Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và TP Hà Nội đã thống nhất về quy hoạch mạng lưới đường sắt trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, ga Hà Nội sẽ là ga nội đô, ga Ngọc Hồi sẽ trở thành tổ hợp ga đầu mối quốc gia, dành cho cả tàu khách tuyến Bắc-Nam, tàu đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Bộ GTVT đang giao cho các đơn vị chuyên môn rà soát, tổ chức lại việc xây dựng ga Ngọc Hồi.
- Bắc Kinh đóng cửa các tuyến đường sắt, chuẩn bị ứng phó lũ quét
- Đề xuất chi 2.300 tỷ đồng nâng cấp 22 ga đường sắt liên vận quốc tế
Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt, Bộ GTVT, Ban được giao quy hoạch mặt bằng depot Ngọc Hồi để thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi. Tuy nhiên, khi Bộ GTVT và TP Hà Nội có chủ trương mới cho mặt bằng depot này, trong đó có cả dự án kèm theo, trong 2 năm qua, việc khảo sát, thực hiện tại mặt bằng dự án đã phải dừng lại.
Cùng với đó, theo chủ trương của Chính phủ, các dự án đường sắt đô thị thuộc TP Hà Nội đã bàn giao cho địa phương triển khai nên đến hiện tại, Ban đã hoàn thành cơ bản việc chuyển dự án sắt đô thị số 1 cho TP Hà Nội tiếp nhận, lên phương án thực hiện tiếp, trong đó có cả hồ sơ mặt bằng depot của dự án. Theo chủ trương Bộ GTVT vừa thống nhất với TP Hà Nội, khu depot Ngọc Hồi chỉ là một phần công việc (hạng mục) của ga Ngọc Hồi khi được phát triển thành tổ hợp nhà ga.
Cục Đường sắt, Bộ GTVT cho biết, hiện dự thảo quy hoạch xây dựng chi tiết ga Ngọc Hồi đang được Cục phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện. Theo dự thảo quy hoạch này, từ 102ha của trạm depot, từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050, ga Ngọc Hồi sẽ được mở rộng khoảng 251ha. Trong đó nhà ga đường sắt tốc độ cao 8ha, khu depot 102ha; ga đường sắt quốc gia 14,6ha; ga hàng hóa 24,6ha…
Đơn vị tư vấn TEDI đánh giá, với quy mô và chức năng như trên, sau khi được hoàn thành xây dựng theo quy hoạch mới, tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ là ga đường sắt lớn nhất miền Bắc. Tàu dừng tại ga Ngọc Hồi sau đó sẽ được hệ thống đường sắt đô thị nội đô và các loại hình vận tải công cộng tại TP Hà Nội đảm nhiệm. Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ đi qua 20 tỉnh, thành, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của đất nước. Tại Hà Nội, tàu đường sắt tốc độ cao đi trên cao và vượt qua các đường vành đai, đường sắt giao cắt tại khu vực phía Nam, sau đó tiếp cận ga tiếp theo bên ngoài Hà Nội là ga Phủ Lý (tỉnh Hà Nam).
Liên quan đến việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trên cơ sở chính trị và pháp lý. Đó là Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam; Nghị quyết số 103 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, yêu cầu nghiên cứu, triển khai hiệu quả Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục Đông-Tây; nghiên cứu hoàn thiện Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.
Ngoài ra, cơ sở thực tiễn là nhu cầu vận tải rất lớn. Đất nước trải dài theo hướng Bắc-Nam, trong khi hạ tầng giao thông chưa phát triển. Chi phí logistics còn cao, chiếm tỉ lệ khoảng 17-18%, cao hơn so với thế giới (chi phí logistics thế giới khoảng 10-11%). Thực tế này làm cho giá thành hàng hóa cao, sức cạnh tranh có hạn. Vì vậy, cần phải phát triển logistics toàn diện, lựa chọn các phương án tối ưu, trong đó có phương án đường sắt tốc độ cao.
Để triển khai kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT tập trung xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để trình cấp có thẩm quyền. Mục tiêu và yêu cầu đặt ra là cần phải hoàn thành chiều dài đường sắt tốc độ cao khoảng 1.541km qua 20 tỉnh, thành phố. Thời gian thực hiện khoảng 10 năm, phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành. Về giải pháp để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất, "qua sông bắc cầu, qua núi khoét hầm, qua ruộng đắp nền"; lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350km/h.
Về công năng vận tải, hiện trên trục giao thông Bắc - Nam đã có 3 tuyến đường bộ (gồm quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc đang được xây dựng), cùng các tuyến đường biển, hàng không, đường sắt. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT ính toán khả năng thu hồi vốn, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả tài chính, hiệu quả vận tải, logistics, hiệu quả tổng hợp, trực tiếp và gián tiếp… Từ đó nghiên cứu cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn theo các phương thức khác nhau, đa dạng hóa nguồn vốn (vốn Trung ương, vốn địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu, vốn doanh nghiệp…).
Hàn Quốc đề xuất hợp tác đường sắt tốc độ cao với Việt Nam
Ngày 17/7, thông tin từ Bộ GTVT cho biết, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang vừa tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) Park Sang Woo về tăng cường hợp tác lĩnh vực GTVT, bao gồm đường sắt tốc độ cao. Tại buổi làm việc, Bộ GTVT Việt Nam và Bộ MOLIT đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực giao thông. Trước mắt có thể ký MOU trong lĩnh vực đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao. Được biết, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Á (sau Nhật Bản) phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao. Hàn Quốc cũng là một điển hình trong việc chuyển giao công nghệ và nội địa hóa ngành công nghiệp phục vụ hệ thống đường sắt tốc độ cao.