Đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao dịp 30/4, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến cung ứng khoảng 900 nghìn ghế trên các đường bay nội địa.

Mở bán nhiều vé hạng phổ thông giá hấp dẫn trong khung giờ tối muộn

Tăng cường bay đêm,

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và cao điểm hè, Vietnam Airlines mở bán nhiều vé hạng phổ thông với mức giá hấp dẫn trong khung giờ tối muộn như vé phổ thông tiết kiệm.

Đại diện Cục Hàng không VN cho biết, trong số 900 nghìn ghế cung ứng dịp 30/4, các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi đến các địa phương là 657 nghìn ghế, 3,4 nghìn chuyến bay, tăng tương ứng 4,2% về ghế cung ứng và 5,5% về số lượng chuyến bay so với cùng kỳ năm 2023. 

Đội tàu bay khai thác dự kiến của các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn này là 165-170 tàu, giảm 40-45 tàu bay so với cùng kỳ năm 2023.

Phía Vietnam Airlines, Phó tổng giám đốc Đặng Anh Tuấn cho biết: Dịp này, hãng sẽ cung ứng tổng cộng 575.000 ghế và 2.900 chuyến bay trong giai đoạn cao điểm từ 26/4 - 2/5. So sánh cùng kỳ năm ngoái, tổng số ghế nội địa và quốc tế tăng lần lượt hơn 10% và 12%.

Hãng cũng khai thác tăng cường hơn 2.000 chuyến bay vào các khung giờ giờ muộn sau 21h hàng ngày trên các đường bay giữa Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn… để thêm lựa chọn cho hành khách trong bối cảnh tải cung ứng giảm do ảnh hưởng của việc triệu hồi động cơ.

Đáng chú ý, phục vụ nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và cao điểm hè, Vietnam Airlines mở bán nhiều vé hạng phổ thông với mức giá hấp dẫn trong khung giờ tối muộn như vé phổ thông tiết kiệm (từ 1.724.000 đồng/chặng hoặc 1.929.000 đồng/chặng, đã bao gồm thuế, lệ phí) cho hành trình giữa Hà Nội và TP. HCM hay vé phổ thông tiết kiệm trên các đường bay giữa Hà Nội, TP.HCM đi Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…

Đồng thời, để góp phần kích cầu du lịch nội địa, Vietnam Airlines đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi trong dịp này. Hành khách mua vé cả hành trình bay hạng phổ thông linh hoạt hoặc phổ thông tiêu chuẩn được giảm giá 20% khi mua vé hạng phổ thông linh hoạt, phổ thông tiêu chuẩn trong lần tiếp theo; giảm 10% giá vé cho nhóm từ 4 khách trở lên và giảm 15% giá vé cho nhóm từ 8 khách trở lên; mua sớm giá tốt với mức giảm 5% giá vé trên các hành trình nội địa khi mua sớm trước 30 ngày so với ngày khởi hành;

Ngoài ra, hãng đưa ra nhiều ưu đãi hạng Thương gia chỉ từ 1.909.000 VNĐ/chiều (đã bao gồm thuế, phí) cho một số chặng bay nội địa có khung giờ khởi hành trước/vào 6h sáng và từ/sau 21h tối. Các chương trình này có thể có điều kiện kèm theo về thời gian khởi hành và chặng bay.

Hiện tại, Vietnam Airlines ghi nhận hai ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ (27-28/4), chỉ số lấp đầy của nhiều đường bay du lịch đã đạt 70-90% như Hà Nội - Huế, Chu Lai, Quy Nhơn, Đồng Hới, Nha Trang; Tp Hồ Chí Minh - Phú Quốc, Tuy Hòa, Đồng Hới, Đà Lạt, Vân Đồn… Các chuyến bay từ Hà Nội đến Đà Nẵng, Phú Quốc đã được lấp đầy hơn một nửa và dự báo tiếp tục tăng mạnh trong tuần gần nghỉ lễ.

 máy bay tăng cao vì sao?

Thực tế hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm số lượng tàu bay.

Nguyên nhân đầu tiên đến từ việc Nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) triệu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất (ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới).

Đây là các động cơ này đang được sử dụng trên một số tàu bay A321NEO khai thác bởi Vietnam Airlines và VietJet Air. Sự việc này làm cho một số tàu bay phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025.

Cùng đó, hai hãng hàng không Pacific Airlines và Bamboo Airways thực hiện việc tái cơ cấu đội tàu bay nhằm tối ưu công tác quản trị, tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định hoạt động khai thác trong giai đoạn này và chờ thị trường khôi phục, phát triển trở lại trong giai đoạn tới đây.

Bên cạnh việc sụt giảm quy mô đội tàu bay, các hãng hàng không Việt Nam còn phải đối mặt với những khó khăn rất lớn về khả năng bảo đảm nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động (một vấn đề phát sinh và kéo dài từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát) cũng như những khó khăn tác động từ hệ lụy của những vấn đề toàn cầu (xung đột quân sự, khả năng tăng trưởng trở lại của các quốc gia trên thế giới, áp lực về tỷ giá, lãi suất, giá nhiên liệu hàng không, các yêu cầu về bảo vệ môi trường...).

Riêng về nhiên liệu (vốn chiếm gần 40 chi phí của các hãng hàng không), theo thông tin của Báo Giao thông, từ sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bùng nổ, cộng thêm tình hình bất ổn tại khu vực Trung Đông, giá dầu toàn cầu tăng mạnh và giá nhiên liệu bay Jet A1 tăng cao. Hiện tại, theo số liệu cập nhật của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA, giá nhiên liệu Jet-A1 ngày 5/4/2024 lên tới 111,3 USD/thùng.

Đại diện Cục Hàng không VN cho biết: Các khó khăn này của các hãng hàng không Việt Nam tạo ra thêm những gánh nặng lên chi phí quản lý vận hành hoạt động và kéo theo những áp lực ảnh hưởng đến việc điều chỉnh tăng giá vé máy bay, đặc biệt trong những giai đoạn nhu cầu thị trường có sự gia tăng như trong các kỳ nghỉ lễ, Tết và mùa du lịch.

Cần phải nói rằng, giá vé máy bay tăng cao không phải là tình trạng riêng có tại Việt Nam. Theo Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) của FCM Consulting (một công ty cung cấp dịch vụ lữ hành toàn cầu), do các hãng hàng không đối mặt chi phí nhiên liệu cao, tình hình nâng cấp đội bay, việc bổ sung thuê/mua, bảo dưỡng tàu bay, vấn đề thiếu hụt nhân lực... nên giá vé máy bay toàn cầu dự báo sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Thống kê giá vé máy bay quốc tế (hạng phổ thông) cuối năm 2023 đã tăng 17-25% so với năm 2019. Trong đó, khu vực châu Á tăng 21%; Úc/New Zealand tăng 22%; Châu Âu tăng 18%; Nam Mỹ tăng 25% và Bắc Mỹ tăng 17%.

https://www.baogiaothong.vn/tang-cuong-bay-dem-ha-nhiet-gia-ve-may-bay-dip-30-4-192240419003926653.htm

PV / Giao thông