Theo các chuyên gia, việc đập thủy điện Kakhovskaya bị phá hủy rõ ràng có thể ảnh hưởng đến tuyến phòng thủ của cả Nga và Ukraine khi tất cả chìm trong nước.
- Người dân chạy trốn sau hậu tuyên bố trái ngược của Nga-Ukraine về vụ vỡ đập
- Nhà Trắng: Mỹ chưa thể xác định nguyên nhân vỡ đập Ukraine
- Nga: Ukraine pháo kích làm vỡ đập thủy điện gần Kherson
Theo RT, Ngày 6/6, đập chính của nhà máy thủy điện Kakhovskaya (Nova Kakhovka) ở tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine hiện do Nga kiểm soát bị pháo kích phá hủy, kết quả hai bên hạ nguồn sông Dnieper chìm trong biển nước. Moskva tuyên bố Kakhovskaya đã bị hư hại do một cuộc tấn công của Ukraine, trong khi Kiev đổ lỗi cho Nga.
Tầm quan trọng của đập Kakhovskaya
RT cho biết, hồ chính của đập Kakhovskaya chứa khoảng 18 km3 nước, tương đương với thể tích của Hồ Muối Lớn ở Utah (Mỹ). Việc vỡ đập có thể gây ra tình trạng ngập lụt tại các khu định cư bên dưới đập, bao gồm cả thành phố Kherson, nơi mà Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát từ Nga vào cuối năm 2022.
Sau vụ tấn công ngày 6/6, ít nhất 14 trong 28 nhịp của đập Kakhovskaya đã sập hoàn toàn. Mực nước trong khu vực lân cận cũng dâng cao hơn 10 m.
Ngay sau khi con đập bị vỡ, người đứng đầu vùng Kherson đã kêu gọi người dân sơ tán khỏi khu vực và cảnh báo rằng “mực nước sẽ đạt mức nguy hiểm trong 5 giờ nữa”.
Ngoài việc được sử dụng để vận hành nhà máy thủy điện Kakhovskaya, con đập này cũng cung cấp nước cho bán đảo Crimea, cũng như đóng vai trò hồ dữ trự nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Việc đập Kakhovskaya bị phá hủy sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề năng lượng của Ukraine, đặc biệt sau khi Moskva liên tục nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Kiev hồi đầu năm nay.
Đập Kakhovskaya vỡ cũng có khả năng phá hủy hệ thống kênh đào tưới tiêu cho phần lớn miền Nam Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea.
Hậu quả khi đập Kakhovskaya vỡ
Bộ Năng lượng Ukraine thông báo vụ việc không đe dọa đến nguồn điện của miền nam nước này. "Nguồn điện được sản xuất là đủ để cung cấp cho nhu cầu của người sử dụng",Reuters dẫn thông báo cho biết.
Trong khi đó, chính quyền thân Nga ở Kherson thông báo vụ vỡ đập không ảnh hưởng đến nguồn cấp nước cho kênh Bắc Crimea, dẫn nước từ Kherson sang Crimea. Ngoài ra các khu vực bị ngập do nước sông Dnieper dâng lên cũng lâm vào tình cảnh mất điện và mất nước.
Giới chức thân Nga cũng cho biết 14 khu định cư lân cận đập Kakhovskaya với tổng dân số 22.000 người đang đối mặt với lũ lụt. Trong khi đó, Kiev đánh giá khoảng 80 thị trấn hiện đang nằm trong vùng nguy hiểm và cũng ra lệnh sơ tán khỏi các thị trấn mà họ đang kiểm soát.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết các chuyên gia của họ đang “theo dõi chặt chẽ tình hình” và xác định chưa xảy ra nguy cơ mất an toàn hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sau khi đập Kakhovskaya bị phá hủy.
“IAEA đã nhận được các báo cáo về thiệt hại tại đập Kakhovskaya. Các chuyên gia của IAEA tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Không có rủi ro hạt nhân tức thời nào tại nhà máy”, cơ quan cho hay.
Tuy nhiên, cơ quan năng lượng nguyên tử nhà nước Ukraine Energoatom cho biết mực nước của hồ chứa Kakhovskaya đang hạ thấp nhanh chóng, gây ra "mối đe dọa tiềm tàng" cho nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này.
Các bên cáo buộc lẫn nhau
Bộ tư lệnh Tác chiến miền Nam quân đội Ukraine cáo buộc lực lượng Nga kích nổ đập thủy điện Kakhovskaya ngay sau khi có thông tin con đập bị phá hủy, đồng thời nhấn mạnh rằng cơ sở này hiện do Moskva kiểm soát.
Trong khi đó, truyền thông Nga dẫn lời Thị trưởng thành phố Nova Kakhovka do Nga bổ nhiệm cho biết, phần trên của con đập đã bị phá hủy do pháo kích từ phía Ukraine và việc phá hủy con đập là “hành động khủng bố nghiêm trọng”.
Theo các chuyên gia, việc đập thủy điện Kakhovskaya bị phá hủy rõ ràng có thể ảnh hưởng đến tuyến phòng thủ của cả Nga và Ukraine khi tất cả chìm trong nước.
Trợ lý cấp cao của Tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, nói rằng việc phá đập sẽ “tạo trở ngại” cho cuộc phản công của Ukraine. Ông này nhận định, điều này cho thấy “Kremlin không tư duy ở cấp chiến lược mà chỉ dừng lại ở lợi ích tình thế ngắn hạn”.
Nhà bình luận quân sự người Nga Vladislav Ugolny tin rằng việc đập Kakhovskaya bị phá hủy sẽ khiến mọi hoạt động quân sự trong khu vực trở nên khó khăn hơn nhiều. “Các hòn đảo trên sông Dnieper mà lực lượng Ukraine kiểm soát kể từ tháng 11/2022 sẽ ngập trong biển nước. Mực nước trên sông thấp sẽ có lợi hơn cho Kiev”.
Cũng theo ông Ugolny, với tình hình hiện tại cả hai bên phải rút lui khỏi khu vực và tái bố trí lại lực lượng dọc theo sông Dnieper, các hoạt động quân sự trong khu vực có thể sẽ dừng lại. Ông Ugolny cũng cảnh báo về nguy cơ đập Kakhovskaya vỡ hoàn toàn khi điều kiện hiện tại không cho phép Nga sửa chữa lại con đập trong thời gian ngắn.