Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên vào năm 2025 và mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, Việt Nam cần lựa chọn kịch bản tăng trưởng phù hợp với điều kiện của mình, đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao nhưng quan trọng hơn là phải bền vững.
Thẳng thắn nhận diện, hóa giải thách thức
GS.TS. Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước đã đặt mục tiêu GDP tăng trưởng 8% trở lên vào năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, hướng tới nhóm nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nhóm nước thu nhập cao vào năm 2045. Việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số không chỉ là khát vọng chiến lược, mà còn là thước đo phản ánh tầm nhìn, quyết tâm và năng lực điều hành kinh tế vĩ mô của đất nước.
Tuy nhiên, tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào đầu tư và hướng ra xuất khẩu; doanh nghiệp nội địa hầu như chỉ gia công và lắp ráp; mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước rời rạc; xuất khẩu phụ thuộc vào một số thị trường lớn… “Con đường hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số đặt ra nhiều thách thức về thể chế nguồn lực, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, khoa học - công nghệ và năng lực nội tại của doanh nghiệp. Đồng thời, bối cảnh toàn cầu đang có nhiều biến động với các yếu tố như căng thẳng địa chính trị, chính sách các nước lớn thay đổi, vấn đề chuyển đổi số, chuyển dịch chuỗi cung ứng và yêu cầu phát triển xanh - bền vững… cũng đòi hỏi Việt Nam phải có các chiến lược phát triển linh hoạt, hiệu quả và đột phá”, GS.TS. Phạm Hồng Chương khẳng định.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên vào năm 2025 và mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, Việt Nam cần lựa chọn kịch bản phù hợp với điều kiện của mình, đảm bảo nền tảng vững chắc, giảm rủi ro “sốc tăng trưởng” và mất cân đối. Theo các chuyên gia, mỗi quốc gia còn có những chính sách đặc thù để phát huy tối đa lợi thế riêng, như Nhật Bản tập trung phát triển công nghiệp và huy động nguồn lực nội địa, Hàn Quốc ưu tiên các tập đoàn lớn, Singapore mở cửa và tận dụng vị trí địa lý, hay Trung Quốc cải thiện môi trường kinh doanh. Tương tự các nước Đông Á trước đây, mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong hơn ba thập kỷ qua chủ yếu dựa vào đầu tư và hướng ra xuất khẩu, thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ tỷ lệ xuất khẩu/GDP. Tuy nhiên, Việt Nam chưa thành công như một số nước Đông Á là do khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế; các doanh nghiệp FDI hoạt động độc lập và ít liên kết với doanh nghiệp trong nước; doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thực hiện các công đoạn gia công giá trị thấp và phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên liệu.
Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng do chất lượng nguồn nhân lực thấp, nguồn lực đầu tư hạn chế và môi trường vĩ mô chưa thực sự thuận lợi, việc bứt phá trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, nếu không có những đột phá chính sách, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức vừa phải và khó để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, vị chuyên gia này khẳng định.
![]() |
Triển khai “bộ tứ chiến lược” tại các nghị quyết của Đảng để thực hiện các giải pháp đột phá cho tăng trưởng kinh tế cao, bền vững |
Xây dựng kế hoạch dài hạn, tạo chính sách hỗ trợ
Khó khăn, thách thức này đã được nhận diện. Do đó, “bộ tứ chiến lược” tại các nghị quyết của Đảng được ban hành gần đây, cùng với công cuộc cải cách bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính là điều kiện thuận lợi để thực hiện các giải pháp đột phá cho tăng trưởng. Bộ máy tinh gọn cùng với tư duy mới về xây dựng hệ thống luật pháp, về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tư nhân góp phần hình thành khung khổ thể chế thuận lợi cho môi trường kinh doanh hấp dẫn. Việc sáp nhập một số tỉnh sẽ tháo bỏ rào cản về chia cắt nguồn lực, giúp phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Tư duy mới trong phát triển kinh tế tư nhân sẽ khơi dậy và phát huy được tinh thần kinh doanh năng động, sáng tạo của khu vực này, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất.
Đặc biệt, những thay đổi trong khi Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội thời gian qua đã cho thấy quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững với tốc độ làm việc kỷ lục, với 11 nghị quyết và 34 luật dự kiến thông qua, gấp nhiều lần bình quân của các kỳ họp trước. Ngoài các luật và nghị quyết được thông qua theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có từ trước, thì nhiều luật, nghị quyết quan trọng được thông qua nhằm tạo đột phá về thể chế, hành lang pháp lý, phá bỏ các lực cản, phát huy tối đa năng lực nội tại, năng lực tiềm năng của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế rất cao và quan trọng hơn là phải bền vững.
Để tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, PGS.TS. Phạm Thế Anh, giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) đề xuất, cần xây dựng kế hoạch dài hạn cụ thể, tạo chính sách hỗ trợ (thuế, tín dụng và môi trường kinh doanh) cho các ngành mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Mặt khác, cần chọn lọc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng có sức lan tỏa cao, tránh dàn trải, không bị chi phối bởi các yếu tố lợi ích cục bộ hoặc tính thời điểm. Đối với việc huy động nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư công lớn, phải chuyển dịch cơ cấu chi và tìm các nguồn thu bền vững như: thu hẹp/tinh gọn bộ máy; Áp dụng thuế bất động sản (từ căn nhà thứ hai trở đi); giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân để kích thích đầu tư và tiêu dùng trong nước (thay thế một phần xuất khẩu); ưu đãi thuế dựa trên tỷ lệ nội địa hóa; thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh hợp tác công tư.
TS. Đặng Thị Thu Hoài, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược nhấn mạnh, tăng năng suất là động lực tăng trưởng quan trọng nhất, bằng cách chuyển dịch cơ cấu, tăng cường hiệu quả, tăng trưởng theo chiều rộng, đổi mới sáng tạo. Những nghị quyết của Đảng, Nhà nước vừa ban hành về những giải pháp phát triển công nghệ, chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tư nhân, cũng như công cuộc cải cách bộ máy, chính quyền các cấp cũng sẽ là một động lực tăng trưởng lớn cho nền kinh tế.
Tuy vậy, TS. Đặng Thị Thu Hoài cũng cho rằng, các cơ quan quản lý cần tiếp tục cải cách pháp luật, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực, vốn, đất đai, cơ hội kinh doanh phải minh bạch, dựa trên năng lực đổi mới sáng tạo… Việt Nam cần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bằng cách tăng đầu tư từ ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động R&D thuộc các lĩnh vực trọng tâm; xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm công nghệ, cùng các khuyến khích R&D, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp...
Mặt khác, theo các chuyên gia, dù hướng tới phát triển kinh tế bền vững và đạt mức tăng trưởng cao, nhưng Việt Nam không nên đánh đổi ổn định kinh tế vĩ mô để lấy tăng trưởng cao, mà cần xây dựng kế hoạch dài hạn, cụ thể; chọn lọc đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm, phối hợp hài hoà các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường kinh doanh minh bạch...
https://thoibaonganhang.vn/tang-truong-kinh-te-chon-nhanh-hay-ben-vung-165875.html