Trạm Tào Xuyên đã chính thức bị tạm dừng thu phí từ 10.8. Đáng nói, quyết định này được Bộ Giao thông vận tải đưa ra khi các bộ liên quan đều không thống nhất với việc “cắt giảm” số năm tạo lợi nhuận dự án.

Các bộ liên quan cho rằng cần căn cứ trên hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết quyết định tạm dừng thu phí với Trạm thu phí Tào Xuyên được đưa ra sau nhiều lần đàm phán về mức lợi nhuận của dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Thanh Hóa theo hình thức hợp đồng BOT với nhà đầu tư không đạt kết quả. Dự kiến, ngày 15.8, cơ quan này và nhà đầu tư sẽ tiếp tục đàm phán về mức lợi nhuận của dự án.

Đáng chú ý, trong lần đàm phán vào tháng 4.2017, trong khi các bộ liên quan là Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đều cho rằng phải tuân thủ hợp đồng đã ký với nhà đầu tư, riêng Bộ Giao thông vận tải đã không ký vào biên bản thương thảo, đàm phán.

Cụ thể, tại cuộc đàm phán, nhà đầu tư là Công ty cổ phần Bitexco và doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa cho rằng mức lợi nhuận của nhà đầu tư là 3 năm thu phí tạo lợi nhuận sau khi kết thúc thời gian thu phí hoàn vốn và theo doanh thu thu phí thực tế. Căn cứ pháp lý để xác định mức lợi nhuận là hợp đồng BOT đã ký và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp.

Đại diện Bộ Tư pháp tại cuộc đàm phán, ông Lê Đại Hải, Vụ phó Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, cho rằng Nhà nước (Bộ Giao thông vận tải) là một bên ký hợp đồng BOT, đề nghị thực hiện theo cam kết của hợp đồng. Qua xem xét nội dung của hợp đồng và các tài liệu kèm theo không có điều khoản nào cam kết sẽ đàm phán lại mức lợi nhuận của nhà đầu tư mà chỉ có cam kết đàm phán lại thời gian hoàn vốn của dự án. Vì vậy, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị giữ nguyên mức lợi nhuận của nhà đầu tư theo hợp đồng BOT đã ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Giao thông vận tải).

Đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cũng cho rằng về nguyên tắc, phải tuân thủ hợp đồng đã ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư. Bộ Giao thông vận tải cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các trường hợp tương tự.

Còn theo đại diện Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư đã ký kết phụ lục hợp đồng BOT số 637/GTVT ngày 11.3.2005 và hợp đồng số 38/2007 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh thành phố Thanh Hóa theo hình thức hợp đồng BOT. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết đã được hai bên thống nhất trong hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã ký. Trong hợp đồng và phụ lục hợp đồng không quy định các trường hợp hai bên sẽ phải đàm phán lại mức lợi nhuận của nhà đầu tư. Đại diện Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát các dự án BOT gặp tình trạng tương tự tại hợp đồng BOT, báo cáo Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.

Tuy nhiên, tại biên bản đàm phán, đại diện Bộ Giao thông vận tải gồm Vụ Đối tác công tư, Vụ Tài chính và Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ cho biết đang tiếp tục xem xét kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về mức lợi nhuận theo hợp đồng BOT đã ký với Bộ Giao thông vận tải. Đại diện các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải cũng không ký vào biên bản thương thảo, đàm phán giữa các bên.

/ Mai Hà/thanhnien.vn