Để tránh xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đảm bảo ổn định chế độ chính sách, đối chiếu thông tin hồ sơ, Tổng cục Hải quan đã có kết luận cuối cùng xử lý kiến nghị phân loại mặt hàng gỗ cao su dạng tấm . Theo đó phân loại mặt hàng thuộc nhóm 44.18 (thuế suất 0%).

Ngày 15.8, Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị này vừa ban hành Thông báo 5344/TB-TCHQ do Phó Tổng cục trưởng Hải quan Lưu Mạnh Tưởng ký, về kết quả phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan cho biết, thông báo này thay thế thông báo kết quả phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu số 4250/TB-TCHQ, ngày 24.6.2020.

Theo đó mặt hàng thuộc nhóm HS 44.18 là “đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả tấm gỗ có lõi xếp, tấm lát sàn đã lắp ghép và ván lợp (shingles and shakes)”… tại danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Như vậy, với việc phân loại trên, mặt hàng ván ghép thanh sẽ được áp mức thuế xuất khẩu 0%, thay vì mức 25% như thông báo số 4250/TB-TCHQ nói trên.

Trước đó, Tổng cục Hải quan nhận được một số vướng mắc của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định; Công ty cổ phần chế biến Gỗ Mộc Cát Tường (Công ty) liên quan đến việc phân loại mặt hàng tại Thông báo kết quả phân loại số 4250/TB-TCHQ ngày 24.6.2020.

Ngày 4.8, Bộ Tài chính ban hành Thông báo số 517/TB-BTC của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, theo đó trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Hải quan về việc áp dụng mã HS đối với nhóm các mặt hàng gỗ caosu xuất khẩu dạng tấm.

Để đảm bảo khách quan, công bằng giữa lợi ích nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế thành lập đoàn công tác đối thoại với doanh nghiệp để quyết định việc áp mã HS cho phù hợp sản phẩm.

Ngày 5.8, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) thành lập đoàn công tác, phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức đối thoại với Công ty, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Tại buổi đối thoại, Tổng cục Hải quan đã đề nghị Công ty xác định rõ quy trình sản xuất, chế biến, quy cách sản phẩm để xác định mặt hàng có hay không được gia công quá mức cưa hoặc xẻ dọc, lạng hoặc bóc, bào, chà nhám hoặc nối đầu của nhóm 44.07.

Căn cứ quy trình sản xuất, mặt hàng chưa đủ cơ sở loại trừ thuộc nhóm 44.07 và chưa đủ cơ sở phân loại thuộc nhóm 44.18 như đề nghị của doanh nghiệp.

Nhằm đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp và tránh việc ách tắc hàng hóa, sau buổi đối thoại, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục cho phép Công ty mộc Cát Tường được phép xuất khẩu ván gỗ ghép với thuế suất 0%. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải cam kết sẽ thực hiện quyết định cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền.

CAO NGUYÊN

SHB tài trợ 98% giá trị bộ chứng từ dành cho doanh nghiệp xuất khẩu SHB tài trợ 98% giá trị bộ chứng từ dành cho doanh nghiệp xuất khẩu
Không có đất tồn tại cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ làm ăn chụp giật Không có đất tồn tại cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ làm ăn chụp giật

/ laodong.vn