việc như vậy, nhưng tôi cũng không giận những người dân Văn Giang đã chửi rủa tôi.

Sức mạnh của dân là ghê gớm. Vấn đề là chính quyền phải làm gì để quyền lực của mình cộng với sức dân tạo nên cộng lực tích cực.

Cách duy nhất là cán bộ nhà nước phải biết tư duy bằng ý dân, biết mang lại lợi ích cho lòng dân, biết tự sửa mình khi bị dân chê trách. Lờ đi hay dùng sức mạnh với dân không phải là cách để đoạt lòng dân. Người dân cần no ấm và công bằng, rất giản dị. Có vậy thì không ai có thể dẫn dắt dân ta đi lạc vào chốn đoạn trường. Nhà nước có được sức mạnh của dân thì làm gì mà không tát cạn được Biển Đông?

Đặng Hùng Võ

Khoan thư sức dân mới là thượng sách Khoan thư sức dân mới là thượng sách

/ vnexpress.net