Ông Mark Rutte, cựu Thủ tướng Hà Lan, được bổ nhiệm làm Tổng thư ký của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 1/10 vừa qua. Thời gian tới, NATO sẽ phải đối diện với các vấn đề an ninh và ổn định toàn cầu, với yêu cầu không chỉ là duy trì tính gắn kết của khối mà còn phải củng cố và điều chỉnh các chiến lược nhằm thích ứng với bối cảnh quốc tế mới.
Xung đột Ukraine kéo dài đến bao giờ?
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khởi nguồn từ năm 2014 và bùng phát mạnh mẽ vào tháng 2/2022 khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine đã làm rung chuyển NATO khi nó diễn ra ngày rìa biên giới phía Đông của khối này. Đây chính là thách thức chủ yếu của NATO trong một thập kỷ vừa qua và vẫn sẽ là thách thức lớn nhất mà tân Tổng Thư ký Mark Rutte phải đối mặt trong thời gian tới. NATO đã tăng cường hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine trong thời qua, song song với việc gia tăng sự hiện diện quân sự ở Đông Âu để đảm bảo an ninh cho các quốc gia thành viên NATO giáp ranh với Nga.
Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), NATO đã cung cấp hơn 100 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến nổ ra. Sự hỗ trợ này bao gồm vũ khí phòng không, tên lửa chống tăng và các thiết bị quân sự hiện đại, với sự cam kết tiếp tục hỗ trợ dài hạn. Tuy nhiên, việc duy trì sự hỗ trợ này trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và những lo ngại về nguy cơ xung đột lan rộng là bài toán khó cho ông Rutte. Chuyên gia quân sự Michael Kofman đánh giá: “Sự kiên trì của NATO trong việc hỗ trợ Ukraine sẽ quyết định liệu tổ chức này có thể giữ vững vị thế là trụ cột an ninh châu Âu hay không”. Nhưng, chính sự kiên trì đó lại đang là thách thức lớn nhất của NATO. Khi cuộc xung đột cứ kéo dài không rõ hồi kết thì NATO có thể duy trì những khoản hỗ trợ cũng như chi phí quân sự thường trực khổng lồ này mãi?
Sau hơn 2 năm, nhiều nước thành viên NATO đã bày tỏ mong muốn tìm cách kết thúc cuộc xung đột này. Nhưng, mâu thuẫn cũng nảy ra từ đây khi “đối tác được họ lựa chọn” là Ukraine dường như không hề muốn tìm đến giải pháp hòa bình trong một cuộc xung đột mà họ gần như không thể thắng. Vì thế, thách thức với ông Mark Rutte sẽ cụ thể hơn là tìm cách buộc chính quyền ở Kiev phải ngồi vào bàn đàm phán. Có điều, không phải tất cả các thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ, ủng hộ quan điểm này.
Nội bộ EU Chia rẽ
Không chỉ không có sự ủng hộ của nước đứng đầu là Mỹ, bản thân Liên minh châu Âu (EU) với nhiều quốc gia là thành viên NATO, cũng đang trải qua những căng thẳng nội bộ về cách xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine và vai trò của NATO trong việc giải quyết xung đột. Một số quốc gia, chẳng hạn như Ba Lan và các nước Baltic, ủng hộ việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine và tăng cường sự hiện diện của NATO ở khu vực Đông Âu. Tuy nhiên, các quốc gia như Hungary và một số thành viên Tây Âu lại tỏ ra thận trọng hơn, lo ngại về việc xung đột kéo dài có thể dẫn đến sự suy giảm kinh tế và tạo ra sự bất ổn trong nước.
Chính sách đối ngoại của ông Rutte sẽ bị ảnh hưởng bởi việc quản lý sự bất đồng này. Sự đoàn kết của NATO có nguy cơ bị suy yếu nếu các thành viên không đồng lòng về chiến lược đối phó với Nga và việc phân bổ nguồn lực. Tháng 9/2024, một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Pew chỉ ra rằng chỉ có 51% người dân ở các quốc gia Tây Âu ủng hộ việc tiếp tục tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong khi tỷ lệ này ở Đông Âu là 78%. Điều này cho thấy một khoảng cách rõ rệt trong quan điểm giữa các thành viên NATO.
Ở một góc độ khác, hai nước dẫn dắt EU là Pháp và Đức cũng có những quan điểm trái ngược nhau trong thời gian qua về nhiều vấn đề từ tự chủ chiến lược, chi tiêu quốc phòng, quan hệ với Mỹ cho đến cuộc xung đột ở Ukraine. Sự khác biệt này giữa Pháp và Đức thể hiện cách tiếp cận khác nhau đối với vai trò của NATO và các vấn đề quốc phòng chung của châu Âu. Trong khi Pháp tìm cách tăng cường tính độc lập chiến lược của EU, Đức coi sự gắn kết với NATO là điều quan trọng nhất để đảm bảo an ninh khu vực. Đây là những vấn đề cốt lõi của NATO mà ông Mark Rutte với tư cách là Tổng Thư ký sẽ không thể lảng tránh.
Sự dịch chuyển trong cán cân quân sự của Mỹ
Vai trò của Mỹ trong NATO từ lâu đã là trụ cột của tổ chức này, với sự đóng góp về quân sự và tài chính chiếm phần lớn trong ngân sách và lực lượng của NATO. Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ đang dần điều chỉnh chiến lược quân sự toàn cầu, trong đó có việc tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Điều này đặt NATO vào tình thế khó khăn khi phải đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ ở châu Âu, đồng thời thích ứng với sự giảm bớt của Mỹ ở khu vực này. Việc đảm bảo rằng các quốc gia châu Âu tăng cường chi tiêu quốc phòng để bù đắp cho sự thay đổi trong cán cân quân sự là một thách thức mà ông Rutte cần phải xử lý. Theo số liệu từ NATO, chỉ có 11 trong số 31 quốc gia thành viên đã đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP vào năm 2023, trong đó các nước lớn như Đức, Pháp vẫn còn xa mới đạt được mục tiêu này.
Thực tế, việc Mỹ dịch chuyển nguồn lực khỏi châu Âu là không thể tránh khỏi. Sự tồn tại của NATO chính vì thế không thể tiếp diễn như trước đây được nữa mà cần thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh mới. Chuyên gia an ninh quốc tế Ian Bremmer, nhà sáng lập Eurasia Group, công ty chuyên tư vấn rủi ro chính trị cho các chính phủ nhận định: “Sự phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ trong NATO đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, nếu không có một chính sách tự chủ quốc phòng mạnh mẽ hơn từ các nước thành viên châu Âu, NATO sẽ khó duy trì sự gắn kết và hiệu quả khi Mỹ dịch chuyển trọng tâm chiến lược”. Đây chính là vấn đề chiến lược lớn mà ông Mark Rutte phải thảo luận với các nước thành viên của mình trong thời gian tới.
NATO phải thay đổi như thế nào?
Bối cảnh quốc tế đã có nhiều thay đổi với NATO sau 76 năm hình thành buộc tổ chức này phải tìm cách thích ứng. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Mark Rutte sẽ phải dẫn dắt NATO trong việc định hình lại chiến lược quân sự, không chỉ để đối phó với cuộc xung đột thực địa như ở Ukraine mà còn để thích ứng với những mối đe dọa an ninh mới như an ninh mạng, chiến tranh không gian và sự trỗi dậy của các cường quốc ngoài châu Âu. Báo cáo từ Diễn đàn An ninh Munich 2024 đã chỉ ra rằng NATO cần điều chỉnh cấu trúc chỉ huy và phát triển công nghệ để đối phó với các thách thức hiện đại.
Điều này bao gồm việc tăng cường khả năng phản ứng nhanh của các lực lượng NATO và đảm bảo khả năng tương thích công nghệ giữa các thành viên. Một yếu tố khác là sự cần thiết trong việc cải thiện mối quan hệ giữa NATO và EU để đối phó với các thách thức chung. Sự phối hợp này đã được đẩy mạnh thông qua các cuộc tập trận quân sự chung và các cuộc đối thoại về an ninh mạng, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế do sự khác biệt về chính trị và kinh tế giữa các quốc gia thành viên.
Tân Tổng Thư ký Mark Rutte đang đứng trước cơ hội lớn để định hình lại NATO và đưa tổ chức này vượt qua những thử thách lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh trong bối cảnh thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu. Theo bà Fiona Hill, cựu cố vấn về Nga và châu Âu tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thì: “Thành công của ông Rutte sẽ phụ thuộc vào khả năng của ông trong việc xây dựng sự đồng thuận trong NATO và lãnh đạo tổ chức này vượt qua những thách thức phức tạp đang định hình lại trật tự thế giới”.
NATO đang bước vào một kỷ nguyên mới và dưới sự lãnh đạo của tân Tổng Thư ký Mark Rutte, tổ chức này cần phải sẵn sàng cho những thay đổi lớn. Đó dĩ nhiên là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để ông Rutte ghi dấu ấn của mình. Với kinh nghiệm phong phú của ông, các thành viên NATO có quyền hy vọng vị thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Hà Lan sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.