Hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng xảy ra từ đầu năm 2023 đến nay gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trong đó đa phần các vụ tai nạn đều xảy ra vào khung giờ đêm, được nhiều người cho là “khung giờ đen”.
- Xuyên đêm cứu hộ xe khách chở 30 người gặp tai nạn trên quốc lộ 1
- Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc khiến 8 người chết ở Quảng Nam
Liên tiếp xảy ra tai nạn nghiêm trọng
Ngày 21/2, thông tin từ Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, vào hồi 1h35 ngày 21/2, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe khách và xe tải khiến 3 người tử vong và 17 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Nguyên nhân vụ TNGT đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Cách vụ TNGT trên đúng một tuần, vào 4h sáng ngày 14/2, cũng tại địa bàn huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đã xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng giữa xe ôtô khách BKS 76B-006.60 và xe đầu kéo BKS 92H-004.33, kéo rơ móc 92R-00469 khiến 10 người chết và nhiều người khác bị thương. Vụ việc đến nay vẫn khiến không ít người bàng hoàng.
Điều đáng nói trong tháng 1/2023 cũng liên tiếp xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể vào 1h45 đêm 16/1, tại đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã xảy ra vụ TNGT giữa hai xe khách BKS 36B-023.90 và xe ôtô BKS 99B-017.96 di chuyển ngược chiều nhau khiến 1 người chết và 26 người bị thương. Hai ngày sau đó, hơn 2h sáng ngày 18/1, xe khách BKS 26F-001.34 do tài xế Nguyễn Đình Lực (SN 1981, trú tại tỉnh Hưng Yên) điều khiển theo hướng Hà Nội - Sơn La, đến Km130+500, quốc lộ 6 (địa phận huyện Mai Châu) bất ngờ mất phanh rồi va chạm với 2 xe mô tô khiến 4 người tử vong.
Cùng ngày, khoảng 3h45 sáng, tại Km 1543+900 quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận cũng xảy ra vụ TNGT giữa xe khách BKS 77B - 016.20 do anh Đặng Văn Bình (trú tỉnh Bình Định) điều khiển từ Khánh Hoà đi Ninh Thuận và xe container BKS 51D-105.02 kéo theo rơ moóc 51R-009.81 chạy cùng chiều phía trước. Cú đâm mạnh khiến 2 người tử vong và 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu.
Phần lớn các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra từ đầu năm 2023 đến nay đều trong khung giờ từ 0h-6h sáng. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm nghỉ ngơi theo nhịp sinh học của con người nên lái xe thường mệt mỏi và buồn ngủ, do vậy thường gọi là “khung giờ đen” của lái xe. “Thêm vào đó, đây cũng là khoảng thời gian đường vắng, lái xe hay có suy nghĩ lực lượng chức năng ít kiểm soát, xử phạt nên cho xe chạy quá tốc độ, vượt ẩu. Chưa kể, khung giờ từ 0h-6h sáng, độ chiếu sáng trên đường cũng kém hơn khiến tầm nhìn của lái xe bị hạn chế”, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình nhìn nhận.
Cần siết chặt các quy định khi vận chuyển khách vào ban đêm
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT về đêm là do sự chủ quan và thiếu tỉnh táo của người điều khiển phương tiện. Ngoài ra, mức độ chiếu sáng kém cũng ảnh hưởng đến tầm nhìn và khả năng xử lý tình huống của tài xế.
Cũng từng đưa ra quan điểm về vấn đề này, một chuyên viên cao cấp JICA chia sẻ giải pháp, thông qua chuyển đổi số, cơ quan quản lý có thể cảnh báo tình trạng giao thông cụ thể cung đường theo thời gian thực, giám sát hành trình, tốc độ của lái xe theo thời gian thực; thậm chí có thể can thiệp kịp thời vào quá trình điều khiển xe của tài xế. Tuy nhiên, hiện nước ta chưa làm được việc này bởi gặp khó trong thu thập nguồn dữ liệu, các camera thuộc nhiều doanh nghiệp, cơ quan khác nhau chưa tập hợp thành một hệ thống dữ liệu lớn đồng bộ, do đó, cũng chưa tìm được giải pháp công nghệ phù hợp để ứng dụng. Trong tương lai, cần phát triển và áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để máy tính thực hiện tự động theo dõi, phát hiện vi phạm và đưa ra cảnh báo trên hệ thống quản lý.
Ngoài các ý kiến trên, một số chuyên gia khác cũng cho hay, đã đến lúc cần siết chặt các quy định khi vận chuyển khách trong khung giờ ban đêm, quy định rõ lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ và quy định cụ thể người chịu trách nhiệm giám sát. Hiện đã có quy định các phương tiện vận tải phải lắp đặt camera giám sát hành trình, camera giám sát người lái để doanh nghiệp chủ động theo dõi, quản lý.
Đồng thời truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay chưa có công nghệ để khi tài xế có dấu hiệu lạ (ngủ gật, mệt mỏi, ốm đau bất ngờ) có thể đưa ra cảnh báo tức thời giúp doanh nghiệp kịp thời can thiệp. Thậm chí, trên thực tế, việc khai thác triệt để nguồn dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ mục đích đảm bảo an toàn khi lưu thông, nhất là mang tính dự báo, cảnh báo cũng còn bỏ ngỏ. Kho dữ liệu giám sát hành trình vẫn chỉ là những thông tin “chết”.
Bằng chứng là Cục Đường bộ tháng nào cũng có thống kê về tỷ lệ vi phạm một số lỗi phổ biến của lái xe như chạy quá tốc độ, lái xe quá số giờ quy định…, nhưng vi phạm vẫn không giảm. Trong khi trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ phương tiện đối với vấn đề an toàn giao thông còn mờ nhạt.
Mới đây, trong Công điện về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vào sáng 14/2 làm 10 người chết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Ủy ban ATGT Quốc gia nghiên cứu, phân tích, đánh giá nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong vụ tai nạn, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng.