Đơn vị vận hành tàu điện Cát Linh - Hà Đông đưa ra 3 phương án giá vé, trong đó có mức 10.000 đồng cho cự ly 4-5 km.
Công ty đường sắt Hà Nội, đơn vị quản lý tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông vừa lập 3 phương án giá vé để trình lãnh đạo thành phố phê duyệt.
"Chúng tôi đưa ra 3 mức giá thấp, trung bình và cao, mỗi phương án chênh nhau 1.000 đồng mỗi vé", ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty cho hay.
Phương pháp xây dựng giá vé dựa trên mức giá cố định chung (giá mở cửa), sau đó cộng thêm tiền cho mỗi km theo nguyên tắc "đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu". Mức giá bình quân được đề xuất cao hơn vé xe buýt khoảng 40%.
"Với phương án vé trung bình, hành khách đi 4-5 km sẽ trả tiền vé 10.000 đồng, nếu đi cự ly ngắn hơn thì giá vé sẽ giảm còn đi cự ly dài hơn thì tăng thêm", ông Trường nói.
Tàu điện Cát Linh - Hà Đông vận hành thử toàn tuyến hôm 22/9. Ảnh: Giang Huy
Phương án giá vé được Metro Hà Nội xây dựng dựa trên khả năng chi trả của người dân, có trợ giá của nhà nước để đảm bảo tính cạnh tranh với phương tiện cá nhân. Với phương án giá thấp thì thành phố sẽ phải bù lỗ nhiều. Do đó, Metro Hà Nội kiến nghị thành phố áp dụng mức giá vé trung bình để hài hòa giữa lợi ích hành khách và Nhà nước.
Cũng theo ông Vũ Hồng Trường, với quãng đường 6,5 km, nhiều nước thường áp dụng giá vé metro mức thấp nhất là 0,8 USD (khoảng 18.000 đồng), cao nhất 2,2 USD (khoảng 50.000 đồng).
Metro Hà Nội đã khảo sát hơn 1.500 người dân sống gần tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, kết quả đa số ý kiến chấp thuận giá vé đường sắt đô thị cao hơn giá vé xe buýt từ 30-37%; giá vé tháng cao hơn 15-20%. Ví dụ, giá xe buýt là 7.000 đồng thì vé đường sắt là 10.000 đồng.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi vận hành chính thức sẽ hoạt động từ 5h sáng đến 23h đêm hàng ngày; 5 - 6 phút có một chuyến, ngoài giờ cao điểm thì 10 phút một chuyến; khi tiếp cận ga, đoàn tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống.
Tàu được thiết kế chạy 80km/h, tuy nhiên vận tốc khai thác bình quân là 35km/h và tốc độ cho phép chạy đến 65km/h.
Với tốc độ trên và được chạy trên đường không có chướng ngại vật, từ bến xe Yên Nghĩa đến ga Cát Linh (dài 13km) trung bình hết 15 - 20 phút.
Từ 22/9, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử toàn tuyến và dự kiến sau 3-6 tháng sẽ đưa vào vận hành, khai thác thương mại.
Giá vé metro Cát Linh sẽ cao hơn xe buýt Giá vé tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được TP Hà Nội trợ giá nên phù hợp với thu nhập người ... |
Gần 700 nhân sự vận hành 13 km tàu Cát Linh - Hà Đông Hơn 600 nhân viên làm việc tại 8 trung tâm của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trong đó 201 người đào ... |