Với tầm bắn lên tới 300 km, tên lửa ATACMS là một trong những vũ khí mà chính quyền Ukraine mong muốn sở hữu, tuy nhiên Mỹ vẫn chưa đồng ý viện trợ.
- Mỹ bán gần 1.000 tên lửa không đối không cho Đức
- Quan chức Lầu Năm Góc: Triều Tiên sở hữu tên lửa có thể vươn tới Mỹ
Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ cho biết, trong thời gian qua, Mỹ liên tục tham vấn với Ukraine về các loại vũ khí mà nước này cần, bao gồm cả tên lửa tác chiến - chiến thuật ATACMS, nhưng quyết định về việc cung cấp ATACMS vẫn chưa được thông qua.
Tổng thống Zelensky và giới chức quân sự Ukraine đã nhiều lần tuyên bố rằng, sự hiện diện của những tên lửa ATACMS và máy bay chiến đấu F-16 sẽ là chìa khoá khóa giúp Lực lượng Vũ trang Ukraine giành chiến thắng trước quân đội Nga. Phía Mỹ hiểu tất cả những điều này, nhưng họ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về khả năng cung cấp tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine.
Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân MGM-140 (ATACMS) là tên lửa đạn đạo chiến thuật do công ty quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Đây là tên lửa đất đối đất dài khoảng 4 mét, rộng 0,6 mét và nặng khoảng 1.360 kg, có thể được phóng đi từ hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 và hệ thống rốc két phóng loạt (MLRS) M270. Đến nay, Ukraine đã được phương Tây cung cấp cả hai hệ thống này.
Tên lửa ATACMS bên cạnh tổ hợp HIMARS
Theo một phát ngôn viên của nhà sản xuất Lockheed Martin, dù được phát triển từ thập niên 1980, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 4.000 tên lửa ATACMS được sản xuất.
Trong các cuộc họp gần đây tại Lầu Năm Góc, các quan chức Mỹ đã nói với các đại diện của Ukraine rằng, số lượng tên lửa ATACMS hiện tại không nhiều vì vậy việc cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí này, có thể gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ trong tương lai.
“Với bất kỳ gói vũ khí nào, chúng tôi luôn xem xét sự sẵn sàng và nguồn dự trữ của chính mình trước khi cung cấp cho Ukraine những gì họ cần trên chiến trường. Có nhiều cách để cung cấp cho Ukraine những vũ khí cần thiết”, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ chia sẻ.
Ngoài ra, theo các nguồn tin truyền thông, Mỹ lo ngại Ukraine sẽ sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga và điều này có thể là hành vi vượt qua “lằn ranh đỏ” giữa Mỹ và Nga.
Theo một nguồn tin khác của Politico, Kiev cũng đang xem xét ý tưởng xin phép Washington để mua tên lửa ATACMS từ những quốc gia đang vận hành loại vũ khí này. Ukraine từ lâu đã mong muốn sở hữu tên lửa ATACMS từ Mỹ, loại tên lửa có thể được sử dụng để tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300 km.
Cho đến thời điểm hiện tại, các đồng minh phương Tây vẫn từ chối chuyển giao những vũ khí này cho Ukraine vì lo ngại sự gia tăng “leo thang” từ phía Nga. Ông Sullivan nói rằng, “Chỉ có Tổng thống mới có quyền quyết định cuối cùng về việc Mỹ có bàn giao ATACMS cho Ukraine hay không”.
Nhưng, cũng không loại trừ việc Mỹ sẽ cung cấp tên lửa cho Ukraine, bởi chính ông Sullivan cũng đã tuyên bố rằng, Mỹ sẵn sàng "chấp nhận rủi ro" trong vấn đề cung cấp vũ khí mới cho Kiev.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc đã tuyên bố vấn đề chuyển giao tên lửa ATACMS cho Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự, nhưng vẫn để ngỏ khả năng. Theo quân đội Mỹ, Kiev cần pháo và đạn dược chứ không phải tên lửa và máy bay.
Giới nghị sĩ đảng Cộng hòa đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden cung cấp ATACMS ngay lập tức cho Ukraine sau khi nước này khởi động cuộc phản công hồi tháng 6. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn giữ quan điểm rằng Ukraine chưa cần tên lửa này, một phần vì lo ngại có thể khiến xung đột leo thang.
https://vtc.vn/tai-sao-my-van-khong-dong-y-cung-cap-ten-lua-atacms-cho-ukraine-ar807929.html