Thời gian qua NHNN thường xuyên nhắc nhở các TCTD hạn chế cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán… để đảm bảo an toàn cho các TCTD.
Nhiều ngân hàng dừng cho vay bất động sản
Sacombank vừa có thông báo cho tất cả các chi nhánh trong mạng lưới của ngân hàng này dừng cho vay kinh doanh đầu tư bất động sản (BĐS) cho đến hết quý 2/2022. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa BĐS để ở.
Lý giải cho quyết định này, một lãnh đạo Sacombank cho biết, mỗi ngân hàng có một chiến lược cho vay riêng. Hiện tỷ lệ tăng trưởng cho vay BĐS đối với khách hàng cá nhân tại Sacombank cũng nhiều rồi nên trong giai đoạn này, chúng tôi không muốn cho vay BĐS nữa mà tập trung cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; đặc biệt là 5 nhóm lĩnh vực Chính phủ ưu tiên khuyến khích phát triển như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, mở rộng cho vay vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, logistics…
Chính sách khuyến khích các ngân hàng cho vay mua nhà để ở |
Theo nguồn tin của Thời báo Ngân hàng, Sacombank mới được NHNN cấp hạn mức tín dụng ở mức 9,5% cho năm 2022. Trong khi kế hoạch kinh doanh trình đại hội đồng cổ đông tới đây, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12%. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu vốn huy động tăng 10% và tổng tài sản tăng 10% so với năm 2021. Sacombank vẫn đang thực hiện tái cơ cấu theo Đề án đã được Chính phủ và NHNN phê duyệt, dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án để hoàn thành trước hạn đã được phê duyệt.
Tương tự, trong thông báo mới đây của Techcombank cũng nêu rõ: Tạm dừng giải ngân các khoản vay mua BĐS đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua BĐS (gồm chưa và đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3/2022. Không chỉ có Sacombank, Techcombank lắc đầu với việc cấp tín dụng vào các dự án đầu tư kinh doanh BĐS, nhiều ngân hàng khác đã lẳng lặng tăng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này để ngăn ngừa rủi ro, nhất là thị trường BĐS hiện đang có dấu hiệu sốt nóng, giá BĐS tăng cao tại nhiều địa phương.
Chẳng hạn, Agribank mấy năm nay không mặn mà với cho vay đầu tư kinh doanh BĐS để dồn vốn cho vay sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Theo lãnh đạo Agribank, dư nợ cho vay BĐS của ngân hàng này đến hết năm 2021 chỉ khoảng 1% trên tổng dư nợ tín dụng trên 1,5 triệu tỷ đồng. Song, Agribank vẫn dành ra các gói tín dụng với lãi suất từ 6,5-7%/năm cho vay tiêu dùng trong đó có hoạt động cấp tín dụng vay mua sửa chữa nhà ở. Ngoài ra, Agribank còn có các hình thức cho vay thấu chi qua phát hành thẻ đối với người lao động chứng minh có chi trả tiền lương, thu nhập… ngân hàng sẽ cấp một hạn mức tín dụng chi tiêu trước trả nợ sau.
Lãi suất cho vay mua nhà để ở trên thị trường hiện nay rất đa dạng, Vietcombank cho vay 24 tháng với lãi suất khoảng 8-8,2%/năm, BIDV lãi suất mềm hơn ở quanh mức 7% cho 12 tháng đầu… Hầu hết các ngân hàng đều áp dụng lãi suất ưu đãi chu kỳ đầu, sau đó lãi suất thời kỳ tiếp theo được tính trên cơ sở lấy lãi suất tiết kiệm 12 hoặc 13, 24 tháng cộng thêm 3,5% ra lãi suất cho vay tính trên theo dư nợ giảm dần.
Một số NHTMCP còn áp dụng lãi suất cho vay mua nhà để ở xuống đến 3,5%/năm nhưng chỉ áp dụng trong khoảng 3-6 tháng đầu tiên sau đó cũng được tính lãi suất cho vay theo công thức lấy lãi suất trên 12 tháng cộng thêm một tỷ lệ nhất định ra lãi vay thời kỳ tiếp theo.
Những người thạo vay vốn mua nhà cho biết, sản phẩm vay vốn tiêu dùng của một số NHTM có vốn nhà nước chi phối lãi suất mềm hơn NHTMCP nhưng cách thức xử lý khoản vay chặt chẽ hơn. Hiện nay công nghệ thông tin phát triển, các ngân hàng kiểm tra chéo nhau lịch sử thông tin tín dụng và thu nhập từ tiền lương, tiền thu nhập từ tiền cho thuê nhà, thu nhập bất thường của người lao động nên dễ dàng ra quyết định cho vay.
Tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh
Thời gian qua NHNN thường xuyên nhắc nhở các TCTD hạn chế cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như BĐS, chứng khoán… để đảm bảo an toàn cho các TCTD.
Tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các TCTD thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp... NHNN sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Tại Quyết định số 422/QĐ-NHNN Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, NHNN một lần nữa yêu cầu các TCTD ưu tiên, tập trung cho vay đối với các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích, phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế… theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu, đặc biệt đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng…
Không chỉ vậy, NHNN có sử dụng nhiều biện pháp để hạn chế các TCTD cho vay đối với các lĩnh vực BĐS như siết dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay BĐS.
Trả lời báo giới mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định: “NHNN sẽ siết chặt tín dụng BĐS có tính chất đầu cơ, có thể tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động cấp tín dụng cho một số dự án, doanh nghiệp BĐS”. Mặc dù sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhưng Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. “Ngành Ngân hàng sẽ hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng tín dụng sẽ linh hoạt hơn để hỗ trợ nền kinh tế, cùng với gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng ưu tiên vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực phục hồi kinh tế”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Với những giải pháp đó, theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS được kiểm soát và có xu hướng giảm qua các năm, như năm 2018 ở mức 26,76%, năm 2019 xuống mức 21,53% và giảm mạnh từ năm 2020 tín dụng BĐS trong toàn hệ thống chỉ còn khoảng 9,97% thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của toàn Ngành.
Cẩn thận “bỏng tay” trước các chiêu trò làm nóng thị trường bất động sản Đầu tư vào đâu để sinh lời? Đó là câu hỏi của rất nhiều người và bất động sản là một trong những kênh trú ... |