Công tác cứu trợ sau trận động đất kinh hoàng tại Afghanistan đang được xúc tiến hết sức khẩn trương, song đối mặt với muôn vàn khó khăn trong bối cảnh các nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế bị hạn chế, còn quốc gia đã bị tàn phá bởi chiến tranh vẫn chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Đây là lúc các bên gác lại bất đồng, tranh chấp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chung tay hỗ trợ người bị nạn trên tinh thần nhân đạo và đoàn kết quốc tế.

cuu-ho.jpg
Các đội cứu hộ được chính quyền Afghanistan triển khai tìm kiếm người bị nạn tại nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất ở Herat.

Trận động đất mạnh 6,3 độ richter xảy ở cách thành phố Herat khoảng 40km về phía Tây - nơi sinh sống của khoảng 1,9 triệu người là một trong những thảm họa động đất cướp đi nhiều sinh mạng nhất xảy ra trên thế giới trong 1 năm qua. Theo số liệu của chính quyền Taliban, trên 2.400 người đã thiệt mạng, hơn 2.000 người bị thương, và hàng trăm người ở vùng tâm chấn vẫn mất tích. Con số nạn nhân được dự báo sẽ còn tăng khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm người mất tích trong những đống đổ nát gồm hàng ngàn các ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần. Lực lượng không quân Afghanistan trong những ngày qua đã thực hiện hàng chục chuyến bay vận chuyển người bị thương ra khỏi vùng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, công tác cứu hộ và chăm sóc y tế cho những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất đang ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh hệ thống chăm sóc sức khỏe của Afghanistan, vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào viện trợ nước ngoài, chịu sự cắt giảm trong suốt hai năm qua.

Người phát ngôn Bộ Xử lý thảm họa Afghanistan Janan Sayeeq cho biết, các đội cứu nạn được tăng cường từ thủ đô Kabul đã đến Herat để trợ giúp, nhưng khu vực này chỉ có một bệnh viện khiến hoạt động điều trị nạn nhân trở nên khó khăn, với các trường hợp nghiêm trọng phải chuyển đến các cơ sở y tế tư nhân xa xôi hơn. Tình trạng quá tải, thiếu thốn nhân lực ở vùng tâm chấn cũng buộc Taliban phải kêu gọi các nữ bác sĩ quay trở lại làm việc. Trong khi đó, sức ép bảo đảm cung ứng ngày càng căng thẳng đối với các loại hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, nước uống, thuốc men, quần áo và lều bạt… Theo tờ New York Times (Mỹ), nhu cầu đột ngột và cấp bách về thực phẩm, viện trợ và nơi ở dường như đang vượt quá khả năng ứng phó của chính quyền Taliban.

Giữa muôn vàn khó khăn như vậy, sự ủng hộ của quốc tế là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi của các cơ quan viện trợ và các nhóm phi chính phủ, mới chỉ có một số ít quốc gia công khai hỗ trợ.

Sau khi thảm họa xảy ra, các cơ quan và đối tác của Liên hợp quốc đã tăng cường hỗ trợ và các hoạt động khẩn cấp, gồm cả triển khai thêm các đội cứu hộ trên mặt đất để tham gia các nỗ lực nhân đạo. Quỹ UNICEF đã gửi 10.000 bộ dụng cụ vệ sinh, 5.000 bộ dụng cụ gia đình, 1.500 bộ quần áo và chăn mùa đông, 1.000 tấm bạt và các vật dụng gia đình cơ bản. Thổ Nhĩ Kỳ cũng vận chuyển hàng trăm bộ lều, chăn, cùng vật tư y tế đến Herat bằng đường hàng không. Chính phủ nước láng giềng Pakistan đã tổ chức một phiên họp đặc biệt để xem xét viện trợ cho Afghanistan, trong khi Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đã đề nghị viện trợ 200.000 USD cho Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Afghanistan. Tòa thánh Vatican cũng đã gửi một nhóm chuyên gia tới Afghanistan để phối hợp hỗ trợ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến, trong đó có Trưởng nhóm vận động của tổ chức World Vision Afghanistan Mark Calder, nhận định rằng, cần gia tăng các nguồn lực viện trợ quốc tế để có thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, nhất là khi nền kinh tế Afghanistan đang ở trạng thái suy yếu, cô lập với phần còn lại của thế giới. Thực tế, Washington và các đồng minh đã cắt nguồn tài trợ quốc tế từ khi Taliban lên nắm quyền, gần như làm tê liệt nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ này.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), có tới hai phần ba các gia đình Afghanistan đang đối mặt với "những thách thức đáng kể trong việc duy trì sinh kế”, khiến việc phục hồi sau thảm họa càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, Giám đốc Hội Chữ thập đỏ quốc tế (IRC) tại Afghanistan Salma Ben Assia nhận định, dự báo mùa đông khắc nghiệt sắp tới sẽ gây ra thảm họa cho những người phải di dời, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em.

Trong bối cảnh trận động đất mới nhất là tiếp tục tàn phá Afghanistan, đất nước vốn đã oằn mình dưới nhiều thập kỷ bạo lực, hạn hán và nền kinh tế sụp đổ, giờ có lẽ cũng là lúc cần tạm gác lại những tranh chấp và quan điểm cố hữu, nới lỏng những hàng rào kiềm tỏa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chung tay hỗ trợ người bị nạn trên tinh thần nhân đạo và đoàn kết quốc tế.

Hoàng Linh / HNM