Dù mảnh đất công đang thuộc quyền quản lý của UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và nằm cách trụ sở đơn vị này không xa nhưng bị một hộ dân lấn chiếm xây tường, rào sắt, sử dụng để kinh doanh... Tình trạng này đã kéo dài nhưng chính quyền sở tại vẫn không giải quyết dứt điểm khiến người dân bức xúc.
Đất công bị lấn chiếm bán hàng. Ảnh: CN
Lấn đất công để kinh doanh
Phản ánh đến Báo Lao Động, bà Trần Quỳnh Giao (SN 1974, đang trú tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) cho biết, gia đình bà có một ngôi nhà tại số 12 ngách 89 xóm Lẻ, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Lô đất mà gia đình bà Giao được cấp sử dụng có một mặt giáp với khu vực trước đây là mương nước và ao là đất công, thuộc quyền quản lý của UBND xã Tân Triều theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 Luật Đất đai.
Khi biết khu vực mương nước, khu ao thuộc đất công có quy hoạch sau đó san lấp để triển khai làm đường đi và dự án xây dựng khu tái định cư thì một số hộ dân ngang nhiên cho đổ đất lên phần mương nước tiếp giáp với lô đất thuộc quyền sử dụng của gia đình bà Giao, xây tường áp sát vào tường nhà và cho rào bằng lưới thép B40, xung quanh cố định bằng các cọc sắt. Việc xây tường như vậy chắn lối ra của nhà bà Giao.
Trước sự việc trên, để đảm bảo an ninh trên địa bàn phía UBND xã Tân Triều đã đứng ra mời những người liên quan đến làm việc, hòa giải. Tuy nhiên, qua nhiều lần hòa giải, hai bên vẫn chưa có tiếng nói chung.
Theo ghi nhận của PV vào ngày 8.5, mảnh đất này rộng khoảng 15m2. Xung quanh được rào chắn lưới thép rất kiên cố. Một người phụ nữ đã che ô, căng bạt bày bàn ghế ngồi bán nước mía, trà đá tại đây.
Không xử lý dứt điểm, xung đột ngày càng cao
Trong biên bản làm việc giữa các bên ngày 19.3.2016 có ghi rõ, theo hồ sơ địa chính đang lưu tại UBND xã, phần diện tích ông Ngọc (Nguyễn Ngọc Anh) quây lưới B40, lát bêtông giáp khu đất tái định cư là đất công do xã quản lý. Việc ông Ngọc sử dụng và quây lưới B40 trên phần đất này là chưa đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo phản ánh, ông Ngọc đã nhiều lần dựng tôn, xây tường rào... tuy nhiên khi có phản ánh, phía UBND xã Tân Triều lại cho cán bộ kiểm tra và xử lý. Mới đây nhất là vào cuối tháng 4.2018 khi có thông tin phản ánh, phía UBND xã Tân Triều lại cho cán bộ ra để xử lý nhưng sau đó việc lấn chiếm lại tái diễn. Bà Giao cho rằng, sự việc xảy ra trên địa bàn đã khá lâu nhưng chính quyền không quyết liệt để xử lý dứt điểm.
Liên quan đến việc này, trao đổi với Lao Động ông Đặng Ngọc Quyền - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho hay phía chính quyền cũng đã nhiều lần xử lý, thu đồ đạc của hộ dân bán hàng ở đây. Ông Quyền cho rằng, trước khi nghỉ lễ (ngày 30.4 - PV) phía xã đã có xử lý. Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ảnh hộ dân này vẫn lấn chiếm bán hàng ông Quyền nói “chúng tôi lại tiếp tục cho xử lý tiếp”.
Khi được hỏi khi nào thì việc này sẽ giải quyết dứt điểm, ông Quyền không đưa ra câu trả lời rõ ràng và chỉ nói “cứ vi phạm là xử lý, chứ không có phương án cụ thể”.
Từ câu trả lời của ông Phó Chủ tịch xã Tân Triều, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cứ để sai phạm mới đi xử lý thì chính quyền có bao nhiêu cán bộ mới đủ để quản lý trên địa bàn?
Báo Lao Động tiếp tục thông tin.
Không phải đất công, không thiệt hại? Trả lời cử tri liên quan đến vụ chuyển nhượng hơn 32 ha đất của Cty Tân Thuận cho Cty CP Quốc Cường Gia Lai, ... |
Hơn 320.000 m2 đất công của TP HCM bị bán rẻ thế nào Công ty thuộc Văn phòng Thành ủy chấp thuận cho Quốc Cường Gia Lai hợp tác đầu tư nhưng sau đó chuyển nhượng khu đất ... |